Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 11:52 (GMT +7)
Xài tiền dân
Thứ 3, 01/05/2007 | 06:47:22 [GMT +7] A A
Trong chuyện sản xuất bộ phim Khi nắng thu về hoàn toàn không đạt chất lượng, các nhà báo đã vạch ra nhiều điều phi lý, trong đó có một nhân tố cực kỳ quan trọng: dù ngay từ đầu đã nhận thấy kịch bản dở nhưng các nhà quản lý vẫn cứ duyệt cho làm phim để khỏi phí khoản kinh phí đã được Nhà nước cấp (!) - và để cán bộ công nhân viên có công việc mà làm (!).
Phải tiêu cho hết kinh phí được cấp, kẻo năm sau sẽ bị cắt bớt! Thực tế này diễn ra không phải ở chỉ một cơ quan. Sao tiền dân lại có thể bị "tận dụng" cho cái mục đích hết sức lạ lùng này? Số tiền 1,2 tỉ đồng làm phim đã được cấp từ các khoản thuế phải đóng của dân. Số tiền ấy lại được đem chi, nhân danh những người lao động khác, để họ cũng có công ăn việc làm! Nghe có điều gì đó hoàn toàn không thuận tai: tiền tỉ được đem xài chỉ để giải quyết nạn-thất-nghiệp-cục-bộ của một cơ quan văn hóa.
Biết dở mà vẫn cứ cố làm, cứ xài tiền dân, đó là căn bệnh trầm kha vô phương cứu chữa của rất nhiều cơ quan Nhà nước. Lấy tiền dân để xài cho một công việc mà mình biết chắc là không hề mang lại hiệu quả, đã trở thành điều bình thường mà nhiều người đã làm trong một thời gian rất dài, đến nỗi không còn ai băn khoăn thắc mắc, không còn ai thấy mình đang làm một điều sai trái cả.
Phim Khi nắng thu về này đã xài hết 1,2 tỉ, nhưng cũng đã có những phim xài tới hàng chục tỉ, và còn nhiều hoạt động khác xài gấp nhiều lần con số đó... Nếu đó là tiền lấy ra từ túi riêng của gia đình mình, liệu người ta có suy nghĩ một cách đơn giản, quyết định một cách dễ dàng để sử dụng một cách phung phí như vậy không?
Làm sao thay đổi cách làm này, thay đổi cách nhìn nhận này, thay đổi cách biện luận này, một cách thực sự? Làm sao để, khi sử dụng dù chỉ một đồng của dân, người ta cũng phải biết cân nhắc, biết xót xa như với đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt của chính mình?
Làm sao để, trong tất cả mọi trường hợp, người dân có quyền và được tạo điều kiện để kiểm tra xem đồng tiền đóng góp của mình đã được những người có trách nhiệm đem sử dụng theo cách nào? Làm sao để tập và buộc những người có quyền tiêu tiền dân thói quen biết quý từng đồng, biết suy nghĩ một cách thấu đáo, cân nhắc trong từng quyết định nhỏ, để mỗi một món tiền đem ra sử dụng phải có một lợi ích thiết thực, dù lớn hay nhỏ, cho đời sống người dân?
Chỉ khi những người tiêu tiền dân tập được thói quen văn hóa như vậy, xã hội của chúng ta mới có thể đạt tiêu chuẩn của một xã hội lành mạnh.
Liên kết website
Ý kiến ()