Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:25 (GMT +7)
Viêm khớp vảy nến có chữa dứt điểm được không?
Thứ 7, 25/03/2023 | 08:01:40 [GMT +7] A A
Viêm khớp vảy nến là căn bệnh tự miễn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí khiến người bệnh tàn phế suốt đời. Vậy viêm khớp vảy nến điều trị như thế nào và có chữa dứt điểm được không?
1. Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?
Viêm khớp vảy nến là căn bệnh tự miễn, hiện chưa rõ nguyên nhân, song bệnh có thể do một số yếu tố gây nên như tuổi tác, di truyền, môi trường tiếp xúc với hóa chất, nhiễm virus, vi khuẩn…
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm đau khớp, cứng khớp và sưng ở các khớp. Bệnh có thể gây biến dạng, phá hủy khớp không hồi phục, khiến bệnh nhân tàn phế, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe.
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể kiểm soát các triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa tổn thương cấu trúc và những biến chứng nguy hiểm đến hệ cơ xương khớp.
2. Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp vảy nến
Phác đồ điều trị viêm khớp vảy nến là điều trị bệnh ngay khi xuất hiện triệu chứng và kết hợp điều trị song song các tổn thương da và khớp:
- Kết hợp điều trị dùng thuốc và các biện pháp khắc phục cho người bệnh như tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng các cơ quan vận động.
- Đối với các tổn thương khớp nhẹ: Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs) đơn hoặc phối hợp cùng tiêm corticosteroid tại vị trí viêm.
- Đối với tổn thương thể trung bình và nặng: Sử dụng các loại thuốc điều trị như methotrexate hoặc các chế phẩm sinh học.
Cụ thể các nhóm thuốc bao gồm:
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs) giúp giảm đau nhức, sưng tấy và cứng khớp, được dùng cho những trường hợp tổn thương khớp nhẹ. Các thuốc NSAID không kê đơn như ibuprofen và naproxen. Người bệnh cần lưu ý dùng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Lạm dụng thuốc NSAIDs (sử dụng quá liều) có thể gây kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, hại thận…
- Thuốc chống thấp khớp (DMARDs) có tác dụng làm giảm đau, giảm viêm, đồng thời hạn chế tổn thương xảy ra do viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, DMARDs có tác dụng chậm, người bệnh có thể nhận thấy hiệu quả của thuốc sau khi sử dụng vài tuần, thậm chí cả tháng. Một số thuốc thuộc nhóm này như methotrexate, leflunomide, sulfasalazine.
- Thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine, cyclosporine. Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn hệ thống miễn dịch cơ thể, bảo vệ cơ thể tránh khỏi những tác nhân gây bệnh có hại tấn công tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số người bệnh sử dụng thuốc có thể gặp phải tình trạng thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến gan, thận… Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp.
- Chế phẩm sinh học như như abatacept, certolizumab, etanercept, tofacitinib,... nhắm vào các bộ phận cụ thể của hệ thống miễn dịch đã kích hoạt viêm và dẫn đến tổn thương khớp. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Liều cao của tofacitinib có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong phổi.
3. Lưu ý trong điều trị viêm khớp vảy nến
Trong quá trình điều trị viêm khớp vảy nến, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dừng, đổi thuốc hoặc tự ý sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định. Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc hoặc cảm thấy bệnh không tiến triển, cần liên hệ với bác sĩ thay vì tự ý đổi thuốc.
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, được quảng cáo có thể điều trị hiệu quả viêm khớp vảy nến, người bệnh cần cảnh giác cao để tránh rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".
Ngoài ra, để hạn chế diễn tiến của bệnh viêm khớp vảy nến, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trong cuộc sống hàng ngày, chú ý bảo vệ khớp bằng cách hạn chế các hoạt động có tác động tiêu cực tới khớp như bê vác nặng, ngồi sai tư thế, ít vận động hoặc vận động quá sức…;
- Duy trì cân nặng hợp lý tránh gây quá tải cho khớp;
- Tập thể dục thường xuyên giúp xương khớp dẻo dai, linh hoạt hơn. Nên ưu tiên các hình thức vận động nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng như đi bộ, bơi lội, yoga, thái cực quyền…;
- Có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau, mỗi lần chườm 20-30 phút.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()