Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:39 (GMT +7)
Xã hội hóa sân khấu ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 13/06/2021 | 15:13:23 [GMT +7] A A
Những thành tựu xã hội hóa mà ngành sân khấu đạt được đã phát huy vai trò của nghệ thuật sân khấu tư nhân, năng lực sáng tạo của nghệ sĩ, phát triển được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc và đương đại.
Xã hội hóa sân khấu là một xu hướng mang tính tất yếu, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay. Xã hội hóa sân khấu trước hết là để cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội có cơ hội được tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật sân khấu theo đúng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của mình.
Trên cơ sở đó, sẽ huy động được mọi nguồn lực của cả Nhà nước, tập thể và tư nhân đầu tư cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của sân khấu. Đây là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật sân khấu ngày một hoàn thiện hơn, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn; đồng thời diễn viên cũng có thêm nhiều suất diễn, nâng cao thu nhập.
Những thành tựu xã hội hóa mà ngành sân khấu đạt được từ năm 1998 đến nay đã phát triển được các sân khấu tư nhân, phát huy được vai trò sáng tạo của nghệ sĩ, phát triển được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc và đương đại. Ở Quảng Ninh có Nhà hát múa rối MTV Hạ Long, Nhà hát múa rối Hoa Sen, Nhà hát múa rối Hoàng Gia (nay đã giải thể) và còn nhiều nhóm biểu diễn nhỏ lẻ đã từng tồn tại.
Nói đến hoạt động xã hội hóa sân khấu, đầu tiên phải kể đến các sân khấu rối nước. Ở Quảng Ninh có Nhà hát múa rối MTV Hạ Long, Nhà hát múa rối Hoa Sen, sân khấu múa rối nước ở cầu cảng Tuần Châu, sân khấu múa rối nước tại Khu du lịch làng quê Yên Đức.
Múa rối nước ở Khu du lịch làng quê Yên Đức có những nét đặc biệt riêng, dân dã hơn trong một không gian rộng rãi và thoáng mát của một làng quê yên bình mà không bị bó hẹp theo kiểu nhà hộp. Nghệ sĩ biểu diễn múa rối nước ở đây đều là bà con nông dân trong thôn được Công ty CP Du thuyền Đông Dương cho đi học về biểu diễn phục vụ du khách.
Một mô hình khác là Nhà hát ca múa nhạc đương đại JBY do nhạc sĩ Tuấn Đạt gây dựng. Với mong muốn, du khách đến Việt Nam, đến Hạ Long, không chỉ được chiêm ngưỡng thắng cảnh tươi đẹp, được tìm hiểu nền văn hoá bản địa độc đáo, mà còn được tận hưởng những không gian văn hoá đa sắc màu, Tuấn Đạt đã quyết tâm đem đến cho Nhà hát chương trình mang tên Around Vietnam rất công phu. Nhà hát ca múa nhạc đương đại JBY đã từng tạo nên sức hấp dẫn riêng và dần trở thành một sản phẩm du lịch của Hạ Long, được một số doanh nghiệp lữ hành Quảng Ninh đưa vào danh mục điểm đến trong tour du lịch Hạ Long.
Một mô hình khác cần phải kể là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long, trực thuộc Công ty Cổ phần Du lịch dịch vụ giải trí THQ. Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong ở Hạ Long trong việc kết hợp chương trình du lịch trọn gói thưởng thức nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực, để du khách không mất công di chuyển mà vẫn có được những phút giây thư giãn, thăng hoa cùng các nghệ sĩ. Việc xây dựng nhà hát cũng hướng tới mục tiêu thực hiện chủ trương xã hội hóa du lịch, các đoàn nghệ thuật; tạo thêm những sân khấu mới cho văn nghệ sĩ hoạt động.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến Ha Long By Night. Điểm đến này thừa hưởng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long với không khí trong lành, bãi biển thơ mộng. Đây là công trình giải trí được đầu tư bởi Công ty TNHH MTV Vũ Đại Dương. Ha Long By Night Cafe được thiết kế như một sân khấu ca nhạc với dàn âm thanh biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp, loại bỏ tạp âm, dội âm, cộng hưởng âm đem đến cho khán giả một âm thanh sắc nét. Đặc biệt, các buổi biểu diễn có ca sĩ khách mời ở đây đều không bán vé mà phần phụ thu được tính luôn vào đồ uống của khách.
Tuy nhiên, xã hội hoá sân khấu cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập không giải quyết được như thiếu vắng chương trình hay, mâu thuẫn nội tại giữa việc nghệ sĩ muốn cống hiến, với việc phải bán được vé, có doanh thu, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu vắng nghệ sĩ tài năng, vướng mắc trong các khâu quản lý - cấp phép biểu diễn, sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các sân khấu... Thêm vào đó, hơn 1 năm qua, do tình hình dịch Covid-19, các sân khấu này dường như không có buổi nào đỏ đèn, thậm chí phải giải thể.
Để xã hội hóa sân khấu tốt hơn nữa cần tạo một môi trường sân khấu chung cho các khuynh hướng và mô hình hoạt động, xây dựng cơ chế đặt hàng vở diễn, hỗ trợ về giá thuê địa điểm, hỗ trợ bán vé và quan tâm hơn nữa đến đời sống nghệ sĩ, diễn viên.
Huỳnh Đăng
- Hơn 50 nghệ sĩ hòa giọng trong MV "Sức mạnh Việt Nam"
- Hoa hậu Khánh Vân trải lòng những ngày đầu cách ly khi về Việt Nam
- Khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
- Bộ Văn hóa đề nghị chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực trong giới nghệ sỹ
- Ngày Xe đạp Thế giới 3/6: 'Văn hóa xe đạp' cần được khuyến khích
- Lan tỏa văn hóa truyền thống từ du lịch "Về làng"
- Lễ hội đua ngựa Bắc Hà trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
- Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi: Sẵn sàng cho mùa hè bổ ích
Liên kết website
Ý kiến ()