Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT +7)
"Thư viện Quảng Ninh không chỉ là nơi lưu trữ sách mà còn là nơi giáo dục ngoài nhà trường"
Chủ nhật, 19/06/2022 | 08:11:37 [GMT +7] A A
Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động, dịch vụ thư viện cho trẻ em” tại TP Hạ Long. Tham dự lớp tập huấn có hơn 200 đại biểu và học viên là lãnh đạo các Sở VH,TT&DL hoặc Sở VHTT các tỉnh, công chức của các sở được phân công theo dõi công tác thư viện; lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh trên cả nước, viên chức thư viện cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh.
Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL.
- Xin cảm ơn Vụ trưởng đã tham gia trả lời phỏng vấn. Ông có thể cho biết mục đích và ý nghĩa của lớp tập huấn vừa diễn ra tại Quảng Ninh?
+ Qua 2 năm triển khai Luật Thư viện, Chính phủ và Bộ VH,TT&DL đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, cũng như cụ thể hóa nhiều chính sách quan trọng được đề cập tại Luật Thư viện. Việc tổ chức tập huấn này là một diễn đàn quan trọng, góp phần tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức hoạt động và dịch vụ thư viện phục vụ thiếu nhi, công tác trẻ em và các văn bản liên quan khác; một số định hướng đối với thư viện trong công tác phục vụ thiếu nhi; đồng thời, lớp tập huấn nhằm trang bị phương pháp tạo động lực và rèn luyện kỹ năng đọc sách cho trẻ, phương pháp, kỹ năng trưng bày giới thiệu sách và các hoạt động tương tác với sách cho trẻ em.
Thông qua diễn đàn này, Bộ VH,TT&DL mong muốn tiếp nhận những ý kiến phản hồi, trong quá trình triển khai, thực thi văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác phục vụ thiếu nhi.
Đây cũng là dịp để người làm công tác thư viện trong cả nước trao đổi, học hỏi lẫn nhau về công tác tổ chức, quản lý các hoạt động thư viện nói chung và mô hình hoạt động, dịch vụ thư viện dành cho trẻ em nói riêng. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ CNTT, bên cạnh sự đổi mới của cán bộ quản lý thì đội ngũ nhân viên thư viện cần phải nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn để tổ chức thư viện thành không gian mở, ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách để thu hút đông đảo trẻ em, nhất là học sinh, sinh viên đến với thư viện.
- Ông hy vọng điều gì sau lớp tập huấn này?
+ Chúng tôi hy vọng giai đoạn tới, thư viện công cộng cấp tỉnh thực hiện vai trò là thư viện trung tâm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tham gia xây dựng, luân chuyển và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phục vụ thiếu nhi cho thư viện trên địa bàn nhằm củng cố và phát triển mạng lưới thư viện phục vụ thiếu nhi tại địa phương.
Đồng thời, chúng tôi mong hệ thống thư viện tích cực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, triển khai các sản phẩm và dịch vụ thư viện mới phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lý trẻ em, không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác phục vụ thiếu nhi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ thiếu nhi của thư viện.
- Xin ông cho biết các hoạt động phát triển văn hóa đọc gắn với việc học tập suốt đời cho người dân, đặc biệt là thiếu nhi, được triển khai ra sao trong thời gian qua?
+ Xác định vai trò quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 329 phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Đề án có mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen đọc, lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. Bộ VH,TT&DL đã có sự chỉ đạo hệ thống thư viện cộng đồng trên toàn quốc tăng cường, đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho người dân.
Đồng thời, Bộ VH,TT&DL cũng tổ chức rất nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách, tiêu biểu như: Bộ phối hợp với Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup trang bị xe ô tô thư viện lưu động cho 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Từ đó, những chuyến xe “Hành trình tri thức” đã mang sách đến mọi miền Tổ quốc để người dân ở những nơi có điều kiện khó khăn được tiếp cận với sách.
Chúng tôi đã triển khai rất nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc, trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng thiếu nhi, thế hệ tương lai sẽ là rường cột cho đất nước sau này. Bộ đã tổ chức các hoạt động liên kết, kết nối các cuộc thi phù hợp với giới trẻ, hướng đến những đối tượng thanh thiếu niên rất giỏi về CNTT. Hàng năm, các cuộc thi đều thu hút hàng triệu người tham gia, trong đó, chủ yếu là thanh thiếu niên. Điều đó chứng minh rằng giới trẻ đã rất quan tâm đến văn hóa đọc.
Bộ VH,TT&DL tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên thư viện ở nhiều tỉnh, thành để tổ chức tốt hơn các hoạt động phát triển văn hóa đọc ở địa phương. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên đối tượng phục vụ là thiếu nhi. Cùng với đó, Bộ VH,TT&DL đã nhiều năm liền tổ chức thành công 2 cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến thu hút sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh, sinh viên và người dân trong cả nước. Chúng tôi mong xây dựng cho được một xã hội học tập, đặc biệt hướng đến thanh thiếu niên, thế hệ góp phần xây đựng đất nước trong tương lai.
- Trong bức tranh chung đó, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Thư viện Quảng Ninh?
+ Thư viện Quảng Ninh là một trong những thư viện công cộng cấp tỉnh có nguồn tài nguyên thông tin đa dạng, đặc biệt là tài nguyên số với hơn 2 triệu tài liệu và số hóa hơn 200.000 trang địa chí; thuê quyền truy cập hơn 1,5 triệu tài liệu điện tử. Thư viện chú trọng phát triển tài liệu theo hình thức số hóa và sưu tầm bổ sung mới, ưu tiên số hóa các tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, tài liệu có giá trị; xây dựng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, phát triển các loại hình dịch vụ mới, chú trọng yếu tố công nghệ trên nền tảng ứng dụng số.
Thư viện tỉnh Quảng Ninh là đơn vị được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; nâng cấp hạ tầng CNTT, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại, đảm bảo tốt công tác vận hành chuyển đổi số. Đây cũng là thư viện tốp đầu của đất nước trong hệ thống thư viện công cộng. Tôi đánh giá rằng, Thư viện Quảng Ninh hướng đến việc học tập suốt đời, dành nguồn lực đầu tư phục vụ đối tượng trẻ theo đúng tôn chỉ của Bộ VH,TT&DL, của tỉnh Quảng Ninh và đã đem lại hiệu quả rất tích cực.
- Như trên ông nói thì chuyển đổi số rõ ràng đã là một xu thế tất yếu. Vậy theo ông đánh giá, Thư viện Quảng Ninh đã thực hiện nội dung công việc này như thế nào với hạ tầng hiện có?
+ Trong thời gian gần đây, Thư viện tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp trong công tác chuyển đổi số và đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại. Thư viện tỉnh Quảng Ninh mở rộng liên kết, kết nối và hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin liên kết với cơ sở dữ liệu thư viện số của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, tăng cường khả năng khai thác thư viện số, quảng bá nguồn tài nguyên số đến các trường học, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thư viện Quảng Ninh đã và đang hòa nhập cùng quá trình chuyển đổi số của tỉnh và đất nước, thúc đẩy văn hóa đọc theo hướng hiện đại.
- Thưa ông, với Quảng Ninh thì thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách mà còn là một điểm đến đặc biệt. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
+ Ý tưởng đó của Thư viện Quảng Ninh đã được đánh giá cao. Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách mà còn là trung tâm giáo dục, tham quan trưng bày, nơi giáo dục ngoài nhà trường, nơi trao truyền tri thức. Chúng tôi cho rằng, mô hình vừa gắn kết được du lịch vừa gắn kết được văn hóa đọc rất là đúng hướng, được ủng hộ từ nhiều phía, từ sự nhìn nhận quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng hành của đội ngũ làm thư viện và của nhân dân. Đó là những điều rất tốt đẹp cho sự phát triển của thư viện trong tương lai.
- Xin cảm ơn Vụ trưởng!
Phạm Học (Thực hiện)
- Thúc đẩy văn hóa đọc, nhìn từ công nghệ
- Phát triển văn hóa đọc thành ‘thương hiệu quốc gia’
- Xây dựng văn hóa đọc trong bối cảnh hội nhập và phát triển
- Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc
- Xây dựng văn hóa đọc trong sinh viên
- Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số
- Văn hoá đọc thời công nghệ số
Liên kết website
Ý kiến ()