Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 19:05 (GMT +7)
Vướng mắc trong GPMB xây dựng CCN Vân Đồn
Thứ 4, 26/04/2023 | 08:44:13 [GMT +7] A A
Sau một năm triển khai đầu tư xây dựng, đến nay Dự án đầu tư xây dựng CCN Vân Đồn vẫn vướng mắc về mặt bằng, khiến cho chủ đầu tư chưa thể hoàn thành theo tiến độ, kế hoạch đề ra, trong bối cảnh nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị ở Vân Đồn đang phải chờ đợi để di dời theo tinh thần Nghị quyết 201/NQ-HĐND (ngày 30/7/2019) của HĐND tỉnh.
Dự án CCN Vân Đồn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 610/QĐ-UBND (ngày 9/3/2022), vị trí xây dựng tại xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn), có diện tích 52,58ha và giao cho Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng mức đầu tư 489,3 tỷ đồng.
CCN tập trung phát triển các ngành nghề sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; công nghiệp chế biến, chế tạo; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị; thu hút các cơ sở sản xuất, chế biến nông nghiệp, thuỷ sản.
Theo kế hoạch, cuối năm 2023 dự án phải hoàn thành đầu tư san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, dự án hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, khiến chậm lại theo kế hoạch của chủ đầu tư.
Dự án CCN Vân Đồn triển khai có 32 tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng GPMB. Đến nay mới có 10 trường hợp: 9 hộ dân, 1 tổ chức (UBND xã Đoàn Kết) đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, tương ứng với diện tích trên 22,4ha; số diện tích còn lại trên 30ha còn vướng mắc mặt bằng liên quan đến 22 tổ chức, cá nhân. Trong đó, đất ở 0,4ha, đất trồng cây lâu năm 1,9ha, đất trồng cây hàng năm 2,6ha, đất nuôi trồng thủy sản 3,6ha, đất rừng sản xuất 2ha, đất khác 19,5ha.
Ông Lê Thành Huyến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vân Đồn, cho biết: Trong số diện tích chưa GPMB chủ yếu liên quan đến đất quốc phòng. Số diện tích này cần phải chuyển đổi và được sự đồng ý, chấp thuận của Bộ Quốc phòng. Đến nay, các thủ tục liên quan đã được huyện trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Từ những vướng mắc về mặt bằng nên đến nay chủ đầu tư mới chỉ thực hiện san lấp và đầu tư xây dựng tại khu I, khu II, khu III của dự án; khu IV chưa thể triển khai đồng bộ theo tiến độ đề ra.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện dự án mới triển khai san lấp mặt bằng đạt 75% khối lượng đào đắp, cơ bản hoàn thành xong khu I, II, III; cơ bản thi công xong khu nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ; hạng mục đường giao thông nội bộ CCN đã thi công xong khoảng 5/7,2km, đạt gần 70% khối lượng và đang tiếp tục thi công hạng mục trạm xử lý nước thải, rãnh thoát nước mưa, phòng cháy chữa cháy, cấp nước, điện, trồng cây xanh.
Việc vướng mắc về mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng dự án CCN Vân Đồn đã khiến cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nhu cầu trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng chưa thể có địa điểm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, tiền thân là Xí nghiệp mắm Cái Rồng là một điển hình trong số đó. Công ty là một trong những đơn vị nằm trong diện phải di dời, không phù hợp quy hoạch đô thị, nên nhiều năm qua không được đầu tư nâng cấp nhà xưởng sản xuất, dẫn đến làm ăn cầm chừng.
Đặc biệt trong năm 2021 và 2022, Công ty đã có một phần diện tích bị thu hồi đất để thực hiện đầu tư tuyến đường trục chính trung tâm khu đô thị Cái Rồng, nhà xưởng gần như phá hủy hết, rất cần sớm có mặt bằng mới tại CCN Vân Đồn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước mắm ra thị trường. Bởi hiện tại, sản lượng nước mắm sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP tại Vân Đồn phụ thuộc chủ yếu vào Công ty CP Thủy sản Cái Rồng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Vân Đồn hiện có 30-40 cơ sở chế biến hàu tươi, hàng ngày những cơ sở này thải ra môi trường hàng chục tấn vỏ hàu và nước thải, ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư, môi trường nước ngầm, đang rất cần mặt bằng tại CCN Vân Đồn để đầu tư quy mô, yên tâm phát triển sản xuất bền vững.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()