Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:30 (GMT +7)
Khi quy chế dân chủ được phát huy
Thứ 4, 20/12/2023 | 12:20:40 [GMT +7] A A
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, nhất là công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc thực hiện QCDC ở xã, phường theo Pháp lệnh số 34/2007/PL -UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (số 10/2022/QH15) gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều địa phương thực hiện tốt việc niêm yết công khai nội dung, chủ trương, chính sách cũng như xây dựng được quy chế, quy định về tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
Điển hình như TP Hạ Long tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về việc đặt tên các công trình công cộng (Dự án cầu Cửa Lục 3, Bãi tắm Hòn Gai...). Huyện Ba Chẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về việc đóng góp tiền, hiện vật làm đường giao thông nông thôn, xây dựng NTM, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo ANTT tại 66 thôn, khu phố của huyện.
Huyện Bình Liêu lấy ý kiến bình xét hộ nghèo và các khoản đóng góp xây dựng đường giao thông liên thôn, trồng hoa ven đường, ngõ xóm, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ đó vận động sự tham gia tích cực của nhân dân trong hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu làm đường nội thôn, các công trình công cộng và đóng góp ý kiến vào nghị quyết HĐND xã, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại 86/86 nhà văn hóa thôn, khu của huyện Bình Liêu đều có hòm thư góp ý để người dân tham gia góp ý kiến.
TX Đông Triều giao các xã, phường rà soát lập danh sách 123.492 cử tri đại diện cho các hộ gia đình tham gia ý kiến xây dựng Đề án thành lập các phường Bình Khê, Bình Dương, Thùy An, Yên Đức và thành lập TP Đông Triều. Bà Nguyễn Thị Toan (xã Bình Khê, TX Đông Triều) cho biết: Việc lớn, việc nhỏ của địa phương đều được cấp ủy, chính quyền quan tâm phổ biến rộng rãi đến nhân dân. Bà con cũng hiểu rõ trách nhiệm của công dân, từ đó bảo nhau tích cực tham gia đóng góp vì sự phát triển của địa phương. Những chủ trương hay mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi trong phạm vi xã, người dân đều được bàn bạc, thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân...
Các chi bộ phát huy tốt vai trò của đảng viên tham gia góp ý kiến. Anh Nguyễn Mạnh Hà (khu phố 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: Những vấn đề liên quan đến khu phố đều được Chi bộ đưa ra thảo luận tại các kỳ sinh hoạt để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Việc ra nghị quyết lãnh đạo hằng tháng của Chi bộ đều được trao đổi, thống nhất trong đảng viên. Khi đưa ra họp thảo luận, những vấn đề còn vướng mắc, cần thêm ý kiến đóng góp hay công tác lãnh đạo của Chi bộ đều được đồng chí Bí thư Chi bộ gợi ý để đảng viên cho ý kiến. Những ý kiến xác đáng, phù hợp đều được tiếp thu, đưa vào nghị quyết...
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị được tăng cường; trong đó người đứng đầu nêu cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở, nêu gương của CBCCVC trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các cơ quan, đơn vị kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện QCDC; ban hành chương trình, kế hoạch, công khai các thông tin theo quy định; họp giao ban tuần, tháng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; tổ chức hội nghị CBCCVC-LĐ để công khai những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, năm và kinh phí được ngân sách nhà nước cấp phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị; quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị...
Các doanh nghiệp nhà nước quan tâm chỉ đạo triển khai một cách thống nhất, mang lại hiệu quả cao. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiêm túc thực hiện QCDC nơi làm việc, nhất là công tác phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp... Cơ bản các doanh nghiệp công khai, phổ biến nội quy, quy chế tới người lao động. Từ đó người lao động được bàn, quyết định các nội dung thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật, nghị quyết hội nghị người lao động; xây dựng, sửa chữa, bổ sung và thực hiện các quy định, quy chế của doanh nghiệp, nhất là sau khi có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Dân chủ được phát huy, tạo sức mạnh tập thể của CBCCVC-LĐ và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()