Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:17 (GMT +7)
Vị thế của Vân Đồn trong con đường giao lưu Đông - Tây
Chủ nhật, 21/05/2023 | 13:40:06 [GMT +7] A A
Vân Đồn như chuỗi ngọc trai lóng lánh ở vùng biển Đông Bắc nước ta. Tuy nhiên, để khai thác di sản của Vân Đồn, nhất là về giá trị di sản văn hoá của hệ thống thương cảng Vân Đồn còn có nhiều điều cần được làm rõ về mặt lịch sử, văn hoá và để biến di sản vô giá này phục vụ cho phát triển du lịch.
Từ thời Lý, vị thế của Thương cảng Vân Đồn đã trở thành vô cùng quan trọng. Không chỉ di tích tầng văn hoá dày khoảng 60cm chứa các mảnh gốm thời Lý, Trần, Lê kéo dài 200m bên bờ vụng biển Cái Làng (mà chủ yếu là đồ gốm thời Lý) đã cho thấy thời Lý đã có thương cảng rất lớn ở đây, trên xã đảo Quan Lạn, mà thư tịch còn ghi lại.
Các vết tích khảo cổ đã chứng minh Thương cảng Vân Đồn là một khu thương mại liên hợp lớn gồm một số bến cảng trên các đảo, mà lớn nhất là bến Cái Làng. Vai trò của trung tâm cảng thị này như một dạng “chợ đầu mối” gom hàng từ Trung Quốc sang, từ đất liền Việt Nam ra, từ một số nước khác tới và phân phối lại cho các vùng miền. Thương cảng Vân Đồn còn là một cơ sở hậu cần tốt: Trên con đường giao lưu Đông - Tây, các thuyền buôn cần có nơi để nghỉ ngơi, ăn uống, cung cấp nước ngọt mà nguồn nước ngọt ở đây cũng dồi dào, điển hình như “giếng Hệu”, rất cần cho các chuyến đi biển đường dài. Mặt khác, với vị trí Vân Đồn có nhiều vụng biển, kín gió, tránh bão còn là một vùng tiện cho việc neo đậu thuyền và dựng các nhà, các trạm để buôn bán lớn.
Căn cứ vào thư tịch và di vật, có thể thấy các mối giao thương ở thương cảng này gồm thương nhân các nước Đại Việt, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Tây Ban Nha, Philippines, Singapore… Hàng hoá ở đây gồm gỗ lim, vàng, quế, ngọc trai, ngà voi, lụa là, gấm vóc và nhất là đồ gốm.
Tại sao di tích khảo cổ ở Thương cảng Vân Đồn chủ yếu là đồ gốm? Đó là do các đồ vật hữu cơ như gỗ, quế, lụa, gấm đã bị huỷ hoại theo thời gian, mặc dù con đường giao thương nổi tiếng là mặt hàng lụa (vì thế còn được mệnh danh là “con đường tơ lụa”). Còn đồ gốm thì bền vững với thời gian. Một mặt khác, đồ gốm Trung Quốc là sản vật nổi tiếng mà thế giới phương Tây ưa chuộng (gốm ở lò Cảnh Đức Trấn chẳng hạn), gốm Chu Đậu của Việt Nam, gốm Hizen của Nhật Bản, hay một số đồ gốm phương Tây tinh xảo mà người phương Đông thích…
Một vấn đề nữa cần được tìm hiểu để có câu trả lời, đó là Thương cảng Vân Đồn vì sao mất đi vai trò dần dần trong giai đoạn Lê Trung Hưng và thời Nguyễn? Tôi cho rằng, đó là vì những lý do sau:
Trước hết, đó là do thay đổi chính sách của nhà nước Đại Việt. Lúc đầu, cho thuyền buôn nước ngoài chỉ được buôn bán xa kinh đô, xa các trung tâm kinh tế, chính trị nội địa. Nguyễn Trãi trong tác phẩm Dư Địa chí, ghi lại: Thuyền buôn nước ngoài chỉ được neo đậu buôn bán ở Vân Đồn và các vùng ven biển, không được vào sâu trong kinh lộ là Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam và nhất là Thăng Long. Có lẽ, nhà Lê cho rằng, đấy là cách an toàn hơn, tránh mọi sự dò xét an ninh của ngoại bang.
Đến thời Lê Trung Hưng, nhất là thời vua Lê Thần Tông, các “chợ đầu mối” được mọc lên kể cả ở Thăng Long. Vì thế mà Thương cảng Vân Đồn không còn đóng vai trò giao thương độc tôn nữa. Đến thời Nguyễn, Vân Đồn vẫn là cửa ngõ buôn bán với Trung Quốc, nhưng mức độ đã suy giảm do chính sách “bế quan toả cảng” của nhà Thanh và của vua Tự Đức đã “ngăn sông cấm chợ” với nước ngoài, nhất là thuyền buôn phương Tây, nên vai trò của Thương cảng Vân Đồn đã giảm sút đáng kể.
Kế đến, phải kể do tiến bộ về kỹ thuật đóng tàu thuyền, con đường giao thương Đông-Tây đã có những tuyến đường mới, ví dụ có thể đi thẳng từ miền Trung Việt Nam đến vùng Hoa Nam mà không đi vòng qua phía tây đảo Hải Nam của vịnh Bắc Bộ nữa, đã lại là một yếu tố làm cho con đường biển qua Vân Đồn lại càng thưa thớt tàu thuyền hơn.
Về bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn với trọng tâm là phục vụ phát triển du lịch, tôi cùng Phó Giáo sư Đỗ Văn Ninh đã từng đi điền dã, khảo sát di tích ở Quan Lạn, Vân Đồn năm 1983. Bấy giờ, đi thuyền từ Hạ Long đến thẳng Quan Lạn, cảnh đẹp. Cái hòn đảo trung tâm của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn còn hoang sơ. Nay thì chắc đã khác xa với khung cảnh của 40 năm về trước. Mặc dù huyện đảo Vân Đồn đã phát triển mạnh, nhất là cơ sở hạ tầng ở quanh thị trấn Cái Rồng và hòn đảo lớn nhất là Cái Bầu, nhưng sự phát triển về mặt du lịch của đảo Quan Lạn nơi một thời là trung tâm Thương cảng Vân Đồn thì vẫn còn chưa được phát triển đúng tầm.
Chủ trương của Nhà nước ta là phát triển phải đi đôi với bảo tồn, nhất là đối với di sản văn hoá. Cái “vốn văn hoá di sản” dành cho công nghiệp du lịch thật là phong phú mà không phải quốc gia nào cũng có như ở ta. “Vốn” dày như vậy, nhưng bao năm qua chúng ta chưa chú ý khai thác đúng mức. Nay thì đã có hướng đi đúng. Cái “vốn di sản văn hoá” của Thương cảng Vân Đồn là gì? Có cái may là vốn di sản này vẫn còn tương đối nguyên vẹn, những tầng văn hoá dầy đặc gốm vẫn còn đấy, trải dài 200m ven bờ. Những di tích tôn giáo liên quan đến cuộc chiến chống Nguyên Mông năm 1288 của tướng Trần Khánh Dư vẫn được tu bổ, thờ tự, các lễ hội truyền thống, các bãi cát trắng phau đẹp tuyệt vời vẫn đượm vẻ hoang sơ…
Bước vào giai đoạn mới, để phát triển du lịch. Thương cảng Vân Đồn cũng cần phát huy những ưu thế của mình. Đó là ưu thế về di sản lịch sử văn hoá, là ưu thế về giao thông thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước đến với Vân Đồn; ưu thế về cảnh đẹp hữu tình bởi cái đẹp của Vân Đồn, Quan Lạn cho đến nay may mắn vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ.
GS.TS Trịnh Sinh (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
Liên kết website
Ý kiến ()