Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:11 (GMT +7)
Virus Ebola không lây qua đường không khí, nước
Thứ 2, 13/10/2014 | 11:49:46 [GMT +7] A A
Đây là khẳng định của Tiến sĩ Masaya Kato - Điều phối viên nhóm Các bệnh Truyền nhiễm, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV.
Ngày 12/10, các quan chức y tế Mỹ đã xác nhận có thêm một nhân viên y tế ở bang Texas có phản ứng dương tính với virus Ebola. Nhân viên y tế này chính là người đã chăm sóc cho bệnh nhân Ebola - Thomas Duncan đã tử vong trước đó. Đây là một diễn biến rất nguy hiểm. Như vậy, thế giới đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Ebola thứ hai bên ngoài khu vực Tây Phi, tiếp sau nữ y tá Tây Ban Nha cách đây ít ngày cũng nhiễm Ebola sau khi chăm sóc cho bệnh nhân. Vậy nguy cơ của việc virus Ebola nguy hiểm này lây lan ra toàn cầu là như thế nào? Việt Nam sẽ phải chuẩn bị ra sao để đối phó? Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Masaya Kato - Điều phối viên nhóm Các bệnh Truyền nhiễm, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.
Liên quan đến đại dich Ebola, một nữ y tá người Tây Ban Nha Teresa Romero đã trở thành người đầu tiên nhiễm Ebola bên ngoài Tây Phi. Trường hợp này có cho thấy cấp độ nguy hiểm của dịch Ebola hay không, thưa ông?
Tiến sĩ Masaya Kato: Nữ y tá đã bị nhiễm virus Ebola là do tiếp xúc và chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm Ebola ở Sierra Leone, sau đó trở về Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chúng ta đều đã biết là Ebola chỉ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, qua dịch của người nhiễm bệnh. Có nghĩa là virus Ebola không lây qua đường không khí hay qua đường nước.
Vì vậy, trong trường hợp có các ca nhiễm bệnh ở một số nước khác thì nguyên nhân là do bệnh nhân đã có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Nhưng nếu một quốc gia vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm Ebola, không có nguồn nhiễm sẽ không đáng lo ngại.
Ông đánh giá thế nào về khả năng bùng phát dịch Ebola trên toàn cầu?
Tiến sĩ Masaya Kato: Nhìn vào báo cáo về tình hình dịch bệnh Ebola trong tháng 10 có thể thấy rằng số ca nhiễm Ebola đã lên tới khoảng 8.000 ca, trong đó số ca tử vong đã lên tới khoảng 4.000 ca. Con số này cho thấy cứ mỗi tuần trôi qua ca nhiễm mới lại tăng gấp đôi. Chúng tôi cũng ước tính vào đầu tháng 11 có thể có tới 20.000 ca nhiễm Ebola. Như vậy, số ca nhiễm Ebola đang tăng rất nhanh, cần phải có một nỗ lực hợp tác toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của Ebola.
Theo ông, dịch bệnh này có nguy cơ lây lan tại châu Âu và châu Á, giống như đã lây lan ở Tây Phi hay không? Nguy cơ đối với Việt Nam là như thế nào?
Tiến sĩ Masaya Kato: Nguy cơ Ebola lây lan sang Việt Nam rất thấp, vì nhiều lý do: Thứ nhất là số lượng người đi du lich từ các nước Tây Phi đến Việt Nam không nhiều và rất hạn chế. Như tôi đã nói, việc lây nhiễm Ebola phải qua tiếp xúc trực tiếp với những người dương tính với Ebola. Vì vậy, nguy cơ lây lan Ebola tại Việt Nam là rất thấp vào thời điểm này.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra khả năng là một số người đã nhiễm Ebola bên ngoài Việt Nam, sau đó đi du lịch đến Việt Nam. Nếu như trong trường hợp đó, chúng ta cần có các biện pháp như phát hiện sớm những người đầu tiên nhiễm bệnh và có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm để đảm bảo được việc khống chế lây nhiễm tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()