Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:24 (GMT +7)
Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số
Thứ 5, 14/12/2023 | 10:39:48 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập của nông dân. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng chuyển đổi số đang được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ bền vững cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Việt Dân là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, được TX Đông Triều lựa chọn xây dựng xã thông minh bởi Việt Dân vốn có nền tảng chuyển đổi số. Trước đó, cao điểm bùng phát dịch Covid-19, Việt Dân đã tổ chức tiêu thụ quả na trên địa bàn thông qua ứng dụng thương mại điện tử. Chính việc ứng dụng thương mại điện tử đã giúp Việt Dân vượt qua nguy cơ ứ, ế cả ngàn tấn na trên cây vào mỗi vụ cao điểm thu hoạch trong bối cảnh giãn cách xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hoá. Không chỉ vậy, xã cũng sớm xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận diện cho quả na, hình thành các vườn na, vùng na được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng, quả na được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả… Đó là những dữ liệu để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, là điều kiện của thương mại điện tử.
Để hỗ trợ người nông dân trên địa bàn sớm bắt nhịp chuyển đổi số, thời gian qua, TX Đông Triều đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các ngành, lĩnh vực và tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm, phát triển thương mại điện tử nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực OCOP lên 2 sàn thương mại điện tử của tỉnh (Posmart và Vostro) và sàn thương mại điện tử thị xã (dongtrieumart.vn).
Anh Nguyễn Văn Trường, hộ trồng na xã Việt Dân, cho biết: Tham gia vào trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn, chúng tôi được hướng dẫn, tập huấn xây dựng các gian hàng của từng hộ dân, đăng tải về chủng loại, số lượng, giá cả, cách thức liên hệ. Qua đó, giảm bớt các khâu trung gian, thuận tiện hơn, mở rộng được nhiều nguồn tiêu thụ, nên người dân chúng tôi rất phấn khởi, na bán cũng được giá hơn so với phương thức bán hàng truyền thống cho thương lái như trước kia.
Tại huyện Tiên Yên, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng được tích cực triển khai với nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Huyện đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng và mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt là trong các hoạt động xây dựng NTM; đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng; ứng dụng công nghệ, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người nông dân chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân...
Theo đại diện Hội Nông dân tỉnh, xác định việc hỗ trợ hội viên, nông dân hội nhập và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài. Do vậy, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Hội đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm…
Đặc biệt, việc tập huấn, đào tạo cho hội viên tập trung vào các kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó giúp nông dân chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội.
Ngoài ra, các cấp hội cũng tích cực hướng dẫn hội viên trong việc tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT: Hiện nay, Sở đang đặt mục tiêu phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Hiện đơn vị đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thực phẩm của TP Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN&PTNT. Thời gian tới, cùng với các sở, ngành liên quan, Sở sẽ đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, giúp người nông dân thay đổi trong tư duy sản xuất, quảng bá sản phẩm lên mạng hiệu quả và điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiến tới hội nhập quốc tế.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()