Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 00:36 (GMT +7)
Với báo Quảng Ninh…
Thứ 6, 12/01/2024 | 17:34:52 [GMT +7] A A
Từ ngày còn công tác cho đến khi nghỉ hưu, cơ duyên đã tạo cho tôi vinh dự có hơn 35 năm gắn bó với Báo Quảng Ninh, với các thế hệ cán bộ, phóng viên của Báo Quảng Ninh.
Tôi đã cùng được chung vui các sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt như báo tăng kỳ, báo in 2 màu, báo tăng trang… bắt đầu bước vào thời kỳ của báo chí hiện đại. Rồi ngày chính thức trở thành nhật báo, ngày khai trương Báo Quảng Ninh điện tử năm 2006 đưa dòng thông tin chính thức của Đảng bộ và chính quyền tỉnh đến đông đảo bạn đọc xa gần nhanh nhất. Nhớ sản phẩm báo chí ở dạng tạp chí 32 trang, khổ 19x27cm đủ các chủ đề, đó là cuốn Quảng Ninh hằng tháng tồn tại trong 13 năm.
Bước sang thế kỷ XXI, tôi tiếp tục được chứng kiến và đồng hành cùng đội ngũ những người làm báo Quảng Ninh. Các nhà báo trẻ đã đáp ứng yêu cầu có cái nhìn đa chiều, sáng tạo, từ phát hiện đề tài đến quá trình tìm hiểu thực tế, hoàn thiện một tác phẩm đa phương tiện đảm bảo mỗi bài báo không chỉ đáp ứng tôn chỉ, mục đích của tờ báo Đảng, mà còn hấp dẫn độc giả. Bên cạnh cán bộ, phóng viên của báo, còn có cả đông đảo cộng tác viên ở các địa phương, các ngành thường xuyên tương tác với độc giả về nội dung và cả hình thức tờ báo giúp cho Ban Biên tập.
|
Tôi còn nhớ cuối năm 2000, ông Lê Toán, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh ngày ấy luôn tự hào với báo Đảng các tỉnh bạn rằng, tờ báo có 400 đầu mối, tương đương với biên chế của Quân đội là 1 tiểu đoàn. Và “tiểu đoàn cộng tác viên” đó thường xuyên phát hiện, cung cấp thông tin về tòa soạn rất nhanh và chính xác. Báo được phát hành đến tận các chi bộ Đảng trong tỉnh, nhiều khách sạn lớn ở Hạ Long đặt báo hằng ngày. Báo Quảng Ninh ngày đó được xếp trong số top đầu báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngày báo Quảng Ninh ra thêm số thứ 7 măng sét in màu xanh đến ngày nay và trở thành nhật báo vào ngày 1/7/2003, tôi đến Tòa soạn, được gặp Tổng Biên tập Nguyễn Chí Thiết. Ông tâm sự: Báo ra hằng ngày, phóng viên vất vả hơn, nhưng đề án thực hiện chế độ nhuận bút mới đã được tỉnh duyệt để thực hiện. Vui nữa là lãnh đạo tỉnh đồng ý cho Báo xây dựng đề án ra báo điện tử. Ông nhắc tôi: Khai thác đề tài, các góc cạnh của cuộc sống ở Đông Triều để viết tăng tin, bài cho báo…
Tôi vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm không quên với tờ báo là những tác phẩm báo chí đầu tay. Nhờ sự động viên của các nhà báo gạo cội ngày ấy là Đỗ Kha, Chí Thiết thời khó, khổ đã hướng dẫn tôi cách viết tin về những vấn đề mới, bởi tin là loại hình xung kích trên báo chí…
Nhớ về những năm 1986-1990, Nhà nước bắt đầu xóa bao cấp, thực hiện đổi mới theo định hướng XHCN, kinh tế còn rất khó khăn. Đông Triều là huyện nông nghiệp trọng điểm đang đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Tôi còn nhớ khẩu hiệu ở trung tâm huyện là phấn đấu “Ăn no, mặc đủ, ngủ ngon”, nhưng việc làm thì ít. Lúc đó, Mạo Khê có dân số đông đến 34.000 người, số vợ, con công nhân mỏ ở các tỉnh ra mỏ ở nhiều. Không còn sổ gạo và tem phiếu, không có thu nhập khác, nhiều gia đình còn thiếu ăn.
Được về làm việc tại UBND thị trấn Mạo Khê, tôi nắm bắt thông tin, chủ động tác nghiệp, đã có được những tin, bài phản ánh tạo hiệu ứng tích cực. Đến nay, những nhân vật trong các tin, bài như anh chủ nhiệm đã 74 tuổi, những đoàn viên ưu tú, xuất sắc, người thợ thủ công cũng trên dưới 60 tuổi vẫn thường tự hào nhắc về những ngày ấy, họ lao động sản xuất vượt mức kế hoạch và hoạt động xã hội sôi nổi đã “được lên báo Quảng Ninh”…
Nhớ câu chuyện từ cuối năm 1984, Đảng ủy thị trấn Mạo Khê điều cán bộ trẻ 35 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân tại chức xuống làm chủ nhiệm HTX Thành Công. Sau hơn một năm, HTX đã ổn định ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư mở rộng xưởng sản xuất chiếu cói xuất khẩu để được trả bằng hàng hóa của Liên Xô (cũ). Khi thảm cói có thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu cói từ Hải Dương mua về không đủ sản xuất, nên đã mua cói từ Thái Bình, Nam Định rồi Thanh Hóa về sản xuất mặt hàng chiếu cói, thảm cói, bện quại cói xuất khẩu và cung cấp cói cho các HTX trong thị trấn cùng sản xuất. HTX đã giải quyết được gần 1.000 việc làm cho vợ, con thợ mỏ, gia đình giáo viên cùng nhân dân địa phương có được việc làm, đảm bảo đời sống. Việc gia công bện quại cói không cần nhà xưởng, đến nhận cói mang về nhà, tranh thủ thời gian bện quại, xong mang giao nộp sản phẩm, cuối tháng thì được thanh toán bằng gạo ăn. Đây là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở Mạo Khê thời điểm đó.
Dịp thi đua mừng Quốc khánh 2/9/1987, tôi đến HTX Thành Công viết tin, bài về những điển hình tiên tiến của đoàn viên, thanh niên ở các phân xưởng, các tổ đăng trên trang Thanh niên của báo Quảng Ninh. HTX có đặt báo Quảng Ninh để đọc, những gương điển hình được tôn vinh trên báo chí đã tạo hiệu ứng mạnh cho phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng HTX quy mô lớn. Khi giá trị sản xuất tăng, phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao và các hoạt động xã hội của Chi đoàn với gần 150 đoàn viên sôi động, đặc biệt là phong trào thanh niên mua công trái xây dựng Tổ quốc. Cuối năm 1987, HTX được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đầu năm 1988, Thường trực Tỉnh Đoàn đã về nắm bắt mô hình chi đoàn tiểu thủ công nghiệp trong Đoàn cơ sở xã, thị trấn. Kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3 năm đó, Chi đoàn HTX Thành Công cùng 3 đoàn viên ưu tú lần đầu tiên được Tỉnh Đoàn tặng Bằng khen.
Đầu năm 1989, tại Đại hội Đảng bộ huyện Đông Triều lần thứ XVIII, anh chủ nhiệm HTX Thành Công được bầu vào BCH Huyện ủy. Tác phẩm “Anh chủ nhiệm sáng tạo” đăng trên chuyên mục “Người chủ Vùng than” đã tiếp tục là giá trị tinh thần, tạo động lực cho phong trào thi đua trong HTX, giá trị tổng sản lượng hàng hóa sản xuất của HTX năm đó đứng đầu trong huyện.
Nay nghỉ hưu, tôi rảnh rỗi hơn dùng ứng dụng đa phương tiện QMG của Trung tâm Truyền thông tỉnh trên điện thoại di động. Các sản phẩm của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh luôn vận động đổi mới theo xu thế làm báo hiện đại, đa phương tiện cũng như yêu cầu của độc giả và mục tiêu phát triển của tỉnh. Các tin, bài hay thì gửi ngay đường link cho anh em bạn bè cùng đọc. Tôi vẫn còn thói quen chờ nhân viên Bưu điện đưa báo in đến, rồi cùng mấy anh bạn nghỉ hưu quanh nhà đọc nội dung, xem hình thức thiết kế và trình bày tờ báo. Có anh bạn đã từng là lính Biên phòng Pò Hèn từ đầu năm 1979 xem báo, số báo nào có bài viết về Pò Hèn, anh đều cầm về, để cho một số cựu binh Pò Hèn của anh cùng xem. Với tôi, tờ báo rõ ràng các mục, tiểu mục của tờ báo Đảng, dễ đọc.
Kỷ niệm 60 năm báo Quảng Ninh xuất bản số đầu tiên, hướng tới kỷ niệm 100 năm (1928-2028) ra đời Báo Than, tờ báo Đảng đầu tiên ở Vùng mỏ, tiền thân của báo Quảng Ninh. Cùng với những người đã một thời làm báo Quảng Ninh hướng về ngôi nhà chung ấy - nơi ấy, tôi đã có nhiều kỷ niệm, được học hỏi, luyện rèn để có được chút đóng góp cho báo chí Quảng Ninh.
Xuân Quảng (Mạo Khê - Đông Triều)
Liên kết website
Ý kiến ()