Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:49 (GMT +7)
Vì sao chuyên gia y tế cho rằng đến lúc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường?
Thứ 7, 02/11/2024 | 15:59:05 [GMT +7] A A
Để ngăn ngừa, giảm thiểu thừa cân, béo phì đáng báo động, dự phòng giảm thiểu rủi ro, gánh nặng với bệnh không lây nhiễm, chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường.
Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10% đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Cơ quan soạn thảo nhận định đây là mặt hàng mới được đề xuất bổ sung vào diện chịu thuế nên Bộ Tài chính đề xuất thuế suất 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại có lượng đường thấp, nâng nhận thức, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng. Theo tính toán với mức thuế suất này làm tăng 5% giá bán lẻ.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng mức tăng giá bán lẻ như vậy là “không đáng kể, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng”. Ví dụ, sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/chai, sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có giá bán là 10.500 đồng/chai. Do đó, Bộ Y tế đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình).
Điều này tương tự với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giá bán lẻ đồ uống có đường cần phải tăng 20% trở lên, tương đương với thuế suất 40% giá bán ra của nhà sản xuất.
Giải pháp này ngoài việc góp phần giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và các tác hại của loại đồ uống này với sức khỏe cộng đồng còn tăng thu cho ngân sách, giúp giảm chi phí y tế với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của trường Đại học Y tế Công cộng năm 2022 chỉ ra nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 20% trên giá bán lẻ đối với đồ uống có đường thì tỷ lệ thừa cân và béo phì có thể giảm lần lượt là 2,1% và 1,5%; phòng tránh được 81.462 ca đái tháo đường tuýp 2 và tiết kiệm được 24,55 triệu USD chi phí y tế. Nghiên cứu do Tổ chức HealthBridge Canada, Văn phòng Việt Nam và WHO Việt Nam tiến hành đã ước tính với thuế suất 40% giá bán ra của nhà sản xuất thì sẽ có thể dẫn đến số thu ngân sách là khoảng 17,4 tỷ đồng.
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng mạnh trong các năm qua. Tổng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng và dự báo ngày càng tăng.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, không giống như đường ở dạng rắn (như trong bánh, kẹo, socola…), đường dạng lỏng như trong nước giải khát, đồ uống có đường có hại nhiều hơn với cơ thể.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng WHO tại Việt Nam, cho hay tiêu thụ nhiều nước giải khát - loại đồ uống có đường phổ biến nhất, được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em. Điều này làm tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp và các biến chứng về tim mạch, đột quỵ, tử vong, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, răng miệng, xương...
Thực tế, tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh mãn tính đang tăng rất nhanh ở nước ta. 10 năm trước, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em là 8,5% nhưng nay lên 19%, còn người trưởng thành ở mức gần 20%, theo PGS.TS Mai.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường được nhiều quốc gia triển khai. Trong 15 năm, số quốc gia thực hiện chính sách này đã tăng nhanh, từ 35 quốc gia (năm 2009) lên 104 quốc gia (2023). Tại ASEAN, 6 quốc gia áp dụng gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Brunei.
Ở Thái Lan, sau 2 năm thực hiện chính sách áp thuế này, mức tiêu thụ đồ uống có đường trung bình/người/ngày đã giảm 2,8%; riêng với nước có gas giảm tới 17,7%. Ở Mexico, mức tiêu thụ đồ uống có đường giảm 6% trong năm đầu tiên và giảm 10% ở năm tiếp theo.
Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng đây là thời điểm phù hợp để đưa đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường, vào danh mục mặt hàng áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()