Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:14 (GMT +7)
Vì sao phải đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19?
Thứ 6, 03/09/2021 | 15:51:37 [GMT +7] A A
Trước mỗi can thiệp y tế, thầy thuốc phải đo các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, như mạch, nhiệt độ, huyết áp…Việc đo huyết áp nhằm giúp thầy thuốc xem xét người dân có đủ an toàn để tiêm hay không. Những trường hợp có huyết áp quá cao hay quá thấp đều nguy hiểm cho việc tiêm.
Theo Quyết định 3802 ngày 10/8 của Bộ Y tế ban hành kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thầy thuốc cần đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch tất cả những người đến tiêm, đếm nhịp thở ở những người có bệnh nền để phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống.
Theo đó, người có một trong các bất thường về dấu hiệu sống là khi huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg; với người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế có chỉ số huyết áp cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày.
Họ được xếp vào nhóm người phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đây là lần thứ 4 Bộ Y tế cập nhật, thay đổi hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin COVID-19. Ở những lần hướng dẫn trước đó, ngoài đo mạch, huyết áp, đếm nhịp thở, thầy thuốc còn phải đo thêm Sp02 và nghe tim, phổi cho người được tiêm.
TS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tư vấn tiêm chủng vắc xin thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khẳng định việc đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin COVID-19 đến nay là vẫn cần thiết.
Theo TS Vũ Minh Điền, huyết áp (HA) là một sinh hiệu quan trọng đối với mỗi người; căn cứ trị số huyết áp để bác sĩ chẩn đoán là tăng huyết áp (Huyết áp tối đa >= 140 mmHg và/hoặc HA tối thiểu > 90 mmHg) hoặc hạ huyết áp (HA tối đa < 90 mmHg và/hoặc HA tối thiểu < 60 mmHg).
Do đó, theo TS Điền, việc đo huyết áp ngay trước hoặc trong khi khám sàng lọc có 2 ý nghĩa:
Một là để tiên lượng và tư vấn cho đối tượng những nguy cơ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin COVID-19 (như lên cơn nhịp nhanh, tăng huyết áp, hoặc phản vệ gây tụt huyết áp).
Hai là căn cứ để chẩn đoán sốc phản vệ sớm (nhất là ở thể phản vệ chỉ có trụy mạch, tụt huyết áp mà không có biểu hiện ở da và niêm mạc), đặc biệt là ở những người tăng huyết áp với huyết áp nền thường xuyên ở mức cao mà họ chưa được chẩn đoán và điều trị trước đó.
Ví dụ, người có huyết áp trước tiêm đo được là 140/90 mmHG, sau tiêm vaccine mà huyết áp giảm xuống 100/70 là tụt huyết áp (phản vệ). "Lúc này, thầy thuốc cần phải xử trí ngay, người được tiêm này nếu không được đo huyết áp trước tiêm thì không chẩn đoán được phản vệ" - TS Điền nói.
Cũng theo TS Điền, việc đo huyết áp hiện nay rất đơn giản và nhanh chóng với các máy đo huyết áp điện tử (hầu hết mọi người đều có thể tự đo được nếu được hướng dẫn). Nếu bố trí bàn tự đo huyết áp và vệ sinh tay sau khi đo thì sẽ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong quá trình đo huyết áp.
Ngoài ra, trong hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành theo Quyết định 3802/QD-BYT ngày 10/8, việc "tăng huyết áp áo trắng" hay tăng huyết áp không phải là chống chỉ định hay trì hoãn tiêm chủng, mà là chỉ dấu cần lưu ý, sàng lọc kỹ và thận trọng khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Còn theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng điểm tiêm vắc xinCOVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trước mỗi can thiệp y tế, thầy thuốc phải đo các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, như mạch, nhiệt độ, huyết áp… Việc đo huyết áp
nhằm giúp thầy thuốc xem xét người dân có đủ an toàn để tiêm hay không. Những trường hợp có huyết áp quá cao hay quá thấp đều nguy hiểm cho việc tiêm.
Đến nay, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho hàng chục nghìn lượt người. Thực tế, trong quá trình tiêm vắc xin ở bệnh viện, có không ít trường hợp huyết áp đo tại thời điểm sàng lọc trước tiêm là 160-170/90 (nghĩa là vượt mức khuyến cáo).
Thầy thuốc sẽ yêu cầu người dân ngồi nghỉ 30 phút trước khi đo lại huyết áp sau đó tiến hành tiêm vắc xin COVID-19. Người dân cũng được yêu cầu theo dõi sát sao sau tiêm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tăng huyết áp
Đau đầu
Tăng huyết áp ác tính (huyết áp tăng vọt) tạo ra áp lực trong hộp sọ, phần sọ bao quanh não. Khi huyết áp tăng tới đỉnh, cơn đau xuất hiện trong hộp sọ, gây đau nửa đầu hoặc đau đầu dữ dội. Tăng huyết áp ác tính thường đi kèm với đau ngực, nhìn mờ và buồn nôn.
Nhìn mờ
Tăng huyết áp có thể khiến cho các phần não bị sưng nề, gây nhìn mờ vì phần não này kết nối trực tiếp dây thần kinh với mắt. Liên kết dây thần kinh đặc biệt nhạy cảm với tăng huyết áp, do vậy, ảnh hưởng xấu tới thị lực. Nếu tình trạng sưng nề trong não lan tỏa, nó có thể gây sưng nề dây thần kinh thị giác và suy giảm thị lực.
Khó thở
Áp lực lên các buồng tim tăng khiến cho vách buồng tim dày lên chống lại tăng huyết áp. Khi đó, không gian sẽ bị thu hẹp lại, máu khó bơm tới những phần còn lại của cơ thể, dẫn đến tích tụ máu trong phổi gây khó thở.
Mệt mỏi và buồn ngủ
Do huyết áp tăng cao, các nội tạng bị suy yếu hoặc tổn thương. Hơn nữa, buồng tim dày lên khiến máu ít được bơm ra ngoài. Từ đó máu không lưu thông hiệu quả và thiếu cung cấp máu gây mệt mỏi và buồn ngủ.
Buồn nôn
Khi huyết áp tăng, tim bơm ít máu. Do vậy ôxy trong máu được vận chuyển tới các cơ quan ít hơn. Điều này làm tăng áp lực lên tim, giảm cung cấp máu tới các chi và não. Thiếu máu mang ôxy tới não gây khó chịu và buồn nôn.
Chảy máu cam
Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân đôi khi gây chảy máu cam.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()