Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:42 (GMT +7)
Vụ Chuyến bay giải cứu: Cựu điều tra viên đề cập việc bỏ lọt tội phạm
Thứ 6, 14/07/2023 | 23:25:30 [GMT +7] A A
Tại phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu,” bị cáo Hưng đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ mối liên hệ giữa việc buộc tội mình với các hành vi liên quan và việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Chiều 14/7, tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu,” bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) cho rằng mình bị oan và việc buộc tội bị cáo là "không có chứng cứ, chỉ dựa vào duy nhất lời khai một chiều để buộc tội."
Bị cáo Hưng đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ mối liên hệ giữa việc buộc tội mình và các hành vi liên quan.
Trong vụ án này, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị Viện Kiểm sát cáo buộc cùng bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) nhận 2,6 triệu USD để "chạy án" cho bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky). Trong đó, bị cáo Hưng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” bị cáo Tuấn bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ,” bị cáo Sơn và Hằng bị truy tố về tội “Đưa hối lộ.”
Bị cáo Hưng cho rằng mình "bị oan" và việc buộc tội mà “không có bất kỳ một chứng cứ nào, chỉ dựa vào một lời khai một chiều, duy nhất. Lời khai này có rất nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí là không đúng sự thật mà cơ quan tố tụng không kiểm chứng.”
Về các cuộc điện thoại trao đổi với bị cáo Tuấn liên quan đến vụ án này, bị cáo Hưng cho biết chỉ có hơn 100 cuộc chứ không phải 435 cuộc điện thoại như Viện Kiểm sát xác định.
Bên cạnh đó, cựu điều tra viên còn cho rằng kết luận điều tra và cáo trạng còn bỏ lọt hành vi phạm tội của nhiều người. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ mối liên hệ giữa việc buộc tội mình với các hành vi liên quan và việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án này. Nội dung này bị cáo Hưng nói sẽ trình bày rõ hơn ở phần tranh luận sắp tới.
Hưng khai, do có mối quan hệ ân tình với bị cáo Tuấn nên khi bị cáo Tuấn nhờ tư vấn giúp bị cáo Hằng (là nghi can trong vụ án), Hưng đã gặp Hằng 4 lần đều tại nhà bị cáo Tuấn. Trong những lần này, Hưng chỉ khuyên Hằng ra tự thú để hưởng khoan hồng. Bởi theo Hưng, nếu vận động được Hằng ra đầu thú sẽ giúp ích nhiều cho Cơ quan An ninh khi mở rộng điều tra vụ án nên Hưng mới tiếp xúc.
Theo cáo trạng, tháng 9/2022, sau 8 tháng điều tra vụ án, Hoàng Văn Hưng bị điều chuyển sang Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra. Lúc này, Hưng vẫn trao đổi với bị cáo Tuấn và Hằng, khẳng định "đây chỉ là luân chuyển về hành chính" và bị cáo "vẫn chỉ đạo án."
Song tại tòa, bị cáo Hưng cho rằng vụ án “Chuyến bay giải cứu” có khoảng 25 điều tra viên tham gia dưới chỉ đạo trực tiếp của 2 lãnh đạo Cục và sự kiểm soát chặt chẽ của các Kiểm sát viên. Khi chuyển sang Phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Hưng không được tham gia vào vụ án nên không thể can thiệp giúp Hằng và Sơn như họ khai.
Phản bác lại lời khai của Hưng, bị cáo Tuấn tiếp tục khẳng định lời khai tại cơ quan điều tra và các phiên xét xử trước về việc làm trung gian cho Hưng và Hằng gặp gỡ "chạy án" là chính xác.
Về lần cuối cùng chi tiền cho Hưng, bị cáo Tuấn giữ nguyên lời khai rằng cho 450.000 USD vào chiếc cặp da, mã số 104. Tuấn nhờ tài xế mang đến cổng cơ quan của Hưng để giao cho Hưng. Mã số chiếc cặp cũng do Tuấn gọi điện báo cho Hưng.
Tuy nhiên, bị cáo Hưng vẫn giữ nguyên lời khai đã trình bày trước tòa, phủ nhận trong chiếc cặp mã số 104 có đựng tiền. Hưng khai, trong cặp chỉ có 4 chai rượu vang và khi nhận quà còn khoe với lái xe và cất vào cốp xe ôtô. Hưng khai không biết bị cáo Tuấn chuyển quà là rượu cho mình. Do trước đó Hưng nói sắp tổ chức bữa cơm tri ân các bác sỹ đã điều trị COVID-19 cho mình nên đoán bị cáo Tuấn tự chuyển rượu tặng để tiếp khách.
Cùng tham gia đối chất với Hưng tại tòa, bị cáo Hằng thừa nhận những nội dung truy tố là đúng. Các lần chuyển tiền, Hằng đều đưa cho bị cáo Tuấn để chuyển cho Hưng. Có lần ở nhà Tuấn, Hằng còn thấy Hưng cầm túi tiền ra về, chính là cái túi mà lúc trước Hằng đưa cho bị cáo Tuấn. Bị cáo Hằng bày tỏ sự ân hận khi đã kéo theo bị cáo Tuấn vướng vào vòng lao lý.
Chiều 14/7, phiên tòa kết thúc phần xét hỏi. Sáng 17/7, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo./.
Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ. Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch. Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng. 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” 54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố: 21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.” 23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ." 4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ." 4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ." 1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản." 1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ." |
Theo TTXVN/Vietnam+
- Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Đại sứ tại Malaysia thu quá 11 tỷ đồng của dân để giữ lại và chia nhau
- Cựu Đại sứ và cựu Tổng lãnh sự hối hận vì nhận nhiều tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu"
- Lời khai của doanh nghiệp về những lần hối lộ hàng tỷ đồng để được cấp phép "chuyến bay giải cứu"
- Cơ quan quản lý cố tình gây khó khăn cho các “chuyến bay giải cứu” như thế nào?
- Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nhiều bị cáo khai bị ép đưa hối lộ
Liên kết website
Ý kiến ()