Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 18:17 (GMT +7)
Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng
Chủ nhật, 17/09/2023 | 08:27:24 [GMT +7] A A
Sau thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sĩ) được ký đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Theo nội dung Hiệp định, đại bộ phận đặc khu Hòn Gai, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên cùng Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi khu mỏ, chấm dứt 72 năm, quân Pháp xâm chiếm, vơ vét than ở Vùng mỏ Quảng Ninh.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho đến ngày 8/8/1954, tỉnh Hải Ninh đã hoàn toàn được giải phóng. Ngày 29 và 30/10/1954, bộ đội ta tiến vào tiếp quản Đông Triều và các huyện Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn (khu tập kết 100 ngày, khi đó thuộc tỉnh Quảng Yên). Nhân dân các vùng được giải phóng đã hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng.
Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Hiệp định Giơnevơ chưa ráo mực đã bị cả Mỹ và Pháp tìm cách phá hoại. Quân Pháp vây ráp bắt lính, cướp đoạt tài sản, xúi giục bọn phản động quấy phá, khiêu khích. Cùng với đó, được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, bọn phản động ra sức tuyên truyền, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ở các vùng tạm chiếm trước đây di cư vào Nam, hòng làm cho tình hình chính trị, kinh tế - xã hội miền Bắc thêm trì trệ.
Tại các khu vực tập kết 300 ngày, quân Pháp ra sức càn quét. Ở Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long), chúng ngang nhiên đóng quân ở Bang, hỗ trợ, xúi giục các tên phản động như Bàn Đức Thắng, Lục Văn Thông tổ chức phỉ cướp phá, chống đối chính quyền ở Hoành Bồ, Ba Chẽ.
Ngày 22/2/1955, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 221-SL “Thành lập khu Hồng Quảng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương”. Khu Hồng Quảng gồm Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh). Khu uỷ Hồng Quảng đã phát động phong trào đấu tranh chống địch vi phạm Hiệp định Giơnevơ, chống cưỡng ép di cư, không cho chủ mỏ di chuyển máy móc khỏi các mỏ, nhà máy.
Cuộc đấu tranh chống cưỡng ép đồng bào di cư, ngăn chặn chủ mỏ di chuyển máy móc diễn ra liên tục ở khu mỏ từ cuối năm 1954 cho đến ngày ta tiếp quản Vùng mỏ. Việc đấu tranh giữ máy móc, không cho đối phương di chuyển trái phép đã được Khu uỷ Hồng Quảng chỉ đạo chặt chẽ. Các đội bảo vệ máy đã được thành lập trong công nhân. Do đó đã góp phần ngăn chặn chủ mỏ chuyển đi nhiều máy móc quan trọng.
Tiêu biểu như công nhân đã vây quanh nhà chủ mỏ, buộc chúng phải để lại 8 động cơ của Nhà máy điện Hòn Gai khi chúng định chuyển xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam. Công nhân Nhà máy cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy mà chủ mỏ định chuyển đi, buộc chúng phải để lại 3 máy. Chính vì thế, sau này khi ta khôi phục sản xuất than, các máy móc được giữ lại đã góp phần đưa hoạt động sản xuất trở lại nhanh chóng.
Ngày 22/4/1955, từ Tiên Yên, bộ đội ta tiến vào tiếp quản thị xã Cẩm Phả và thị xã Cửa Ông (ngày 16/1/1957, Uỷ ban Hành chính khu Hồng Quảng ra Quyết định số 84-TCCB sáp nhập hai thị xã Cửa Ông, Cẩm Phả lấy tên là thị xã Cẩm Phả). Từ Đông Triều, bộ đội ta tiếp quản thị trấn Quảng Yên.
Ngày 24/4/1925, tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng đã bước xuống tàu há mồm tại bến phà Bãi Cháy.
Ngày 25/4/1955, tại thị xã Hòn Gai, quân và dân Hồng Quảng đã mít tinh trọng thể mừng khu mỏ được giải phóng. Ủy ban Quân chính Hồng Quảng ra mắt trước toàn thể nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu Hồng Quảng, đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hồng Quảng nhân dịp khu mỏ giải phóng: “Do quân và dân ta đoàn kết, nhất trí, kháng chiến anh dũng mà chiến tranh đã chấm dứt, hoà bình đã thắng lợi. Nước Pháp phải công nhận nước ta độc lập và thống nhất. Những vùng quân đội Pháp chiếm đóng trước đây đã lần lượt được giải phóng, đồng bào Hòn Gai, Quảng Yên lại được sống tự do. Đó là một thắng lợi to lớn. Tôi thay mặt Chính phủ, thân ái gửi lời thăm hỏi đồng bào”.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()