Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:43 (GMT +7)
Viện Nghiên cứu Hán Nôm tìm thấy 14 cuốn sách ‘thất lạc’
Thứ 5, 30/03/2023 | 17:33:07 [GMT +7] A A
Chiều nay, 30-3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ra thông báo đã tìm thấy 14 cuốn trong số 121 cuốn sách Hán Nôm bị ‘thất lạc’. Tổng số sách kho ST thất lạc giảm còn 107 cuốn.
Danh sách 14 quyển tìm được gồm: Ức Trai Phi Khanh thi văn tập, Hoa Nghiêm ngoại truyện, Dịch kinh đại toàn tiết yếu, Thụy Phương linh từ sự tích, Phật Thánh chân kinh, Vạn quyển trân tàng quy tính mệnh, Tòng nhân khoa, Luận tang sự, Kim quyết hóa thân, Tử vi, Nhất hộ áp quái, Tăng quảng thư, Tạ thủy phù khoa, An long khoa.
Mất tổng cộng 123 cuốn sách Hán Nôm
Viện Nghiên cứu Hán Nôm đánh giá 'điều này mang lại hy vọng vẫn có thể tìm kiếm thêm các sách thất lạc'.
Đồng thời viện cũng "đính chính" lại số sách hư hại nặng, chưa có giải pháp tu bổ chỉ là 110 cuốn, chứ không phải 877 cuốn như nhầm lẫn trong lần công bố trước đó hôm 20-3.
Sau khi viện lập nhóm chuyên gia rà soát lại 877 cuốn sách bị đánh giá hư hại không thể phục hồi như kết luận trước đó thì nhận thấy có tới 540 cuốn thuộc loại sách còn tốt hoặc bị hư hại nhưng có thể tu bổ toàn bộ, 227 quyển sách có thể tu bổ một phần.
Chỉ có 110 quyển thuộc sách hư hại nặng, chưa có giải pháp tu bổ.
Nguyên nhân của sự sai lệch giữa hai lần rà soát, công bố này là do trước đó đã hiểu sai khái niệm khi tập hợp thông tin trong các bản báo cáo từ bộ phận tu bổ.
Bởi có những sách không tu bổ được do đặc trưng loại hình tài liệu như loại sách giấy tây viết lên cả hai mặt của một tờ (giấy dó chỉ viết lên 1 mặt), hoặc là "kinh xếp", tức sách kinh Phật dạng gấp ruột mèo dính vào nhau liên tục không thể tách trang ra để tu bổ.
"Thông tin 877 quyển sách hư hại nặng mà trưởng nhóm rà soát báo cáo trước Hội đồng kiểm kê ngày 15-3 là chưa phản ánh đúng sự thực, do chưa trực tiếp kiểm tra sách, mà chỉ tổng hợp từ các ghi chép của bộ phận tu bổ về tình trạng vật lý của sách", Viện Nghiên cứu Hán Nôm thông tin.
Viện cũng xác định tổng số sách mất, thất lạc kể từ khi viện này nhận bàn giao từ năm 1983 là 123 cuốn, trong đó có 2 cuốn đã được xác định mất từ thời điểm mới nhận bàn giao năm 1986.
Còn lại 121 cuốn mất, thất lạc vừa công bố trong hai lần mới đây thì viện xác định có dấu hiệu mất từ khoảng trước năm 1997 đến giữa năm 2020.
Trong đó 14 cuốn thuộc kho A (do người Pháp tập hợp) và kho V (do người Việt Nam tập hợp trước năm 1979) đều còn lưu bản sao (scan màu và/hoặc photocopy đen trắng).
107 cuốn thuộc kho ST (Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm) thì có 5 quyển là sách photocopy không phải sách gốc, 13 quyển sách đã có bản sao scan màu, tất cả đều chưa có bản photocopy.
Tổn thất lớn với văn hiến cổ điển, cơ quan công an đang điều tra
Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan của việc mất, thất lạc sách và hư hại sách.
Khách quan thì có điều kiện bảo quản, cơ sở vật chất chưa tốt, kho bảo quản sử dụng từ đầu thập niên 1990, đến nay đã không còn đáp ứng được yêu cầu bảo quản tài liệu.
Quá trình kiểm kê và bàn giao kho ST trong các năm 2005 và 2013 không đảm bảo đúng quy trình, vì không đánh dấu vào sổ đăng ký cá biệt.
Người được giao quản lý chìa khóa kho sách đã thiếu chặt chẽ trong việc phân quyền đóng mở cửa kho; bộ phận bảo quản không thường xuyên kiểm tra cụ thể các sách ST để kịp thời phát hiện những sách hư hại nặng để đưa tu bổ.
Đánh giá về vụ việc mất, thất lạc sách và hư hại sách vừa qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói đây "là tổn thất lớn đối với kho sách Hán Nôm nói riêng, với văn hiến cổ điển Việt Nam nói chung".
Viện khẳng định tập thể và cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm trước sự việc này. Viện đang tổ chức xác định trách nhiệm liên quan. Cơ quan công an đang điều tra làm rõ sự việc với các sách đã báo mất.
Viện cũng khẳng định vụ việc cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng tài liệu một cách đúng mức (không hạ thấp, không thổi phồng) và tinh thần khoa học nghiêm túc; giải quyết một cách công khai, minh bạch, có căn cứ pháp lý.
Sắp tới viện sẽ tổng kiểm kê toàn bộ tài liệu Hán Nôm một lần nữa, tập trung đầu tư về nhân lực và kinh phí để kiện toàn công tác bảo quản, tu bổ và số hóa.
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()