Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 13:42 (GMT +7)
Thích ứng, vượt khó, đạt mục tiêu tăng trưởng
Thứ 6, 01/04/2022 | 07:57:28 [GMT +7] A A
Quý I/2022 cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, gặp nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ucraina. Với sự chủ động, linh hoạt của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được đà tăng trưởng, là động lực để phát triển mạnh mẽ trong quý II.
Linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I/2022, tỉnh có những thời cơ, thuận lợi mới đan xen khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng liên tục trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và trong cộng đồng. Mặc dù phần lớn các ca mắc mới ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng vẫn gây ra những khó khăn, sự xáo trộn cho công việc, đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa do chính sách phòng dịch phía Trung Quốc; doanh nghiệp thiếu hụt lao động do số công nhân mắc Covid-19 tăng; đứt gãy chuỗi cung ứng và giá cả đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu diễn ra quá nhanh, nằm ngoài dự đoán... đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trước tình thế đã được dự báo, bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/1/2022 về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022, với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo từng quý, gắn với các giải pháp căn cơ, khả thi, nhằm thực hiện bằng được tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2022 đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa phấn đấu đạt 42.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 10.600 tỷ đồng.
Bám sát mục tiêu kịch bản kinh tế quý I, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Trong đó nghiêm túc thực hiện "3 trước, 4 tại chỗ", tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; quyết tâm thực hiện chiến lược "5K + vắc-xin + công nghệ + truyền thông + ý thức người dân", giữ vững địa bàn ổn định, an toàn phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế.
Với sự vào cuộc tích cực cùng các giải pháp linh động, hiệu quả, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2022 của tỉnh tiếp tục tăng (8,02%). Con số này có thấp hơn 1,24 điểm % so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,05%, đạt chỉ tiêu kịch bản; khu vực dịch vụ có nhiều tín hiệu tích cực, đạt mức tăng trưởng cao nhất, tăng 11,17%, cao hơn 1,01 điểm % so với cùng kỳ, cao hơn 0,54 điểm % so với kịch bản; thuế sản phẩm tăng 6,20%, cao hơn 2,21 điểm % so với cùng kỳ, cao hơn 0,52 điểm % so với chỉ tiêu kịch bản.
Tuy khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng đạt 7,12%, thấp hơn 3,37 điểm % so với cùng kỳ, thấp hơn 3,5 điểm % so với kịch bản do ngành chế biến, chế tạo ước tăng 7,45%, thấp hơn 36,2 điểm % so cùng kỳ, thấp hơn 18,2 điểm % so với kịch bản, nhưng có sự tăng trưởng trở lại đối với ngành khai khoáng với 4,31% (cùng kỳ tăng trưởng âm 1,5%), cao hơn 1,51 điểm % so với kịch bản, chiếm tỷ trọng 15,2% trong GRDP, đóng góp 0,86 điểm % trong tăng trưởng GRDP, đã bù đắp được một phần sụt giảm của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Quý I/2022, bên cạnh đóng góp tích cực của ngành Than, đơn vị cũng đánh giá cao sản xuất, phân phối điện trên địa bàn, với mức tăng 7,21%, cao hơn 3,07 điểm % so với cùng kỳ, cao hơn 0,71 điểm % so với kịch bản, chiếm tỷ trọng 18,3% trong GRDP, đóng góp 1,16 điểm % trong tăng trưởng GRDP.
Hoạt động thu ngân sách nhà nước được đảm bảo với số thu gần 12.000 tỷ đồng, đạt 23% dự toán, bằng 111% kịch bản, bằng 110% so cùng kỳ. Trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 2.850 tỷ đồng, đạt 27% dự toán, bằng 140% kịch bản, bằng 122% cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 9.141 tỷ đồng, đạt 22% dự toán, bằng 104% kịch bản, tăng 7% cùng kỳ. Đặc biệt có 15/18 khoản thu ước hoàn thành kịch bản, 6/13 địa phương có tổng thu ước đạt tốc độ bình quân...
Tận dụng thời cơ bứt tốc
Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế số 35/KH-UBND xác định, 6 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,25%. Tuy nhiên, do quý I/2022 có tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 8,02% thì mục tiêu tăng trưởng quý II/2022 phải đạt 12,54%, cao hơn 1,75 điểm % so với kịch bản quý II đã đề ra. Đây là mục tiêu khó khăn, cần phải có sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Quý II là thời điểm thuận lợi cho sự bứt tốc phát triển của mọi ngành, lĩnh vực, trong đó đánh dấu sự quay trở lại của ngành du lịch, dịch vụ. Từ đó, UBND tỉnh xác định, trong quý II khu vực công nghiệp - xây dựng phải đạt tốc độ tăng trưởng tăng 14,75%, qua đó kết thúc 6 tháng đầu năm đạt tăng trưởng kinh tế 10,88%, đúng như kịch bản xác định; khu vực dịch vụ quý II có tốc độ tăng trưởng tăng 11,64%, lũy kế 6 tháng tăng 11,41%, thuế sản phẩm quý II tăng trưởng tăng 8,8%, lũy kế 6 tháng tăng 7,22%; khu vực nông, lâm, thủy sản có tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II tăng 4,35%, lũy kế 6 tháng tăng 3,79%.
Đảm bảo được những mục tiêu này, UBND tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành Than để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tạo điều kiện cho ngành Than ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo sản lượng than quý II đạt 13,1 triệu tấn, phấn đấu sản lượng điện đạt 12 tỷ kWh. Đồng thời với đó, tổ chức làm việc với các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may, loa, màn hình ti vi, thân mũ... tăng năng suất, sản lượng, lấy lại đà tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm từ 2 dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động trong quý I và 4 dự án dự kiến đi vào hoạt động trong quý II để làm động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến, chế tạo.
Trong lĩnh vực xây dựng, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư có chất lượng, ứng với khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành được nghiệm thu, phấn đấu đến 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch, 30/9 đạt 85% kế hoạch và 31/12 đạt 100% kế hoạch vốn.
Với mục tiêu thu ngân sách nhà nước trong quý II đạt gần 14.000 tỷ đồng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, khai thác các nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu ngân sách; xây dựng kịch bản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2022. Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất các dự án và đôn đốc thu nợ đọng tiền sử dụng đất, rà soát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch về tăng cường quản lý thuế, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Rà soát các nguồn thu, khoản thu còn dư địa, còn tiềm năng khai thác tăng thu để bù đắp các khoản giảm thu; rà soát tổng thể thực trạng về cơ cấu sử dụng đất ở các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhằm xác định nghĩa vụ tài chính của dự án, tuyệt đối không để thất thu ngân sách nhà nước. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa hàng hoá về làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Với chương trình du lịch mở cửa được triển khai từ 15/3, ngành du lịch đặt mục tiêu quý II/2022 có tổng lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh đạt trên 1,8 triệu lượt, do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, cần tổ chức chương trình liên kết, kích cầu hợp tác du lịch Quảng Ninh tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; tổ chức làm việc với tập đoàn kinh tế về hợp tác kích cầu du lịch Quảng Ninh, các hãng hàng không, các cơ quan đại diện ngoại giao để xây dựng chương trình tiếp thị, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các thị trường trọng điểm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...
Ngoài ra tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, nông nghiệp hữu cơ..., liên kết chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, có xác nhận. Tiếp tục duy trì hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Mở rộng thị trường, các kênh phân phối, tiếp thị sản phẩm thông qua các kênh bán hàng online (trực tuyến), thương mại điện tử, kết nối các sản phẩm của tỉnh sang các thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm thủy sản sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng những giải pháp đồng bộ, linh hoạt từ tỉnh đến cơ sở dựa trên nền tảng tiềm năng, thế mạnh, tiềm lực sẵn có, sẽ là động lực to lớn để Quảng Ninh bứt tốc phát triển trong quý II và 6 tháng đầu năm, xứng đáng là cực tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh, bền vững của khu vực phía Bắc và cả nước.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()