Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 09:13 (GMT +7)
Vì sao nhóm nhạc Việt lại "chết yểu"?
Thứ 3, 02/08/2022 | 23:05:13 [GMT +7] A A
Sự thay đổi của thị trường, mong muốn phát triển của mỗi cá nhân là những nguyên nhân khiến nhóm nhạc khó trụ lại lâu dài.
Trong vài năm qua, hàng loạt nhóm nhạc Việt đã tan rã như: LipB, Monstar, Zero9, The Air, SG048... dù các nhóm được thành lập theo mô hình chuẩn Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời có tiền tỉ để đầu tư.
Chất lượng quyết định
Ngày 7-8 sắp tới, chương trình biểu diễn quy tụ những nhóm nhạc đình đám một thời như MTV, 911, A1 tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TP HCM) thu hút sự chú ý của công chúng. Ban tổ chức cho biết chương trình sẽ tiếp tục diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của ban nhạc Westlife.
Người trong cuộc cho rằng chương trình này mang tính hoài niệm nhiều hơn bởi khán giả của các đêm nhạc chủ yếu là thế hệ 8x - những người biết và từng yêu nhạc của các nhóm hát. Trong khi đó, với khán giả trẻ hiện nay, họ có thể không biết hoặc không mấy hứng thú với những gì đã cũ.
Hiện vẫn còn nhiều nhóm nhạc hoạt động và được yêu thích như FOR7, Chillies, Da LAB, Cá Hồi Hoang, O2O Girl Band... Dù cố gắng đưa ra những sản phẩm âm nhạc mới nhưng sức hút của nhóm nhạc luôn không bằng những giọng ca solo. Điều đó khiến nhiều nhóm nhạc khó phát triển ở showbiz Việt. Nhóm MTV vẫn tái hợp trong một số chương trình chứ không duy trì hoạt động thường xuyên. Uni5, P336 vắng bóng trên thị trường trong nhiều tháng qua.
Đầu năm nay, chương trình Rock Việt đón gần 60 nhóm nhạc rock tham gia. Trong đó, nhiều nhóm chỉ mới thành lập từ 2 đến 3 năm. Sau cuộc thi này, các nhóm chưa có hoạt động nào nổi bật, ngay cả với nhóm Metanoia giành ngôi quán quân.
Nhóm MTV thừa nhận: "Thành lập một nhóm nhạc không khó nhưng để duy trì nhóm lại vô cùng khó. Sự thay đổi của thị trường, mong muốn phát triển của mỗi cá nhân chính là những nguyên nhân khiến nhóm nhạc khó trụ lại lâu dài". Nhóm AC&M, 5 Dòng Kẻ, The Bells, Con Gái, Tam Ca Áo Trắng, 3 Con Mèo..., những nhóm nhạc được đánh giá chất lượng nhất của nhạc Việt nhưng vẫn không thể tồn tại vì chung lý do này.
Một số nhóm nhạc như FOR7, P336 cũng đã tận dụng mạng xã hội để phát triển các chương trình giải trí tiếp cận khán giả trẻ. Hay nhóm O2O Girl Band thì chú trọng các nội dung thời trang, làm đẹp... Tuy nhiên, các nhóm vẫn chưa thể bật lên được, bởi họ vẫn chưa có sản phẩm âm nhạc chất lượng cao để định danh.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng làng nhạc sẽ trải qua rất nhiều thay đổi, ảnh hưởng ở từng giai đoạn. Tuy nhiên cuối cùng, âm nhạc chất lượng vẫn là điều tồn tại, được chấp nhận. Anh Trần Minh Phương, đại diện nhóm Da LAB, cho biết khán giả trước nay biết và yêu thích nhóm qua âm nhạc, nên điều họ chú trọng vẫn là chuyên môn để đi đường dài. Nhưng làm sao để âm nhạc tiếp cận khán giả dễ dàng và được họ đón nhận luôn là bài toán khó.
"Có rất nhiều thách thức để tồn tại, song yếu tố quyết định vẫn là làm sao đưa âm nhạc tới nhiều người nghe hơn và phát triển hơn nữa cộng đồng nghe nhạc của mình" - đại diện nhóm Cá Hồi Hoang cho hay.
Thử thách cho các nhóm nhạc
Chương trình thực tế Vote For Five đã chính thức lên sóng, có khởi đầu khá ấn tượng với 480.000 lượt xem cùng lúc và 1.800.000 view phát sóng trên ứng dụng FPT Play.
Vote For Five do Wepro Entertainment tổ chức, là cuộc thi âm nhạc nhằm tìm kiếm 5 nam ca sĩ trẻ tài năng, trong độ tuổi từ 18 - 28 trên toàn quốc, để thành lập một nhóm nhạc thần tượng nam (boygroup). 100 tài năng âm nhạc trên cả nước lọt qua vòng tuyển chọn khắc nghiệt sẽ bước vào thời gian đào tạo kỹ năng, luyện tập và biểu diễn theo các chủ đề hoặc thử thách âm nhạc khác nhau.
Một trong những tình tiết nổi bật và gây sốc nhất trong tập đầu tiên của Vote For Five chính là màn loại hàng loạt thí sinh trước thềm trình diễn trên sân khấu chính thức để tìm ra top 50. Không chỉ làm thí sinh ngỡ ngàng, dàn mentor (huấn luyện viên) bất ngờ và 2 host (dẫn chương trình) ngậm ngùi, mà phần loại người này cũng khiến khán giả lập tức "dậy sóng". Cộng đồng mạng để lại bình luận không ngờ chương trình lại khắc nghiệt đến như vậy, cũng có người cho rằng Vote For Five "quá ác" khi thí sinh chưa được lên sân khấu đã phải ra về.
Ở thử thách chia nhóm nhỏ sau khi chia bảng và trình diễn một ca khúc được giao bởi Ban Tổ chức, một số thí sinh đã mang tâm lý chủ quan, nghĩ rằng đó là "chương trình chạy thử" và không làm hết mình. Tất cả những dữ liệu này đã đủ để Vote For Five tìm ra top 50 xứng đáng bước tiếp. Đây cũng là một bài học lớn cho những "người ở lại" để luôn giữ vững tinh thần chiến đấu hết mình, thể hiện mọi khả năng của bản thân khi có cơ hội trình diễn tại Vote For Five.
Không ít khán giả hoài nghi với chất lượng thí sinh, thì trong tập 1, Vote For Five đã chinh phục được nhiều khán giả. Với "đề bài" trình diễn loạt bản hit Vpop những năm 2000 theo đội hình nhóm, các tân binh của Vote For Five đã thể hiện thuần thục khả năng hát, rap, nhảy trong từng tiết mục.
Những ca khúc đình đám một thời cũng được làm mới giai điệu bởi giám đốc âm nhạc Hứa Kim Tuyền, có thêm đoạn rap được viết mới nhằm tăng yếu tố trẻ trung, xu hướng, hợp thời đại. Trong tập 1, có 4 phần trình diễn được phát sóng và đều nhận được "cơn mưa" lời khen từ khán giả khi các tân binh hát live ổn định, rõ lời.
Ở sân khấu chính thức với đội hình nhóm các tân binh của Vote For Five thu hút mọi ánh nhìn với phong cách và cá tính riêng biệt. Một số khán giả hào hứng chia sẻ đã tìm được tân binh mà mình yêu thích ngay trong tập 1.
Theo Người lao động
Liên kết website
Ý kiến ()