Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:23 (GMT +7)
Lan tỏa văn hóa truyền thống từ du lịch "Về làng"
Thứ 4, 02/06/2021 | 08:36:52 [GMT +7] A A
Vẻ đẹp và giá trị văn hóa Việt Nam kết tinh nơi những làng nghề truyền thống đã thôi thúc chàng trai sinh năm 1985 Ngô Quý Ðức sáng lập dự án "Về làng". Dự án đưa công chúng đến với không gian mộc mạc, yên bình của làng quê để từ đó thêm hiểu và yêu những dấu ấn lịch sử, văn hóa làng nghề đậm nét đã được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.
"Về làng" mới chỉ chính thức khởi động từ giữa năm 2020 nhưng đã được anh Ngô Quý Ðức ấp ủ, gây dựng trong suốt gần 15 năm qua, kể từ khi anh thành lập nhóm My Hanoi vào năm 2006 với hàng loạt dự án, hoạt động nhằm giới thiệu lịch sử, văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến; tới lúc anh trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Làng nghề Việt (thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) và đến nay là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (thuộc Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững). Ðây có thể xem là chặng đường nền móng mang đến cho anh Ngô Quý Ðức nhiều cơ hội để tới với những miền quê, tiếp xúc các nghệ nhân, người dân làng nghề để tìm hiểu vẻ đẹp, giá trị nghề truyền thống cũng như những dấu ấn lịch sử, văn hóa lưu giữ nơi đây. Trong bối cảnh diễn ra dịch Covid-19, đây càng là hướng khai thác du lịch phù hợp giúp bảo đảm an toàn phòng dịch, đồng thời cũng giúp các nghề thủ công truyền thống thoát khỏi nguy cơ mai một.
Trước đây, du lịch làng nghề thường chỉ dành cho khách nước ngoài khi tới Việt Nam, song "Về làng" mong muốn chinh phục cả những du khách trong nước thông qua cách khai thác riêng, hướng đến những làng nghề hầu như chưa có dấu ấn du lịch và tìm kiếm những khách hàng mục tiêu để tối ưu hóa khả năng trải nghiệm. Một số tua du lịch thuộc dự án khi triển khai đã nhận được những đánh giá tích cực từ du khách về tính mới mẻ, hấp dẫn của hành trình. Ấy là tua "Về làng - Sợi tơ vàng dệt xuyên thế kỷ" đưa du khách đến với làng nghề dệt lụa Nha Xá (Hà Nam) và làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (Hà Nội). Du khách được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng nghề dệt lụa và may mặc lâu đời, được trực tiếp xem những công đoạn như dệt, nhuộm và may áo dài, tham quan không gian trưng bày của làng nghề, gặp gỡ, giao lưu với nghệ nhân. Tua du lịch này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách là những người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, may mặc, có đam mê với thời trang. Ðó còn là tua "Về làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc", đưa du khách đến với làng Ðông Hồ để tìm hiểu nguồn gốc những bức tranh dân gian, trực tiếp in tranh; tham quan, tìm hiểu về những con phỗng đất - món đồ chơi thô mộc nhưng mang nặng hồn cốt dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, tua "Về làng - Rước đèn Trung thu và đón ông tiến sĩ giấy" giúp các em nhỏ được gặp những nghệ nhân vẫn đang cặm cụi ngày đêm để làm ra những món đồ chơi truyền thống, lưu giữ dấu ấn văn hóa dân tộc.
So với những tua du lịch làng nghề thông thường, các chuyến du khảo văn hóa của "Về làng" có hai điểm nhấn đó là tập trung hơn tới việc tìm hiểu về lịch sử văn hóa làng và đa dạng hóa trải nghiệm của du khách đối với các nghề truyền thống thông qua hướng dẫn của những nghệ nhân, thợ lành nghề. Vì thế, những tua du lịch "Về làng" cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về thông tin, kiến thức, câu chuyện mang đến cho du khách cũng như sự kết nối sâu sắc hơn với những người đang nắm giữ tinh hoa nghề truyền thống để thiết kế cho du khách những công đoạn trải nghiệm phù hợp, thú vị. Hiện tại, thực hiện dự án cùng anh Ngô Quý Ðức là nhóm cộng tác viên gồm nhiều người trẻ có chung tình yêu với văn hóa truyền thống; cùng với đó là sự hỗ trợ của chính những người dân ở làng nghề với ước mong được gìn giữ, lan tỏa tinh hoa văn hóa nghề truyền thống cha ông.
Theo chia sẻ của anh Ngô Quý Ðức, dự án "Về làng" sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, dự án hướng đến giới thiệu các giá trị văn hóa dân gian nghề thủ công truyền thống đến với cộng đồng thông qua hoạt động khám phá, trải nghiệm ở các làng nghề. Các tua được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng tham gia để bảo đảm hành trình khám phá, trải nghiệm được tốt nhất. Chẳng hạn, với trẻ em là những tua đến các làng làm đồ chơi truyền thống, có hoạt động gắn kết giữa bố mẹ và các con qua các hoạt động khám phá văn hóa và trải nghiệm làm sản phẩm; tua tìm hiểu về làng lụa và làng may áo dài cho phái đẹp; tua đi về làng điêu khắc, làng sản xuất vật liệu tre trúc cho những người trong ngành kiến trúc, xây dựng,… Giai đoạn hai sẽ dựa vào kết quả của giai đoạn một để đánh giá những điểm được và chưa được khi thực hiện tua ở các làng nghề, từ đó thông qua các chương trình đào tạo hay sự kết nối với các nhà đầu tư để có hướng khắc phục, bổ sung nhằm đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu cần thiết cho hoạt động du lịch, như vấn đề vệ sinh môi trường, dịch vụ ăn uống, lưu trú, sản phẩm quà tặng đặc trưng… Giai đoạn ba, sau khi có được một sản phẩm du lịch hoàn thiện, dự án sẽ kết nối với các đơn vị lữ hành để phát triển hoạt động du lịch tại làng nghề, tạo ra các giá trị cho chính làng nghề đó, tạo điều kiện để người dân quảng bá được văn hóa nghề truyền thống và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công làng nghề.
Khi thực hiện các tua du lịch "Về làng", anh Ngô Quý Ðức luôn quan tâm đến yếu tố cộng đồng dân cư ở làng nghề. Theo anh, muốn gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa làng nghề một cách bền vững, điều quan trọng là cần phải tìm cách để những người dân làng nghề có thể cùng tham gia và được chia sẻ lợi ích từ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa nơi họ sống. Ðây chính là phần hồn của các chuyến du lịch trải nghiệm "Về làng", và cũng là yếu tố giúp chàng trai luôn nặng lòng với văn hóa truyền thống tin tưởng vào sức sống cũng như sức lan tỏa của dự án du lịch ý nghĩa do anh sáng lập.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()