Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:59 (GMT +7)
Vì sao tản nhiệt dầu cho máy tính không còn được ưa chuộng nữa?
Thứ 3, 11/01/2022 | 16:27:22 [GMT +7] A A
Từng có thời gian, một số người đam mê máy tính nảy ra ý tưởng tạo ra hệ thống tản nhiệt bằng cách ngâm linh kiện của máy tính trong bể dầu khoáng – và nó thật sự có hiệu quả! Nhưng đến nay, chẳng còn ai sử dụng cách này nữa, điều gì đã xảy ra với những chiếc máy tính “bể cá” này?
Tản nhiệt dầu hoạt động ra sao?
Để tạo ra một hệ thống tản nhiệt dầu cho máy tính, bạn sẽ cần mua sắm một số thứ, gồm:
- Một bể chứa chống rò rỉ, như bể cá chẳng hạn.
- Một loại dầu khoáng đặc biệt không dẫn điện.
- Một chiếc máy bơm để dẫn dầu chạy khắp hệ thống (tuỳ chọn).
- Nếu bạn muốn hệ thống hoạt động liên tục, bạn sẽ cần thêm một bộ tản nhiệt (tuỳ chọn).
Toàn bộ phần linh kiện thể rắn của máy tính sẽ được ngâm trong dầu khoáng và nhiệt lượng toả ra sẽ truyền trực tiếp vào chất lỏng này. Dầu khoáng có nhiệt dung riêng cao. Nhiệt dung riêng là chỉ số cho biết bạn cần bao nhiêu năng lượng để khiến chất đó tăng thêm 1 độ.
Về cơ bản, bạn có thể truyền nhiệt liên tục vào dầu khoáng và nó sẽ từ từ ấm lên cho đến khi đạt trạng thái cân bằng nhiệt. Kể từ thời điểm này, hệ thống sẽ chạy ở nhiệt độ ổn định khi có tải. Giả sử nhiệt độ ở trạng thái cân bằng thấp hơn mức nhiệt độ tối đa trong phạm vi tối ưu hiệu suất, vậy thì bạn không cần phải lo lắng gì về việc làm mát nữa.
Tản nhiệt dầu thụ động phù hợp cho những người sử dụng máy tính vài tiếng mỗi ngày và sau đó tắt máy, chuyển sang chế độ ngủ hoặc để máy không tải qua đêm. Dầu tản nhiệt sẽ nguội từ từ và sẵn sàng để tiếp tục hấp thụ nhiệt vào ngày hôm sau.
Với những hệ thống cần tản nhiệt chủ động, bạn có thể sử dụng máy bơm để đẩy dầu chạy qua các bộ tản nhiệt. Quạt gió sẽ làm nguội dầu khi chúng chạy qua bộ tản nhiệt và từ đó hạ nhiệt độ của hệ thống làm mát. Tuy vậy, nó sẽ không được yên tĩnh như hệ thống làm mát bị động. Dù có sử dụng quạt lớn với tốc độ quay thấp và chỉ kích hoạt khi đạt ngưỡng nhiệt độ nhất định thì tiếng ồn phát ra cũng khá là khó chịu.
Những bộ tản nhiệt dầu DIY đời đầu
Cũng tương tự với hệ thống làm mát bằng nước, vào thời gian đầu, bạn không thể mua thiết bị chuyên dụng cho một hệ thống tản nhiệt dầu. Như vậy, với những ai muốn thử tự làm một chiếc máy tính với bộ tản nhiệt dầu, họ cần phải đến các cửa hàng bán cá cảnh, hoặc cải hoán bộ tản nhiệt dầu trên xe ô tô.
Bạn vẫn sẽ cần tham khảo một số bài hướng dẫn trên các diễn đàn trực tuyến cho dự án này. Tượng tự, một số tạp chí, kênh Youtube cũng từng thử tự tay tạo ra một hệ thống tản nhiệt dầu và thành công ở nhiều mức độ khác nhau. Sự thu hút của tản nhiệt dầu bắt đầu lan rộng và vượt ra khỏi nhóm những người đam mê máy tính. Có thể dùng từ “vượt ra” là hơi nói quá một chút, nhưng đây là một sự lựa chọn khá hấp dẫn với những ai cần một bộ tản nhiệt hiệu suất cao và có thể hoạt động 24/7.
Bộ tản nhiệt dầu thương mại
Một khi có đủ sự chú ý của người dùng trên thị trường, những phiên bản thương mại bắt đầu được bán ra. Một trong những sản phẩm được biết đến nhiều nhất dành cho những ai muốn tự tay lắp ráp chính là Puget. Công ty này đã thử nghiệm và phát triển một số phiên bản của hệ thống làm mát bằng dầu khoáng, và sau hơn một năm, Puget cho ra mắt bộ sản phẩm đầu tiên để nhận định tiềm năng của nó. Với hiệu quả tốt và nhận được sự hài lòng của khách hàng, người ta thật sự có thể mua được những bộ sản phẩm này trong một quãng thời gian.
Đáng tiếc là một công ty khác đã cáo buộc bộ tản nhiệt dầu của Pluget vi phạm bằng sáng chế của họ, và thay vì trả phí bản quyền, Puget quyết định dừng kinh doanh sản phẩm này. Không rõ đã có bao nhiêu người mua được và họ có còn sử dụng chúng hay không, nhưng dù sao đi nữa thì ngày nay chúng ta cũng không tìm được quá nhiều bộ tản nhiệt dầu trên thị trường. Duy có một công ty, là Coolbitts, cung cấp một bộ tản nhiệt ngâm chất lỏng hiện đại với mức giá “cắt cổ” là 2.450 USD (~55,6 triệu đồng).
Nhược điểm của tản nhiệt bằng dầu khoáng
Tản nhiệt bằng dầu khoáng có khá nhiều lợi ích và cũng là một cách thú vị để tạo ra một bộ máy tính có một không hai. Ít nhất là khi bạn làm đúng cách. Đó là vì bạn cần xử lý rất nhiều vấn đề khi lắp ráp một hệ thống tản nhiệt dầu cho máy tính của mình.
Đầu tiên, bản thân dầu sử dụng cũng cần được bảo dưỡng. Hệ thống của Puget trong quá trình thử nghiệm cho thấy cần thay hoặc lọc dầu mỗi năm một lần. Lý do không phải là vì khả năng hấp thụ nhiệt của nó giảm đi, mà là trải qua thời gian, dầu sẽ bị đục và khiến chiếc máy tính của bạn trông không được “lung linh” nữa.
Nếu bạn có ổ đĩa quang hoặc ổ cứng cơ học, những linh kiện này không thể ngâm trong dầu vì chúng được thiết kế để hoạt động trong môi trường không khí. Như vậy, bạn sẽ cần tạo ra một hộp chứa và cáp nối chuyên dụng cho những linh kiện này. Ngày nay, với sự phổ biến của SSD và các dịch vụ lưu trữ trực tuyến, bạn không nhất thiết phải sử dụng đến những linh kiện kia nữa, như vậy đã bớt đi được một vấn đề.
Bất kỳ cổng nhập/xuất dữ liệu nào, như cổng USB chẳng hạn, cũng nên được tách rời khỏi bể dầu. Trong thời gian ngắn thì có thể không quá ảnh hưởng đến cổng kết nối hay đầu cắm, nhưng có chất lỏng không dẫn điện giữa các đầu tiếp xúc trong cổng kết nối lại không ổn cho lắm. Dầu cũng có thể ngấm vào các đầu dây và từ từ rò rỉ ra bên ngoài.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng dầu khoáng sẽ hoà tan các linh kiện bằng cao su. Khi Puget thử nghiệm hệ thống của họ, thậm chí là sau một năm sử dụng, hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy đã xảy ra hiện tượng này. Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào loại dầu và loại vật liệu được sử dụng. Đây chính là lý do vì sao việc lựa chọn loại dầu khoáng lại đặc biệt quan trọng mà không thể chọn bừa một loại trong siêu thị.
Cuối cùng, hệ thống tản nhiệt dầu cho máy tính cần được bảo dưỡng khá nhiều khiến việc sử dụng rộng rãi nó trở nên không thực tế. Đây cũng có thể là nguyên nhân giúp hệ thống tản nhiệt nước trở nên thịnh hành hơn.
Tản nhiệt nước lên ngôi
Ngày nay, không khó để chọn mua một bộ tản nhiệt nước cho máy tính. Bạn có thể dễ dàng chọn mua tại các cửa hàng, gắn vào các giá đỡ có sẵn trong thùng máy và gắn nó lên CPU, hoàn toàn đơn giản như việc lắp quạt tản nhiệt vậy. Với GPU thì sẽ khó hơn một chút, nhưng nếu chọn đúng loại, bạn có thể mua bộ tản nhiệt nước có hỗ trợ cho dòng GPU bạn mua, hoặc đơn giản là chọn các dòng có tích hợp sẵn tản nhiệt nước.
Lắp đặt một hệ thống tản nhiệt nước tuần hoàn vẫn cần những giải pháp phù hợp cho từng loại máy tính, nhưng bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chuyên gia lắp đặt tản nhiệt nước cho mình. Bạn hoàn toàn không cần bảo trì những hệ thống tản nhiệt nước khép kín all-in-one, vì chúng không cần bổ sung nước và cũng không cần mở ra. Với những hệ thống tản nhiệt nước tuần hoàn tự lắp ráp, việc bảo trì có thể sẽ mất từ một đến hai tiếng đồng hồ, tuỳ vào thiết kế của hệ thống. Và bạn chỉ cần bảo trì vài tháng, hay thậm chí là vài năm một lần, tuỳ vào loại dung dịch làm mát sử dụng.
Chính vì những lý do đó mà hệ thống tản nhiệt nước trở nên vượt trội và được sử dụng rộng rãi, trong khi tản nhiệt dầu lại trở nên khuất bóng trên thị trường.
Tản nhiệt dầu vẫn còn tồn tại!
Nhưng như vậy không có nghĩa là những hệ thống tản nhiệt dầu đã biến mất. Ở hiện tại, bạn có thể tìm thấy một số người vẫn còn tạo ra chúng. Bạn có nên cân nhắc sử dụng tản nhiệt dầu? Không hẳn, nhưng dường như nó sẽ là một dự án DIY khá hấp dẫn và trong một số trường hợp, như khi bạn cần một hệ làm mát thụ động không tiếng ồn chẳng hạn, bạn hoàn toàn có lý do để thử nó.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()