Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:41 (GMT +7)
Vị thế Quảng Ninh
Thứ 5, 20/03/2014 | 10:19:04 [GMT +7] A A
Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hội tụ đủ các yếu tố tiềm năng địa kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Những chuyển động tích cực của tỉnh trong những năm gần đây để khai thác tiềm năng, lợi thế này trở thành vùng kinh tế năng động của khu vực phía Bắc, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn vùng.
Cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long) - Công trình được đầu tư bằng vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Đỗ phương |
TP Móng Cái được đầu tư xây dựng giữ vai trò cửa ngõ giao lưu chính của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc. Ảnh: Đỗ Giang |
Một vùng đất “mở”
Là một trong 25 tỉnh biên giới và là tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên biển và đất liền với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, vị trí địa lý chiến lược này đã giúp cho Quảng Ninh thành trung tâm kết nối hai thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng với Trung Quốc, một vị trí thuận lợi giúp nắm bắt thị trường to lớn này và cũng là cửa ngõ giao thương Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN. Cũng trong tổng số 28 tỉnh, thành phố có biển, Quảng Ninh là tỉnh có chiều dài bờ biển lớn, với 2.077 đảo (chiếm 2/3 số đảo của Việt Nam), trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh. Trong vùng biển đảo này có bốn cảng biển quốc tế (Cẩm Phả, Cái Lân, Hòn Gai, Vạn Gia), ba khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh) và Khu kinh tế ven biển Vân Đồn.
Không chỉ có trữ lượng than lớn, cung cấp khoảng 90% lượng than khai thác của cả nước mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Quảng Ninh nguồn tài nguyên vô giá Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Trong đó Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (lần đầu năm 1994 vì giá trị thẩm mỹ nổi bật và lần thứ hai năm 2000 vì giá trị địa chất, địa mạo nổi bật) và được bình chọn là một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới trong năm 2012. Đây cũng là một trong những điểm thu hút được nhiều du khách nhất tại Việt Nam, hết năm 2013 tiếp nhận trên 5 triệu lượt khách. Còn Vịnh Bái Tử Long với vẻ đẹp còn hoang sơ nằm ở phía Đông Bắc Vịnh Hạ Long, có trên 600 đảo đất và đá, là nơi cư ngụ của nhiều loài động, thực vật. Vịnh có một khu Rừng quốc gia với 5 loại hệ sinh thái khác nhau, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái lớn.
Xét trong nội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thì với khoảng cách từ TP Hạ Long đến trung tâm Hà Nội 150km, cách Sân bay quốc tế Nội Bài 120km và cách trung tâm Hải Phòng 80km thì trong tương lai khi việc nâng cao chất lượng hệ thống giao thông kết nối vùng hoàn thành sẽ mang lại cho Quảng Ninh nhiều cơ hội phát triển theo cụm, như phát triển cụm cảng biển với Hải Phòng (Tiền Phong - Lạch Huyện), chia sẻ dịch vụ hàng không nhờ sân bay Nội Bài và Cát Bi, cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp.
Trong các chương trình hợp tác nhằm tăng cường hoạt động kinh tế giữa các nước trong khu vực Trung Quốc - ASEAN sẽ mang lại cho Quảng Ninh nhiều cơ hội phát triển. Đặc biệt, theo chương trình hợp tác phát triển “Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore”, một mô hình hội nhập kinh tế Trung Quốc - ASEAN trải dài trên 5.000km từ Nam Ninh (Trung Quốc) đến Hà Nội (Việt Nam), Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), Băng-cốc (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và Singapore, các thành phố dọc hành lang sẽ được kết nối bằng đường sắt, đường cao tốc, đường thuỷ và đường hàng không, tạo thành một vùng phát triển toàn diện được tăng cường bởi thương mại, đầu tư và du lịch.
Một nền kinh tế năng động
Là một trong 7 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh được xác định là một trong ba đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế vùng. Với ưu thế của tỉnh vùng biên, trong những năm qua và hiện nay Quảng Ninh đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại và vận tải giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng Móng Cái giữ vai trò cửa ngõ giao lưu chính của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng tại TP Hạ Long gắn với phát triển du lịch và dịch vụ. Và trong tương lai, khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (CHAFTA) được thực hiện vào năm 2015, Quảng Ninh có cơ hội đa dạng hoá các nguồn tăng trưởng khác nhau như cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho Quảng Tây, xây dựng các trung tâm sản xuất chế biến tại Móng Cái, nâng cấp hạ tầng giải trí, du lịch và có thể cung cấp cả dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Khẳng định vị thế của tỉnh đầu tàu từ năm 2006, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” nhằm khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện quy hoạch tổng thể này đã tạo ra sự phát triển tích cực của tỉnh, với nhịp độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2006-2011 đạt tốc độ trung bình 12,0%/năm, cao gần gấp đôi cả nước trong cùng thời kỳ (6,5%/năm). Tính từ năm 2011 đến 2013, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước suy giảm sâu, Quảng Ninh duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, GDP đạt gần 10%. Cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh đang dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Tỉnh cũng đã bắt đầu chuyển dịch dần khỏi việc phụ thuộc vào ngành khai khoáng, hệ thống giao thông kết nối vùng được tập trung đầu tư, các KKT, KCN được tập trung thu hút các nhà đầu tư như KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KCN Việt Hưng, cảng biển Hải Hà, KCN Đầm Nhà Mạc. Với sự năng động đổi mới của tỉnh nên thu hút FDI của Quảng Ninh đã có những chuyển hướng mới, nhiều dự án quy mô lớn, các lĩnh vực trọng điểm được tăng cường như điện lực, công nghiệp chế biến, phụ trợ, du lịch, dịch vụ... Đến nay trên toàn tỉnh có 94 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,5 tỷ USD. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển xã hội như: Tuổi thọ trung bình tăng từ 69,3 năm 2000 lên 73,6 tuổi trong năm 2010, tất cả các xã đã đạt được mục tiêu quốc gia về y tế, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo tăng, các biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ môi trường được triển khai quyết liệt.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế trong xu thế tăng cường hội nhập quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc và Đông Nam - Đông Bắc Á, Quảng Ninh với vị trí địa lý của mình có thể tận dụng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển thương mại và du lịch quốc tế theo chiến lược của tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()