Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 13:17 (GMT +7)
Vì sao lùi xử phạt xe tải không lắp camera?
Thứ 3, 29/06/2021 | 08:09:44 [GMT +7] A A
Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn trước việc Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn xử phạt đối với xe tải chưa lắp camera giám sát với lý do Covid-19...
Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn trước việc Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn xử phạt đối với xe tải chưa lắp camera giám sát. Lý do là bởi dịch Covid-19 chỉ ảnh hưởng đến vận tải khách, còn vận tải hàng hóa vẫn tăng trưởng tốt thời gian qua. Vậy điều này có chính xác?
Doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn lao đao vì dịch bệnh
Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt xe khách, xe đầu kéo chưa lắp camera giám sát từ 1/7/2021. Đối với xe chở container, xe đầu kéo sẽ lùi đến hết năm nay. Còn với xe khách từ 9 chỗ trở lên lùi đến ngày 30/6/2022.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh doanh vận tải khách là không cần bàn cãi, bởi số xe nằm bãi không hoạt động khiến doanh thu giảm đến 60%.
Tuy nhiên, đối với vận tải hàng hóa, thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, khối lượng vận chuyển hàng hoá trong tháng 5/2021 đạt hơn 100.000 nghìn tấn, tăng 2,9% so với tháng 4/2021 và tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020.
“Với thống kê này thì rõ ràng vận tải hàng hóa tăng trưởng, vậy tại sao phải lùi thời hạn xử phạt việc họ không lắp camera giám sát?”, một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị camera giám sát nêu.
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tình cảnh của doanh nghiệp vận tải hàng hóa trái ngược với con số thống kê trên.
Là doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa liên vận đi các nước, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải giao nhận và Thương mại Quang Châu khẳng định, con số thống kê không phản ánh đúng khó khăn của doanh nghiệp, cách thống kê qua hàng xuất nhập khẩu tại cảng là không chính xác.
Dẫn chứng cụ thể, ông Xuân cho hay, chính sách “ngăn sông cấm chợ” trong phòng chống dịch bệnh của nhiều địa phương thời gian qua khiến việc không lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
“Nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đóng cửa làm cho lượng hàng hóa giảm sút nghiêm trọng. Năm 2020, doanh nghiệp lỗ 5 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm chạy hòa vốn nhưng đã phải lấy cả chi phí khấu hao xe để trả lương nhân viên. Chạy nhiều lỗ nhiều, nếu cứ tiếp tục thế này doanh nghiệp sẽ phá sản”, ông Xuân nói.
Cũng theo ông Xuân, ngoài các loại thuế, phí cố định như phí cầu đường, bến bãi, dịch bệnh cũng làm doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí. Tại các cửa khẩu, doanh nghiệp không được tự đưa xe sang nước bạn mà phải thuê lái xe của nước sở tại với chi phí 6 triệu đồng/chuyến. Với 250 xe, mỗi tháng doanh nghiệp phải bỏ số tiền rất lớn cho dịch vụ này.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết, doanh thu mỗi đầu xe trong tháng đạt khoảng 60 triệu đồng, các khoản phí cầu đường, bảo trì đường bộ, bảo hiểm, bến bãi hết 25 triệu đồng, chưa tính đến xăng dầu, sửa chữa.
“Hiện chỉ có khoảng 60% số xe vận tải hàng hóa của thành phố còn hoạt động, số còn lại doanh thu giảm khoảng 40%. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là rất đúng đối tượng”, ông Quản nói.
Thống kê có “soi” được khó khăn của doanh nghiệp?
Ông Đặng Văn Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, từ đầu năm đến nay, nhiều khu công nghiệp ở Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh đóng cửa, khó có cơ sở để nói vận tải hàng hóa tăng trưởng.
Theo ông Phương, số liệu vận tải hàng hóa tăng trưởng được lấy từ số liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, số liệu này chưa chuẩn xác.
“Khi lấy số liệu thống kê từ cảng vụ hàng hải, một con tàu có tải trọng 10.000 DWT vào cảng nhưng có khi chỉ có 5.000 DWT là chở hàng, còn lại là rỗng. Nhưng khi thống kê lại tính cả con số 10.000 DWT. Chỉ khi nào số liệu thống kê và hạch toán doanh thu của doanh nghiệp khớp nhau mới chính xác”, ông Phương nêu ví dụ.
“
Từ ngày 1/1/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo và từ ngày 1/7/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trở lên, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị không thực hiện. Bên cạnh đó, tổng cục tiếp tục kiến nghị chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải ứng phó với dịch Covid-19. ”
|
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Quản cho rằng, không có cơ sở nói vận tải hàng hóa tăng trưởng.
Nếu thống kê theo số liệu của hải quan thì hàng hóa sẽ về kho, xuống tàu và tạm nhập tái xuất, không hoàn toàn là vận tải trên đường.
“Hàng chục năm nay, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa TP HCM không thấy có ai hỏi số liệu. Theo quy định hạch toán có lãi doanh nghiệp mới phải đóng thuế. Cần xem lại cách thống kê trên cơ sở nào. Chính xác nhất là lấy số liệu từ ngành thuế sẽ biết được doanh nghiệp hoạt động có lãi hay lỗ, vận tải hàng hóa tăng trưởng ra sao”, ông Quản nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, số liệu tăng trưởng của vận tải hàng hóa không phản ánh đúng thực tế của hoạt động vận tải hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Các doanh nghiệp vận tải cho biết họ chưa bao giờ gửi số liệu về chi cục thống kê của tỉnh. Vậy cần xem xét con số thống kê đã sát thực tế hay chưa.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, hiện đa số các doanh nghiệp vận tải khách cũng như hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún, tỷ lệ xe chạy rỗng còn ở mức trên 45% nên chi phí vận tải chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành.
Doanh thu mỗi chuyến hàng, chuyến xe, doanh nghiệp chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn, tìm cách thu hẹp sản xuất và buộc phải giảm bớt phương tiện, nhân công.
“Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải theo lộ trình lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải được quy định tại Nghị định 10/2020, tổng cục đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định 10”, bà Hiền cho biết.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()