Ngày 2 tháng 12 năm nay là tròn 20 năm Vịnh Hạ Long được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tự nhiên thế giới lần thứ 2 bởi giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất địa mạo. Nhân dịp này, Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng cục trường Tổng cục Du lịch Việt Nam, nguyên Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long thời kì 1995 – 2002 và là người trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị và đề cử việc công nhận này từ xin chủ trương, điều tra nghiên cứu cơ bản, lập hồ sơ đệ trình và vận động, tham dự các cuôc họp quốc tế cũng như chứng kiến khoảnh khắc Vịnh Hạ Long được xướng tên tại Hội nghị Toàn thể của Ủy ban Di sản Thế giới lần thứ 24 tại Thành phố Cain, Australia. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.
PV: Thưa ông, là người được giao trách nhiệm làm Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long từ khi cơ quan này được thành lập ông có thể chia sẻ đôi điều về công việc trong những ngày đầu sau khi cơ quan này bước vào hoạt động?
Ông Nguyễn Văn Tuấn (NVT): Ngày 16/11/1972, tại kì họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO, Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Tự nhiên thế giới đã được thông qua với mục tiêu kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới bằng các nguồn lực và hành động của minh cùng chung tay bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa và tự nhiên có những giá trị ngoại hạng toàn cầu. Năm 1977 Việt Nam đã tham gia Công ước này nhưng phải 16 năm sau đó, năm 1993, chúng ta mới có Di sản Văn hóa thế giới đầu tiên là Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận. Và một năm sau, chúng ta lại có tiếp di sản thế giới thứ 2 và là di sản tự nhiên đầu tiên là vịnh Hạ Long được UNESCO ghi tên vào Danh mục di sản thế giới bởi giá trị ngoại hạng về phương diện cảnh quan, thẩm mĩ. Sự kiện đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh cũng như Việt Nam, nó khẳng định tầm vóc và giá trị mang tính toàn cầu của Vịnh Hạ Long, nằm trong danh mục những di sản danh giá nhất của thế giới cần được bảo vệ và tôn vinh, mở ra những cơ hội to lớn để khai thác, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, sự kiện đó cũng đặt Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan quản lý trách nhiệm to lớn là làm thế nào để vừa khai thác, phát huy giá trị của một di sản thế giới, vừa bảo vệ được những giá trị và tính nguyên vẹn của di sản trong bối cảnh áp lực về phát triển kinh tế, đô thị hóa ngày càng gia tăng và kinh nghiệm về bảo tồn di sản chúng ta chưa có nhiều.
Đóng góp vào quá trình chuẩn bị hồ sơ và công nhận này tôi thấy cần nhắc đến công lao đặc biệt của hai người là ông Nguyễn Thanh Sỹ, khi đó là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh và ông Nguyễn Tất Dũng là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thời kì này. Với sự trợ giúp của Cục Bảo tồn Bảo tàng – Bộ Văn hóa Thông tin và Vụ Văn hóa UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, công việc lập hồ sơ và vận động quốc tế công nhận đã được tiến hành thuận lợi. Cũng cần nhắc đến đóng góp của ông Trương Quốc Bình lúc đó là Phó cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng và ông Lê Kinh Tài, Tổng Thư kí Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam kiêm Vụ trưởng vụ Văn hóa UNESCO. Thời gian đó, tôi công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh trên cương vị Phó Giám đốc Sở, giúp việc cho ông Nguyễn Thanh Sỹ.
Ngay sau Lễ công bố và đón nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới được tổ chức trọng thể ngày 25/4/1995 tại Nhà Văn hóa Việt Nhật, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xúc tiến công việc bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trong đó có việc đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trực thuộc UBND tỉnh. Sau khi được Chính phủ đồng ý, ngày 9/12/1995, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tất Dũng đã kí quyết định thành lập Ban quản lý Vịnh Hạ Long với chức năng chính là tham mưu, giúp UBND tỉnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Cùng với quyết định này là quyết định bổ nhiệm tôi làm Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Nhận nhiệm vụ này là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, vừa mừng lại vừa lo. Mừng vị đây là một công việc thú vị, sẽ mang lại cho tôi nhiều cơ hội đi ra thế giới và học hỏi được nhiều điều, lo vì nó quá mới mẻ, tôi chưa từng được chuẩn bị và trải qua trước đó. Những ngày đầu thành lập, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (Ban QLVHL) chỉ có mười con người với hai bàn tay trắng, không trụ sở, không phương tiện đi lại, một chiếc xuồng máy nhỏ cũng không có.
Và mười người chúng tôi đã bắt đầu công việc bằng cách vừa học hỏi vừa làm việc, học hỏi cả quốc tế và trong nước, tranh thủ ý kiến các chuyên gia quản lý và các nhà khoa học, đề xuất Trung tâm Di Sản Thế giới (DSTG) hỗ trợ tài chính di tham quan học hỏi kinh nghiệp quản lý di sản của nhiều nước và tham dự các cuộc họp quốc tế về chuyên môn. Chúng tôi được Công ty XNK Quảng Ninh dành cho một nửa tầng 2 làm trụ sở làm việc, được UBND tỉnh cấp cho một chiếc xe Toyota cũ và mua một chiếc xuồng máy cũ để tác nghiệp trên Vịnh. Cứ như thế, hơn một năm sau khi thành lập, chúng tôi đã phác thảo ra một lộ trình và những công việc ưu tiên trọng tâm cần thực hiện để đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định. Những trọng tâm đó bao gồm: 1) Đề xuất UBND tỉnh ban hành Qui chế tạm thời về Bảo tồn, phát huy giá trị DSTG VHL, Qui định về chức năng, nhiệm vụ,quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban QLVHL; 2) Tiến hành khảo sát, nghiên cứu cơ bản, xuất bản phổ biến các tài liệu về VHL; 3) Đề xuất thu hồi tất cả các hang động, bãi tắm giao cho BQLVHL trực tiếp quản lý; 4) Đầu tư tôn tạo các hang động đảo núi, bãi tắm có tiềm năng phát triển du lịch; 5) Tăng cường hợp tác quốc thế và trong nước, từng bước nâng cao vị thế Vịnh Hạ Long; 6) Tăng cường năng lực, trách nhiệm, quyền hạn của Ban QLVHL.
PV: Vậy câu chuyện đề cử UNESCO công nhận lần thứ hai về giá trị địa chất địa mạo đã được bắt đầu như thế nào?
Ông NVT: Công tác nghiên cứu cơ bản, Ban QLVHL tập trung làm sáng tỏ các giá trị cơ bản của VHL về cảnh quan thẩm mĩ, địa chất địa mạo, lịch sử văn hóa và đa dạng sinh học. Trước đó đã có nhiều công trình nghiên cứu về các lĩnh vực trên nhưng còn nhỏ lẻ và chưa đồng bộ. Vào thời kì này đã có Văn phòng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN tại Hà Nội, năm 1995, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cũng được thành lập. Đó là điều kiện thuận lợi để chúng ta hợp tác với hai tổ chức quốc tế rất quan trọng này. Trong một lần đến thăm và làm việc với Văn phòng IUCN, tôi đã gặp Tiến sĩ Hans Friederich, Trưởng đại diên IUCN tại Việt Nam vốn là một nhà khoa học về địa chất và có am hiểu sâu sắc về vấn đề này. Ông là người Hà Lan, tính tình vui vẻ và hài hước. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện cởi mở và bổ ích. Khi trao đổi với ông về một số dự định và đề xuất hợp tác với IUCN, Hans nói với tôi: “Ông thật may mắn khi được làm việc cho một di sản danh giá như Hạ Long. Tôi là một nhà địa chất học, theo những gì tôi biết thì ngoài vẻ đẹp ngoại hạng về cảnh quan mà UNESCO đã vinh danh, những giá trị về địa chất địa mạo của Vịnh Hạ Long cũng rất đặc biệt. Trên thế giới không có một vùng đá vôi karst nào trên biển rộng lớn và hùng vĩ như thế. Nó hoàn toàn xứng đáng để được công nhận là DSTG về phương diện địa chất địa mạo, tôi sẵn sàng hỗ trợ ông để làm công việc này”.
Câu nói của Hans đã chạm vào đúng những băn khoăn và mong ước của tôi. Sau cuộc gặp mặt này, tôi đã về báo cáo và được anh Hà Văn Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thời kì đó đồng ý. Tôi trao đổi ý kiến với anh Trương Quốc Bình ở Cục Bảo tồn Bảo tàng, chị Nguyễn Thị Hồi Tổng Thư kí và anh Phạm Quang Thọ Phó Tổng Thư kí Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Các anh chị đều rất ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi. Sau đó tôi đã đến làm việc chính thức với bà Rosamaria Duran, Trường đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Bà Duran hết sức nhiệt tình và ủng hộ đề xuất này. Bà ấy nói với tôi sẽ đồng hành cùng chúng tôi đi đến đích cuối cùng. Bà Rosamaria Duran là người Canada, một người rất thẳng thắn và nồng nhiệt. Chuyến đi đầu tiên của Bà đến Hạ Long đã tạo nên những ấn tượng đặc biệt, Bà đã yêu quí Hạ Long như chính người Hạ Long. Sau này Bà là người đã có công lao rất lớn để hỗ trợ chúng tôi về tài chính và chuyên môn để nghiên cứu, lập Dự án Phát triển Bảo tàng Sinh thái Hạ Long. Dự án đã được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tiền khả thi, tiếc là sau này nó đã không được tiếp tục thực hiện như mong muốn.
Sau khi nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ Văn hóa Thông tin, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng Tổ chức UNESCO và IUCN tại Hà Nội, chúng tôi bắt đầu xúc tiến công việc này vào mùa hè năm 1998. Chúng tôi đề xuất UNESCO hỗ trợ một dự án nhỏ để mời chuyên gia quốc tế và trong nước đến Hạ Long khảo sát, nghiên cứu và đưa ra đánh giá khoa học. Tiến sĩ Hans và bà Duran đã giúp liên hệ, mời ông Tony Walthamt, Giáo sư nổi tiếng về địa chất địa mạo Trường Đại học Hoàng gia Trent Nottingham của Anh đến Hạ Long làm việc, khảo sát trong 3 tuần cùng với sự hỗ trợ của tiến sĩ Trần Đức Thạnh – Phân viện Hải Dương học tại Hải Phòng. Tôi và các đồng nghiệp đã trực tiếp tham gia chuyến khảo sát Hạ Long trong nhiều ngày cùng đoàn công tác. Đó cũng là khoảng thời gian chúng tôi học hỏi và hiểu thêm nhiều điều về địa chất địa mạo của Hạ Long.
Rất may mắn cho chúng tôi là trước đó, vào mùa hè năm 1997, trong khuôn khổ một dự án về nâng cao năng lực quản lý di sản cho Ban QLVHL do UNESCO tài trợ, chúng tôi đã được đón và trực tiếp nghe Tiến sĩ Ish Warent lúc đó là Phó Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới trực tiếp phụ trách lĩnh vực di sản thiên nhiên đến giảng bài. Trung tâm DSTG là cơ quan chuyên môn và thường trực của Hội đồng DSTG. Khi chúng tôi đưa ông Ish Warent đi thăm Hạ Long, ông đã trầm trồ và hết sức ấn tượng về vẻ đẹp của Hạ Long. Chuyến đi ấy đã giúp chúng tôi sau này trở thành những người bạn thân thiết và việc xem xét thẩm định hồ sơ đệ trình công nhận Vịnh Hạ Long lần thứ 2 hết sức thuận lợi. Tiến sĩ Ish Warent là người Xrilanca, sau này trở thành Giám đốc Trung tâm DSTG được rất nhiều người biết đến. Bây giờ cả hai chúng tôi đều đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ liên lạc.
PV: Kết quả chuyến khảo sát và đánh giá của chuyên gia quốc tế là thế nào, thưa ông?
Ông NVT: Hơn một tháng sau chuyến khảo sát tại Hạ Long, Giáo sư Tony Waltham đã gửi một bản báo cáo đánh giá về địa chất địa mạo của VHL đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban QLVHL, Văn phòng UNESCO và IUCN tại Hà Nội đồng thời gửi cho Trung tâm DSTG tại Paris. Đọc tài liệu này chúng tôi thấy trào dâng cảm xúc tự hào và xúc động. Bản báo cáo chỉ khoảng hơn 40 trang A4 nhưng đã có những đánh giá rất đầy đủ, sâu sắc vể địa chất địa mao, cảnh quan của VHL. Báo cáo có đoan viết:
Vịnh Hạ Long đã được công nhận là Di sản thế giới bởi giá trị duy nhất về cảnh quan. Giá trị về cảnh quan của Vịnh Hạ Long có lẽ không cần phải bàn thêm. Những ngọn núi tuyệt đẹp mọc lên trên mặt biển yên tĩnh của Vịnh đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thật tuyệt với.
Đồng thời nó phải được công nhận là một di sản độc nhất về giá trị địa chất và địa mạo vùng đá vôi Karst. Vịnh Hạ Long là một điển hình phát triển lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới về cảnh quan tháp Karst đã bị biển làm chìm ngập. Vùng di sản này mang đặc trưng của cả hai vùng Karst fenglin và fengcong. Nó có thể so sánh với các tháp Karst thuộc vùng Yangshua (Quế Lâm) tại Quảng Tây, Trung Quốc. Nhưng Vịnh Hạ Long thì lại ở trên biển. Vịnh Hạ Long được hình thành và mở rộng do quá trình tiến hóa về mặt địa mạo kể từ khi đồng bằng thứ sinh xuất hiện cùng với những lớp cắt đặc trưng trên những đồi đá vôi ở các mực nước cơ sở bị biển xâm thực.
Không thể nói gì hơn, ta có thể khẳng định Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh Karst mang ý nghĩa toàn cầu với nền tảng cơ bản là khoa học địa chất. Hạ Long bao gồm tất cả địa hình dạng Fengcong, Fenglin, và các hang động vẫn đang trong quá trình phát triển. Cùng với giá trị về cảnh quan, giá trị về địa chất của Hạ Long cần phải được bảo tồn vì lợi ích của loài người.
Sau khi nhận được báo cáo của Giáo sư Tony Waltham, ngày 25/2/1999, Trung tâm Di sản thế giới tại Paris đã gửi thư tới UBND tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long yêu cầu xúc tiến việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận giá trị ngoại hạng mang tính chất toàn cầu về địa chất vùng Karst Vịnh Hạ Long.
PV: Vậy Hồ sơ đệ trình UNESCO đã được chuẩn bị như thế nào?
Ông NVT: Tháng 7 năm 1999, bộ Hồ sơ trình Ủy ban Di sản thế giới công nhận Vịnh Hạ Long lần thứ 2 về giá trị địa chất đã được hoàn tất gồm:
- Báo cáo đề cử VHL là DSTG về giá trị địa chất địa mạo.
- Báo cáo của Giáo sư Tony Waltham.
- Báo cáo bổ sung về Lịch sử địa chất VHL của Tiến sĩ Trần Đức Thạnh.
- Tóm tắt bản quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị VHL đến 2020.
- Các văn bản qui phạm về quản lý, bảo vệ Vịnh Hạ Long.
- Báo cáo tóm tắt về việc thành lập và chức năng nhiệm vụ của Ban QL VHL.
- Bản đồ VHL tỉ lệ 1/50.000 và 1/100.000 xác định ranh giới các khu bảo vệ.
- Các phim dương bản và clip về cảnh quan và địa chất VHL.
Khác với lần đầu, lần này chúng ta chuẩn bị Hồ sơ một cách đầy đủ, chủ động và đáp ứng mọi yêu cầu của Trung tâm Di sản thế giới.
Nhân đây tôi muốn nói lời cảm ơn tới một người: Ông Len Took. Ông là người Anh, từng làm hiệu trưởng một trường phổ thông trung học tại London, sau khi nghỉ hưu, ông xin sang làm tình nguyện viên tại Việt Nam và được Tổ chức SNV tại Hà Nội giới thiệu đến làm việc tại Ban QL VHL. Trong 3 năm làm việc với chúng tôi ông đã có nhiều đóng góp trong công việc giảng dạy tiếng Anh, hiệu đính các văn bản tiếng Anh, làm việc trực tiếp với chúng tôi và các chuyên gia, nghiên cứu các tài liệu khoa học để viết Báo cáo đệ trình UNESCO công nhận VHL là DSTG về địa chất địa mạo. Báo cáo này được thẩm định qua nhiều cơ quan và được Trung tâm DSTG chấp thuận ngay mà hầu như không phải sửa chữa. Tôi và các đồng nghiệp luôn cám ơn sự đóng góp của ông. Tiếc rằng sau này có dịp đến London tôi đã không có cơ hội gặp lại ông vì ông đã mất cách đây 6 năm.
Báo cáo trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Hà Văn Hiền, GS TS Lưu Trần Tiêu, Thứ trưởng Bộ VHTT và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam Nguyễn Dy Niên ký rồi gửi đến Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Từ đây hồ sơ được gửi đến Trung tâm Di sản thế giới tại Paris. Ít ngày sau, chúng tôi nhận được thư trả lời từ Paris: Văn phòng Trung tâm Di sản thế giới đã nhận được hồ sơ, hợp thức và rõ ràng, các thủ tục tiếp theo sẽ được tiến hành.
PV: Được biết công việc thẩm định và vận động sự ủng hộ của Trung tâm Di sản thế giới, IUCN và các quốc gia là thành viên Hội đồng Di sản thế giới phải trải qua rất nhiều bước. Quá trình này đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông NVT: Tại Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Thành phố Marakesh, Morocko đầu tháng 12/1999, Ủy ban Di sản thế giới đã chính thức xác nhận Hồ sơ của Vịnh Hạ Long và đưa vào chương trình thẩm định hồ sơ và công nhận giá trị địa chất Vịnh Hạ Long năm 2000. Tới tham dự Hội nghị tại Marakesh, chúng tôi phải bay từ Hà Nội đi Paris, từ đó bay đến TP Casablaanca, thành phố lớn nhất của Morocko bên bờ Đại Tây dương và bay tiếp đến Marakesh. Đó là một thành phố rất đặc biệt, nằm sâu trong nội địa của Marocco, cả thành phố được bao phủ bởi một màu nâu thuần khiết. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này có anh Trương Quốc Bình, anh Phạm Quang Thọ, chị Lâm, Phó Chủ tich Quảng Nam và tôi. Tại Hội nghị này, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn đã được công nhận là DSTG. Ish Warent đã trực tiếp báo tin cho tôi về tình trạng hồ sơ của VHL.
Theo đúng kế hoạch, tháng 3/2000, Giáo sư Elery Hamilton Smith, một chuyên gia Australia, thành viên của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã được cử tới Hạ Long để thẩm định tính xác thực của hồ sơ, giá trị địa chất cũng như đánh giá về thực trạng quản lý và đưa ra các khuyến nghị.
Báo cáo thẩm định của Giáo sư Elery Hamilton Smith có đoạn viết:
Mọi tài liệu đều đều khẳng định, Vịnh Hạ Long là một khu vực lớn nhất trên thế giới có địa hình đá vôi bị nước biển xâm thực, nó là một điển hình phong phú, đa dạng và phức tạp nhất trong các cảnh quan đại dương. Điều này tất yếu đã dẫn tới việc Vịnh Hạ Long được công nhận trong danh mục di sản thế giới với giá trị cảnh quan nổi bật, có một không hai của nó. Chẳng phải nói gì nữa, nó chính là danh lam thắng cảnh biển đẹp nhất trên thế giới….
…Tóm lại, đó là sự đa dạng về hang động và các địa mạo khác, cung cấp một kho dự trữ quí giá về dữ kiện cho tương lai của chúng ta, sự hiểu biết về lịch sử khí hậu trái đất, các quá trình tự nhiên Kast trong một môi trường phức tạp và lịch sử văn hóa loài người ở Đông á.
Vịnh Hạ Long là một trong những khu vực đá vôi kast trên biển rộng lớn nhất trên thế giới. Chỉ duy nhất có khu Yangshow của Trung Quốc cũng phát triển trên diện rộng như vậy và chỉ có thể so sánh với khu di sản thế giới là Wulingyuan cũng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Vịnh Hạ Long thì khác xa so với những khu vực đó, vì nó đã hiện rõ tác động của cả sự bóc mòn karst bởi nước mưa và sự xâm thực của nước biển. Có một vài khu vực nhỏ có cảnh quan biển tương tự, đó là ở Bắc Triều Tiên, Philippin và ở Công viên quốc gia Ao Phangnga, Thái Lan. Không có khu vực nào có sự đa dạng về địa mạo như Vịnh Hạ Long. Vì vậy, khu vực này đã trở nên nổi tiếng và có một ngành công nghiệp du lịch phát triển.
Đây là sự đề cử Vịnh Hạ Long được công nhận vào danh mục di sản thế giới theo tiêu chuẩn (i), đó là một khu vực có các quá trình địa chất tiếp diễn đặc biệt và có đặc điểm nổi bật về địa mạo, đồng thời theo tiêu chuẩn (iii) thì đây là một khu vực có cảnh quan thiên nhiên ngoại hạng và có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ.
Tháng 7/2000, kì họp giữa năm của Văn phòng Trung tâm Di sản thế giới tại Paris đã chính thức đề nghị Ủy ban Di sản thế giới công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên Thế giới bởi những giá trị ngoại hạng về địa chất địa mạo.
PV: Cảm xúc của ông khi được trực tiếp chứng kiến sự kiện Vịnh Hạ Long được xướng tên lần thứ hai tại Hội nghị toàn thể của Hội đồng Di sản thế giới?
Ông NVT: Ngày 2/12/2000, tại Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Thành phố Cairns, Austalia, sau khi nghe thuyết trình của Trung tâm Di sản thế giới và đánh giá của IUCN, Ủy ban Di sản thế giới đã chính thức quyết nghị công nhận VHL là Di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn (i) của Công ước Quốc tế về Di sản thế giới.
Chứng kiến khoảnh khắc này, trong lòng tôi dâng trào niềm xúc động và niểm vui khôn xiết. Tôi như trút sạch mọi lo lắng ưu phiền khi đến đích sau một hành trình dài. Tham dự kì họp này chỉ có tôi và TS Trương Quốc Bình, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng và GS Amar Galla, Giáo sư Trường đại học Canbera, chuyên gia Dự án Bảo tàng sinh thái Hạ Long. Tôi đã gọi điện báo ngay tin này về nước cho Chủ tịch Quảng Ninh Hà Văn Hiền. Sau chuyến đi này, Amar Galla đã dành cho tôi một chuyến đi suốt chiều dài ven biển phía đông Australia.
Có thể nói rằng, sự công nhận VHL là DSTG lần thứ 2 của UNESCO là kết quả của một quá trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế đầy nỗ lực giữa các cơ quan của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh với Trung tâm Di sản thế giới, IUCN, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các nhà khoa học. Một hành trình dài 3 năm từ nghiên cứu cơ bản, lập hồ sơ, đề nghị, vận động quốc tế và công nhận đã được thực hiện mà hầu như không gặp bất kì trở ngại gì, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Lãnh đạo các cơ quan ở trung ương và Quảng Ninh đã hết long giúp đỡ, khuyến khích, bạn bè quốc tế đã nhiệt tình ủng hộ và hỗ trợ cho chúng ta rất hiệu quả để đạt được kết quả và có được niềm vui đó.
Việc Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ 2 về giá trị địa chất địa mạo một lần nữa khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp diễm lệ, hoành tráng của biển đảo mà còn là một bảo tàng địa chất khổng lồ, nơi ngưng đọng những dấu tích quan trọng của quá trình hình thành, vận động, phát triển của địa hình vỏ trái đất khu vực này, khi ngắm nhìn và suy ngẫm về nó, chúng ta có thể đọc ra lịch sử kiến tạo của vùng đất này.
Đó là một vinh dự cho chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt chúng ta trước những trách nhiệm mới trong việc bảo tồn những giá trị đặc biệt của Hạ Long cho các thế hệ tiếp nối.
20 năm đã trôi qua kể từ khoảnh khắc đó. Tỉnh Quảng Ninh đã làm được rất nhiều việc cho Hạ Long. Không chỉ là một Di sản thế giới, bây giời Hạ Long đã trở thành một trong bảy Kì quan Thiên nhiên mới của thế giới. Hạ Long đã trở thành một điểm đến của quốc gia và quốc tế. Thành phố Hạ Long đã trở nên kiều diễm hơn và là thành phố đáng sống bên bờ Hạ Long.
Nghĩ về những năm tháng đó tôi vẫn luôn thấy mình may mắn và thật tự hào. Tôi ước, giá có một ngày nào đó có một cuộc gặp mặt tất cả những người bạn quốc tế và Việt Nam đã tham gia viết nên câu chuyện đó của Vịnh Hạ Long.
PV: xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện lý thú này!
PV (thực hiện)
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()