Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:49 (GMT +7)
Hậu phương vững vàng của các y bác sĩ nơi tuyến đầu
Chủ nhật, 23/05/2021 | 09:15:36 [GMT +7] A A
8 giờ ngày 15/5, tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Đoàn thầy thuốc tình nguyện gồm 200 y, bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí cùng trang thiết bị hiện đại đã lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang xét nghiệm dịch Covid-19. Nơi hậu phương, những người ở lại cũng đang nỗ lực gánh gồng, lo toan cuộc sống, là điểm tựa niềm tin để những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu yên tâm dốc sức trong trận chiến với Covid-19.
Hôm nay là tròn 1 tuần kể từ khi người chồng, cũng là đồng nghiệp của nữ điều dưỡng Vũ Thị Mai Trang (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển Uông Bí) vắng nhà tham gia chống dịch. Chồng chị là 1 trong 20 y, bác sĩ của Quảng Ninh vừa lên đường tới Bắc Giang tham gia hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân nặng.
Công việc của một nhân viên y tế, nhất là tại Khoa Khám bệnh chưa bao giờ nhàn rỗi khi một ngày làm việc từ sáng sớm đến chiều muộn đều phải tiếp đón hàng trăm bệnh nhân, lại thêm việc phải thay cả phần chồng chăm sóc con nhỏ...
Những ngày này, chị Trang bận rộn hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, trong sự tất bật ấy, chị lại càng cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi mỗi thành viên trong gia đình đều đang góp một phần công sức cùng tỉnh và cả nước chống dịch bằng những cách khác nhau.
Chị chia sẻ: "3 mẹ con ở nhà cũng hơi vất vả một chút. Nhưng rất may mắn là được ông bà nội, ngoại hai bên giúp đỡ trông con và lãnh đạo Bệnh viện cũng tạo điều kiện hơn trong công việc. Dù không có ông xã ở bên cạnh động viên, san sẻ, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng vừa hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc, vừa làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì chồng mình đang cùng các anh chị em đồng nghiệp góp chút công sức nhỏ bé vào "trận chiến" chống lại đại dịch Covid-19."
Lên đường vào tâm dịch Bắc Giang, lại đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng là điều trị cho những bệnh nhân nặng tại khu điều trị đặc biệt, những giây phút được thảnh thơi của bác sĩ Phạm Thanh Tùng (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) - chồng của chị Trang là vô cùng hiếm hoi. Tranh thủ giờ anh được nghỉ sau ca trực dài 12 tiếng, chị lại gọi điện video cho anh để anh nói chuyện và nhìn thấy cô con gái nhỏ. Hai bố con quấn quýt không rời, dù chỉ qua màn hình chiếc điện thoại di động...
Qua điện thoại, bác sĩ Tùng hát cho con gái nghe bài "Cả nhà thương nhau". Cô bé cười tươi vỗ tay cổ vũ bố. "Xa là nhớ". Nhưng chắc chắn với một hậu phương vững vàng như chị Trang, bác sĩ Tùng sẽ yên tâm dốc sức chống dịch. Để khi "cơn bão dịch" qua đi, anh trở về từ tiền tuyến, cả gia đình sẽ lại cười vui khi đoàn tụ bên nhau...
Đã gần 1 tháng nay, Dương Doãn Hải - điều dưỡng viên của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí không ở nhà. Anh cùng đoàn thầy thuốc tình nguyện tham gia truy vết lấy mẫu chống dịch tại Bắc Giang. Chồng đi làm xa tận Cẩm Phả dăm tuần cả tháng mới về phép qua nhà, cậu con trai duy nhất thì đi chống dịch, ngôi nhà nhỏ ở thôn 5, xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều chỉ còn mình bà Kiều Thị Hạnh - mẹ của Hải loay hoay vơi vườn tược, lợn gà... Nhớ con. Thực tâm người mẹ lúc nào cũng canh cánh nỗi lo khi con lao mình vào tâm dịch. Nhưng hiểu và thông cảm với công việc của con, ủng hộ con đường thầy thuốc con chọn, và biết con cùng đồng đội chống dịch bận rộn, vất vả, nên thi thoảng lắm, bà mới gọi cho con để trò chuyện, hỏi han.
Ngày 9/6, khi chúng tôi tìm đến thăm nhà của điều dưỡng Hải ở Đông Triều, gặp bà Hạnh mẹ của Hải thì trùng hợp sao lại được biết hôm nay chính là sinh nhật của anh.
"Mẹ chúc mừng sinh nhật con trai! Con ở đấy cố gắng giữ gìn sức khỏe thật cẩn thận để cùng mọi người chống dịch. Yên tâm ở nhà mẹ lo được hết. Nhà cửa, ruộng vườn, lợn gà cũng hết ngày ấy mà chứ không buồn đâu. Bố chắc cuối tuần này cũng về nữa. À, cái Thảo mấy bận cũng vẫn sang chơi. Đợt tới này dịch tan, về xem thế nào mà cưới nhau đi thôi..." - Bà Hạnh nói chuyện với con trai qua màn hình điện thoại...
Kết thúc cuộc trò chuyện không hẹn trước mà ngẫu nhiên đúng vào ngày sinh nhật của con trai mình, bà Hạnh không tránh khỏi xúc động...
"Lo thì cũng lo thật. Buồn cũng có buồn chứ. Nhà có mỗi thằng con. Nhưng tôi tự hào lắm. Vì con trai mình không chùn bước trước vất vả khó khăn, góp chút sức trẻ nơi tuyến đầu chống dịch..."
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này, Quảng Ninh có hơn 200 "chiến sĩ áo trắng" tình nguyện lên đường hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang. Hậu phương của họ không chỉ là vợ, chồng, là bố mẹ, gia đình, mà còn cả những đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị. Họ luôn sẵn sàng thay những chiến sĩ tuyến đầu san sẻ hết những gánh nặng con cái, gia đình hay đảm đương hết những phần việc, nhiệm vụ tại quê hương.
Bác sĩ Nguyễn Hải Dương vừa là "hậu phương" của bác sĩ Phạm Thị Trâm - một trong 200 "chiến sĩ áo trắng" của Quảng Ninh đang dốc sức chống dịch tại tâm dịch Bắc Giang, đồng thời là đồng nghiệp của vợ tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí.
Cùng công tác trong ngành, lại cùng viện, hơn ai hết bác sĩ Dương luôn thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ cho những khó khăn, vất vả mà vợ mình cũng như các đồng nghiệp đang phải nỗ lực vượt qua nơi tuyến đầu.
"Nhưng cũng vì công việc tại viện bận rộn, phải thường xuyên trực thông ca, chăm sóc những bệnh nhân đa phần là bà mẹ, trẻ em, nên nhiều lúc tôi cũng không đủ thời gian để chăm lo chu đáo cho gia đình nhỏ của mình. Thật may là còn có ông nội bọn trẻ giúp đỡ..." - Bác sĩ Dương chia sẻ.
Vậy là 2 anh em Sâu, Nhím (con anh Dương, chị Trâm), một tay bố anh Dương là ông Nguyễn Văn Vượng thay anh chị trông nom. Ông hướng dẫn từ tô màu, tô chữ, đến đọc truyện, chơi đồ chơi, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ... cho cháu để các con mình yên tâm công tác, dốc sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thi thoảng, qua cuộc gọi video của mẹ, 2 anh em lại khoe về bữa ăn ông nội nấu, biểu diễn cho mẹ thành tích "xúc miếng cơm thật to", hay khoe món đồ chơi xếp hình đầy màu sắc ông mới mua cho, rồi cùng nói to "Con nhớ mẹ, yêu mẹ"...
Sự hy sinh thầm lặng của ông Vượng, sự ngoan ngoãn, biết vâng lời của 2 con, chính là động lực để anh Dương, chị Trâm cùng cố gắng nỗ lực ở 2 đầu chiến tuyến, cùng hoàn thành tốt nghiệm vụ được giao.
Với điểm tựa vững chắc từ hậu phương, trên tiền tuyến, những "chiến sĩ áo trắng" của Quảng Ninh đã và đang cùng với các y, bác sĩ, thầy thuốc tình nguyện của cả nước ngày đêm vượt gian khổ, cống hiến hết sức lực, trí tuệ của mình trong trận chiến với giặc Covid-19.
Tin chắc rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn xã hội, với sự sẻ chia, thấu hiểu của hậu phương với lực lượng tuyến đầu, Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng sẽ chiến thắng đại dịch vào một ngày không xa...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()