Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 03:33 (GMT +7)
Nỗi lo xăng, dầu tăng giá
Thứ 5, 16/06/2022 | 13:46:36 [GMT +7] A A
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu liên tục biến động theo chiều hướng tăng giá. Thực tế này đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ 1/1 đến ngày 13/6/2022, giá xăng trong nước liên tiếp tăng 11 lần và giá dầu tăng 9 lần. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, từ 30.230 đồng/lít lên 31.110 đồng/lít; xăng RON 95-III tăng 800 đồng/lít, từ 31.570 đồng/lít lên 32.270 đồng/lít; dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít, từ 26.390 đồng/lít lên 29.020 đồng/lít.
Giá xăng, dầu tăng đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, trong đó, ngành kinh doanh vận tải phải chịu ảnh hưởng rất lớn. Theo tính toán, giá xăng dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí đầu vào của ngành vận tải, nên khi giá xăng, dầu biến động tăng thì khoản chi phí này bị đội lên gấp 1,5-2 lần so với trước. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải phải cân đối chi phí, thay đổi hình thức vận tải để không mất khách hàng và bù lỗ; nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã phải nằm bãi vì không có khách, không có hàng để chạy.
Anh Vũ Công Cử, làm nghề kinh doanh vận tải chở khách, cho biết: Xăng tăng giá khiến cho việc đi lại của người dân cũng phần nào bị hạn chế, làm cho việc kinh doanh của nhà xe cũng bị ảnh hưởng. Giá cước phí di chuyển nhà xe cũng phải điều chỉnh theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, cũng không dám tăng quá cao mà phải tự chia đôi, bù lỗ giữa khách hàng và nhà xe.
Cũng theo đại diện một số hãng taxi trên địa bàn TP Hạ Long, việc xăng tăng giá ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chở khách. Bởi, chưa thể điều chỉnh giá cước tăng theo giá xăng khi giá chưa ổn định mà vẫn tiếp tục tăng. Hiện các đơn vị này vẫn phải chịu bù lỗ để duy trì hoạt động. Có những hãng taxi phải giảm bớt đầu xe để chờ ổn định giá xăng dầu.
Xăng dầu tăng giá cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Chị Lê Thị Dung, (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: Trước đây, cũng cung đường đi làm như nhau, tôi đổ 70.000 đồng xăng cho xe máy đi được một tuần, bây giờ xăng tăng giá tôi phải đổ tới hơn 100.000 đồng/tuần tiền xăng xe. Không những vậy, thời điểm này, các loại lương thực, thực phẩm, gas,.. cũng đã rục rịch tăng theo, khiến gia đình phải cân đối kỹ việc chi tiêu.
Xăng, dầu tăng giá cũng tác động tiêu cực đến hoạt động đi biển khai thác thủy sản. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong cơ cấu chi phí sản xuất của nghề khai thác hải sản gồm có các mục: Chi phí mua nhiên liệu dầu diesel, nước đá, sửa chữa ngư cụ, thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm, thuê nhân công… Giá dầu tăng, tăng thêm gánh nặng chi phí trong mỗi chuyến biển. Ngoài ra, các loại chi phí khác: Nước đá, vật tư, sửa chữa phương tiện và các nhu yếu phẩm cũng tăng khoảng 30% chi phí cho một chuyến biển, chi phí nhân công tăng 1,25% so với thời điểm này của năm trước...
Tỷ lệ chi phí dành cho việc mua dầu diesel để hoạt động đối với nhóm tàu làm nghề chài chụp kết hợp ánh sáng, nghề lưới kéo chiếm trên 65% tổng chi phí của chuyến biển, đối với nhóm nghề lưới rê và câu thì chi phí mua dầu diesel chiếm vào khoảng 50% tổng chi phí chuyến biển. Trước tác động của giá xăng dầu, nhiều tàu khai thác thủy sản đã phải nằm bờ. Nhiều tàu đang hoạt động cũng cầm chừng để duy trì bảo dưỡng máy móc và sinh hoạt hàng ngày.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay đã rà soát, đưa ra khỏi danh sách quản lý đối với 545 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên do không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm hoặc đã chuyển mục đích sử dụng. Hiện còn 7.397 tàu đang hoạt động, trong đó 4.725 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là chủ yếu hoạt động ở vùng khơi và vùng lộng. Nhiều đội tàu khai thác chịu ảnh hưởng rất lớn do phải di chuyển nhiều mà thời gian bám biển ngắn dẫn đến sản lượng khai thác không nhiều.
“Trước đây, một tháng trung bình tàu của tôi chạy được 4-5 chuyến biển khai thác thủy sản, nhưng từ đầu năm đến nay, do giá dầu tăng cao nên tàu chỉ chạy được 2 chuyến/tháng. Hơn nữa, thời điểm này là mùa các loài hải sản sinh sản nên việc khai thác cũng bị hạn chế. Tôi mong Nhà nước có những giải pháp để ổn định, trợ giá xăng, dầu và hỗ trợ người dân yên tâm khai thác, ổn định cuộc sống” - anh Nguyễn Đăng Bảy, chủ tàu QN 90575TS, chia sẻ.
Để hạn chế những tác động của giá xăng dầu đến các lĩnh vực của đời sống, tại cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng tổ chức mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT và Sở Công Thương nhanh chóng xây dựng văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ bình ổn giá xăng, đảm bảo sản xuất cho ngư dân nói riêng và người dân nói chung. Cùng với đó, các địa phương chủ động hỗ trợ trực tiếp các chủ tàu cá thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản giảm thời gian đi lại, tranh thủ hoạt động sản xuất trên biển...
Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng, giảm thời gian bán hàng theo quy định của pháp luật.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()