Mới đây, hãng nội y chọn bảy phụ nữ ở nhiều độ tuổi, ngành nghề, cân nặng và giới tính làm đại diện thương hiệu, trong đó có ngôi sao bóng đá Megan Rapinoe, vận động viên trượt tuyết 17 tuổi gốc Hoa Eileen Gu, người mẫu chuyển giới Valentina Sampaio, Priyanka Chopra - Hoa hậu thế giới người Ấn Độ... Các cô gái đều là những nhà hoạt động xã hội tích cực, thường xuyên đấu tranh vì bình đẳng giới và sắc tộc. Cynthia Fedus-Fields - thành viên ban điều hành thương hiệu - nói với New York Times: "Đã đến lúc các 'thiên thần' phải ra đi".
Điều này được báo hiệu từ năm 2018, khi lượng người theo dõi show diễn thấp kỷ lục. Đến năm 2019, thương hiệu tuyên bố "khai tử" show nội y đình đám sau hơn 14 năm duy trì liên tục kể từ năm 1995. Cùng lúc, cổ phần trên thị trường đồ lót Mỹ của thương hiệu giảm từ 32% trong năm 2015 xuống 21% trong năm 2020. Giữa tình hình Covid-19, 250 cửa hàng ở Mỹ và Canada buộc phải đóng cửa.
Victoria's Secret không còn đặt hình thể gợi cảm làm tiêu chí tuyển chọn hàng đầu vì ý thức được sự lỗi thời trong tư duy sáng tạo.
Theo tờ New York Times, thương hiệu nội y được thành lập vào năm 1977 với mục tiêu thỏa mãn mong muốn, tưởng tượng của đàn ông thay vì phụ nữ. Trong nhiều năm, hãng dựng lên tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ là phải có đường cong gợi cảm, cơ thể mảnh mai. Khi quyền bình đẳng ngày càng phát triển, tư duy này vấp phải sự chỉ trích của nhiều người. Tân giám đốc điều hành Martin Waters nói với New York Times: "Khi thế giới thay đổi, chúng tôi phản ứng quá chậm chạp. Chúng tôi cần ngừng làm ra những thứ đàn ông thích, thay vào đó là tập trung vào mong muốn của phái nữ".
Các cáo buộc về phân biệt giới tính và quấy rối tình dục cũng là lý do Victoria's Secret phải thay đổi. Trong năm 2019, ông trùm tài chính Jeffrey Epstein bị buộc tội điều khiển đường dây mua bán mại dâm đằng sau vỏ bọc kinh doanh tại Victoria’s Secret. Đến năm 2020, một điều tra của tờ New York Times hé lộ mặt tối đằng sau các show nội y hào nhoáng. Ed Razek - cựu giám đốc tiếp thị của hãng - bị tố quấy rối tình dục, xúc phạm và cưỡng ép người mẫu. Ông này thậm chí từng nhận phản ứng tiêu cực khi nói với Vogue năm 2018: "Tôi nghĩ không nên đưa mẫu ngoại cỡ và mẫu chuyển giới vào show diễn".
Nhiều người ủng hộ hướng đi mới của thương hiệu nội y Mỹ. Chuyên gia tài chính Lynnette Khalfani-Cox khen ngợi cầu thủ bóng đá Megan Rapinoe trên Twitter, khẳng định cô "nóng bỏng, mạnh mẽ, thẳng thắn và quyền lực". Nhà văn Erin Ryan bảy tỏ trên trang cá nhân: "Thay đổi là tốt. Ngoài ra Victoria's Secret nên tập trung thêm vào những mẫu áo lót chất lượng, vừa vặn và thoải mái".
Siêu mẫu Tyra Banks - người mẫu da màu đầu tiên trong dàn "thiên thần" của Victoria's Secret - đánh giá cao cải cách của thương hiệu trên Instagram: "Tiên phong thường rất khó khăn và cô độc. Nhưng cũng là điều tối quan trọng để mở đường cho những người tiếp theo. Tôi tự hào rằng trong cuộc đời mình, tôi có thể chứng kiến một cuộc cách mạng về sắc đẹp".
Bên cạnh đó, một số người phản đối động thái mới này. Nhà báo Kurt Schlichter cho rằng hãng đang định hướng thương hiệu cho nhóm những người xấu xí. Ông này sử dụng từ commie khi nhắc tới nhóm khách hàng của hãng nội y, ngụ ý cho sự nghèo khổ, cào bằng. Một người dùng trên Twitter nói sự thay đổi khiến thương hiệu mất đi sự bí ẩn, quyến rũ của cái tên Victoria’s Secret. Số khác nghĩ hãng đang hạ thấp tiêu chuẩn, hoặc cho rằng ngôi sao thể thao như Megan Rapinoe không đủ trẻ đẹp và gợi cảm để làm gương mặt đại diện cho thương hiệu.
Ý kiến ()