Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:31 (GMT +7)
Vịnh Hạ Long hồi sinh…
Chủ nhật, 06/10/2024 | 07:17:34 [GMT +7] A A
Gần một tháng qua, các lực lượng đã dốc sức để thu gom rác trôi nổi cả ở khu vực ven bờ và trên mặt nước, chân các đảo đá của Vịnh Hạ Long. Đây chỉ là một trong những ảnh hưởng nặng nề mà cơn bão số 3 quét qua đã để lại cho cảnh quan thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học khu vực di sản Vịnh Hạ Long
Thiệt hại khôn lường
Lượng rác thải khổng lồ phát sinh trên Vịnh Hạ Long sau bão Yagi bao gồm nhiều loại, như: Phao xốp, lồng bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ, đặc biệt có nhiều chất thải rắn cồng kềnh là các vật liệu xây dựng, thiết bị của các công trình ven bờ bị bão phá hủy trôi dạt và mắc lại chân các đảo đá khu vực di sản. Mưa bão cũng cuốn trôi phù sa, vật chất đáy làm toàn bộ mặt nước trong xanh của vịnh bị đục kéo dài…
Qua khảo sát sơ bộ sau bão của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho thấy, hệ sinh thái thảm thực vật xanh tốt trên các đảo tại nhiều khu vực bị bật gốc, đổ gãy, vò nát, làm suy giảm độ che phủ của thảm thực vật trên núi đá vôi, ảnh hưởng tiêu cực đến một số loài thực vật đặc hữu và thực vật có giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long, như: Thiên tuế Hạ Long, Cọ Hạ Long, Lan hài đốm, Bông mộc… Đồng thời cũng tác động tiêu cực đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến nơi cư trú của một số loài chim, bò sát và nguồn thức ăn thường xuyên của đàn khỉ vàng Macaca Mulatta đang sinh sống trên các đảo thuộc khu vực di sản. Đặc biệt, thảm thực vật trên các đảo với nhiều lá, cành, thân cây khô hiện đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Những tác động của bão số 3 không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long mà tại một số điểm tham quan, như khu vực Ba Hang, đảo Ti Tốp, hang Cỏ… đã xảy ra tình trạng đá rơi, tiềm ẩn nguy cơ tai biến địa chất như sạt lở, đổ lở đất, đá từ hệ thống đảo, hang động trong khu vực.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch tại các điểm tham quan trên vịnh bị tàn phá nặng nề, ước tổng trị giá thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Cụ thể, 13 nhà quản lý, điều hành tại các điểm đón tiếp khách trên vịnh bị hư hỏng (3 nhà bị hư hỏng hoàn toàn). Các tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác đón tiếp khách du lịch và sinh hoạt của đội ngũ cán bộ, nhân viên bị hư hại (loa phát thanh, ô che nắng, ghế đá, hệ thống đèn chiếu sáng sân vườn, tấm pin năng lượng mặt trời, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày…). 95% cây xanh, tiểu cảnh tại các điểm tham quan trên vịnh bị gãy đổ. 100% các biển, bảng tên các hang, động, nội quy điểm tham quan, chỉ dẫn bị hỏng hoàn toàn. Có 1 tàu composite bị chìm đắm. Hệ thống máy phát điện tại một số điểm tham quan bị hư hỏng.
Đáng chú ý nữa là, 33 nhà bè bảo tồn tại các làng chài Cửa Vạn, Vung Viêng và Ba Hang đã bị chìm hoàn toàn trong bão. Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn bị hư hỏng nặng, một phần bị chìm xuống biển. Hệ thống lan can đá từ cầu bến dẫn lên đến một số hang, động (Thiên Cung, Đầu Gỗ, Ti Tốp, Sửng Sốt) bị gãy đổ; hệ thống đường đi trong hang và một số điểm tham quan bị bong tróc, gãy hỏng. Cơ sở vật chất của người dân, doanh nghiệp tham gia các dịch vụ chèo đò, kayak trên Vịnh Hạ Long tại các điểm dịch vụ Ba Hang, Cống Đỏ, Cửa Vạn, Hang Luồn, Vung Viêng bị thiệt hại nặng…
Nhanh chóng khôi phục sau bão
Ngay sau khi cơn bão số 3 kết thúc, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thành lập Tổ công tác đi kiểm tra thực tế, đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục hậu quả. Qua tìm hiểu cho thấy, đơn vị đã huy động tổng lực đội ngũ viên chức, lao động, phương tiện tàu, xuồng và trang sắm vật dụng, dụng cụ để thực hiện tổng vệ sinh môi trường; rà soát, chỉnh trang lại cơ sở vật chất tại các điểm tham quan trên vịnh.
Nhờ đó, các điểm tham quan chính trên Vịnh Hạ Long đã nhanh chóng được dọn dẹp sạch đường đi, cây bị gãy đổ được cưa cắt; hệ thống tiểu cảnh, cây xanh và lan can được trồng và sửa lại; hệ thống chiếu sáng trong hang động được kiểm tra đảm bảo an toàn; vật liệu của các công trình bị phá hủy được khẩn trương thu dọn; nhiều điểm tập trung rác thải tại các khu vực tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long đã cơ bản được làm sạch, đảm bảo tối đa các điều kiện về an toàn, mỹ quan tại các điểm tham quan phục vụ khách du lịch…
Vậy là, sau bão chỉ vài ngày, đơn vị đã có thể tiếp tục duy trì hoạt động đón tiếp, phục vụ khách du lịch ở một số tuyến tham quan, nghỉ đêm. Cho đến nay, các tuyến tham quan trên vịnh đều đã đón khách trở lại bình thường. Tính riêng tháng 9 vừa qua, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 139.000 khách, bằng 79,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có trên 88.000 khách nước ngoài, chiếm gần 70,5% tổng số khách và bằng 103,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù đã đón tiếp khách trở lại đảm bảo bình thường nhưng việc làm sạch Vịnh Hạ Long và khắc phục các hậu quả khác do bão vẫn được tiếp tục triển khai. Sau đợt cao điểm 3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long kể từ ngày 14/9, rác thải ở khu vực ven bờ cũng được địa phương huy động các lực lượng thu gom với quy mô lớn. Theo đó, tính đến cuối tháng 9, TP Hạ Long đã huy động gần 30.000 lượt người và bố trí trên 230 phương tiện, thu gom được trên 2.000m3 bè, mảng hỏng, cành lá cây, phao xốp trôi dạt vào khu vực ven bờ. Ngoài ra, thành phố cũng đã thu gom rác thải ven bờ Vịnh Hạ Long với chiều dài trên 10km và diện tích mặt nước ven bờ là khoảng 600ha, tổng khối lượng rác thải là trên 33 tấn.
Để có những đánh giá sâu về các thảm thực vật, đảo đá chịu tác động của bão ra sao, trung tuần tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chủ động mời Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cử chuyên gia hỗ trợ thực hiện khảo sát, lập báo cáo đánh giá hiện trạng về giá trị địa chất - địa mạo, giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long và tư vấn giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của di sản…
Theo kế hoạch của đơn vị, trong thời gian tới đây, để tiếp tục khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng đảm bảo tốt nhất các điều kiện về an toàn, mỹ quan tại các điểm du lịch, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ tập trung toàn lực để tiếp tục sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng tại các điểm du lịch, điểm neo đậu nghỉ đêm trên vịnh để khôi phục trạng thái bình thường như trước đây.
Tiếp tục huy động nhân lực, trang thiết bị, phương tiện thực hiện thu gom rác thải, làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long, đặc biệt tại các vùng nước, chân đảo, bãi cát để khôi phục lại cảnh quan môi trường di sản. Đôn đốc các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh tăng cường dọn dẹp, chỉnh trang cơ sở vật chất để đảm bảo đáp ứng các điều kiện về an toàn, mỹ quan trong công tác đón tiếp, phục vụ khách du lịch đến với Vịnh Hạ Long…
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các chuyên gia thực hiện khảo sát hiện trạng các giá trị của Vịnh Hạ Long sau cơn bão số 3, đánh giá các nguy cơ gây mất an toàn và có giải pháp khắc phục cụ thể, trong đó chú trọng khoanh định các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, đổ cây và cháy rừng để kịp thời cảnh báo. Xây dựng và thực hiện nghiêm ngặt phương án phòng chống cháy rừng đặc dụng trên vịnh, đảm bảo yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, hỏa hoạn trong mùa hanh khô sắp tới.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()