Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:07 (GMT +7)
Xây công viên mỏ trên Đèo Nai
Chủ nhật, 28/11/2021 | 10:28:39 [GMT +7] A A
“Khuôn viên trong mỏ” là một cái tên rất lạ đã thôi thúc chúng tôi tò mò tìm lên khai trường Công ty CP Than Đèo Nai để mục sở thị công trình này.
Xưa kia, đường lên khai trường Đèo Nai mà chúng tôi đang đi bây giờ, có những cánh rừng rậm rạp, chim muông, chồn sóc rủ nhau về. Thỉnh thoảng, thợ mỏ đi làm lại gặp nai, hoẵng xuống lưng đèo dạo chơi nên mới gọi là Đèo Nai.
Ngày nay, Than Đèo Nai là đơn vị khai thác than lộ thiên có khai trường sản xuất rộng, bãi đổ thải tiếp giáp nhiều khu vực dân cư ở TP Cẩm Phả. Trong quá trình sản xuất, Công ty xác định ưu tiên hàng đầu công tác bảo vệ môi trường, trong đó đã tập trung đầu tư nhiều công trình xử lý nước thải, dập bụi và hoàn nguyên trồng cây xanh bãi thải. Công trình “Khuôn viên trong mỏ” do Đoàn TN Công ty đảm nhận là một trong số đó.
Anh Trần Việt Anh, Bí thư Đoàn TN Công ty, người đi cùng chúng tôi, phấn khởi giới thiệu: Công trình thực hiện tại khai trường mỏ than Đèo Nai với tổng số 13 địa điểm thuộc mặt bằng các công trường, phân xưởng nằm trong khai trường mỏ. Công trình có giá trị dự toán hơn 6,1 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm nay, hiện đã hoàn thành.
"Khuôn viên trong mỏ" gồm nhiều hạng mục như: Củng cố, nâng cấp các tuyến đường, kè đá, gờ bê tông an toàn, chống sạt lở, củng cố các tuyến mương, rãnh thoát nước, trồng cây xanh, cải tạo khuôn viên, vườn hoa cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Công trình nhằm đảm bảo việc thoát nước, hạn chế trôi lấp đất đá, giảm thiểu bụi và tiếng ồn phát tán, cải thiện cảnh quan môi trường các mặt bằng sản xuất, văn phòng điều hành của các công trường, phân xưởng.
Cùng đi với chúng tôi lên mỏ Đèo Nai hôm đó, anh Vũ Hồng Hậu, Bí thư Đoàn Than Quảng Ninh, đã rất phấn khởi chúc mừng tuổi trẻ Than Đèo Nai đã hoàn thành công trình “Khuôn viên trong mỏ" với khối lượng công việc lớn, nhiều hạng mục.
Theo Bí thư Đoàn Than Quảng Ninh, công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, giữ gìn, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, thực hiện chủ trương “Đưa công viên vào trong các cơ sở sản xuất" của TKV, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Qua đó, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trong sản xuất và công tác bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đến khu vực Bến xe công nhân Phân xưởng sửa chữa ô tô, nơi mà Ban Thường vụ Đoàn Than Quảng Ninh đã tổ chức gắn biển Công trình Thanh niên cấp Đoàn Than Quảng Ninh, chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than, 12/11 (1936 – 2021) cho công trình “Khuôn viên trong mỏ".
Không chỉ riêng hệ thống khuôn viên bồn hoa ở Phân xưởng sửa chữa ô tô mà còn 12 điểm khác cũng được xây dựng công viên tiểu cảnh như tại khu vực Công trường xúc, khu vực Phân xưởng vận tải 9, khu vực rửa xe, khu vực trước gian nhà Bảo vệ và trạm y tế, khu vực kho Phân xưởng Môi trường, Trạm cân 80 tấn, Phân xưởng vận tải 8, khu vực Cụm sàng mặt bằng mức +83, Phân xưởng vận tải 4, Trung tâm điều hành sản xuất và khu vực Phân xưởng cơ điện.
Đây là công trình thể hiện sức trẻ của Than Đèo Nai và đã nhận được sự động viên của các cấp lãnh đạo. Có mặt tại buổi lễ gắn biển công trình đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty, mong muốn các chi bộ cùng với Đoàn Thanh niên công ty tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy, Nghị quyết liên tịch số 33 của Đảng ủy Tập đoàn và Đảng ủy Than Quảng Ninh và Nghị quyết 57 của Đảng ủy Công ty về công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, Đoàn Thanh niên Công ty xây dựng kế hoạch chăm sóc các hạng mục công trình để phát huy hiệu quả; tiếp tục phát huy sức trẻ đảm nhận thêm nhiều công trình hơn nữa, góp phần xây dựng Công ty ngày càng phát triển.
Không chỉ đến bây giờ mà đã từ lâu rồi, Than Đèo Nai luôn xác định “Kinh tế xanh có vai trò của bạn”, bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty luôn đặt mục tiêu phát triển sản xuất phải gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường.
Công ty đã áp dụng các biện pháp sản xuất than theo hướng thân thiện với môi trường, đồng thời, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tối đa nguyên nhiên vật liệu, hạn chế đến mức thấp nhất lượng bụi phát tán vào không khí, tích cực trồng cây xanh hoàn nguyên môi trường, làm tốt công tác đổ thải, vấn đề thoát nước mặt, bụi đối với khu dân cư, điều đó đã góp phần làm cho môi trường sản xuất tại Công ty ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.
Để sản xuất phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường không chỉ là câu khẩu hiệu mà chính là thước đo để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, là "chứng chỉ xanh" đánh giá chất lượng cho những tấn than đang được Đèo Nai đào lên từ lòng đất. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống, sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên đang công tác tại Công ty và gia đình họ, bảo vệ sức khỏe cho gần hai vạn dân đang sinh sống tại TP Cẩm Phả.
Chính vì vậy, giai đoạn 2017-2020, Công ty đã xây dựng hoàn thành tuyến kè chân bãi thải có chiều dài 207m tại bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim; thi công xây dựng tuyến đê chắn số 3 kết cấu bằng rọ đá với chiều dài 300m tại mức +200 phía bãi thải Nam Đèo Nai. Còn tại bãi thải trong Lộ Trí, Công ty đã xây dựng đập chắn đất đá khu Núi Nhện có kết cấu rọ đá để ngăn đất đá trôi lấp về phía hạ lưu suối Cầu 2. Những dự án công trình trên có vai trò phòng chống sạt lở trong mùa mưa bão, góp phần bảo vệ môi trường.
Để giảm thiểu lượng bụi phát tán ra môi trường, từ năm 2019, Than Đèo Nai đã đầu tư 5 máy phun sương cao áp tại các khu vực chế biến than và bãi đổ thải. Trong đó, 3 máy di động đặt tại bãi đổ thải Nam Khe Tam và Nam Lộ Trí, có bán kính phun xa 70m, góc quay 320 độ; 2 máy phun sương cố định đặt tại kho than mức +83m và +260m có bán kính phun xa 150m vận hành 3 ca liên tục. Tại các kho than, Công ty đều bố trí lưới chắn bụi cao từ 7-14m hạn chế bụi phát tán trong quá trình sản xuất. Dự kiến cuối năm 2021, Công ty sẽ đầu tư đưa thêm 1 máy phun sương dập bụi cao áp bán di động phun xa hơn 150m dập bụi các bãi thải lớn.
Cùng với hệ thống phun sương, Công ty còn duy trì 16 xe ô tô phun nước tại các tuyến đường vận chuyển, duy trì độ ẩm, hạn chế việc phát tán bụi. Hiện Công ty có một Phân xưởng Vận tải chuyên dụng tổ chức tưới đường dập bụi 3 ca liên tục dọc các tuyến đường vận tải trong khai trường sản xuất, các mặt bằng kho bãi có thiết bị cơ giới làm việc.
Công đoàn Công ty đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh Công ty CP Than Đèo Nai thường xuyên dọn dẹp, phát quang cảnh quan môi trường khu vực cổng ra vào khai trường, trạm bảo vệ số 1, Trục 27, những khu vực hàng ngày có trên 1.500 lượt công nhân đi qua để đến nơi làm việc và về nhà khi tan ca.
Đối với các khu vực khai thác, bãi thải đã dừng hoạt động, Công ty tiến hành trồng cây ngay để cải tạo phục hồi môi trường. Tính đến nay, Công ty đã trồng được hơn 226ha cây xanh (chủ yếu là keo và phi lao) tại các khu vực đã kết thúc đổ thải. Đến hết năm 2021, Công ty hoàn thành việc trồng hơn 40ha cây xanh tại bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim và bãi thải trong Lộ trí.
Kể từ ngày trồng cây phủ xanh toàn bộ bãi thải, mỗi năm vào mùa mưa, Công ty không phải lo điều động hàng trăm ca máy xúc, xe gạt, ôtô để nạo vét đất đá trôi, tạo sự thông thoáng dòng chảy và ổn định sườn bãi thải cũng như nguy cơ sạt lở khối lượng lớn đất đá, gây nguy hiểm cho dân cư khu vực dưới chân bãi thải như trước khi thực hiện dự án.
Cũng nhờ việc phủ xanh bãi thải, Than Đèo Nai là đơn vị có diện tích rừng lớn trong ngành Than trên địa bàn. Diện tích cây trồng tập trung có tỷ lệ sống cao và đến nay đã thành rừng khép tán. Than Đèo Nai đang rất thành công trong việc biến những bãi thải ô nhiễm ngày nào thành các cánh rừng tươi xanh của thành phố.
Cái cảnh bãi thải trơ trụi một màu đất đá vàng xám xịt ở Đèo Nai đã đi vào dĩ vãng hàng chục năm rồi. Thay vào đó, giờ đây cây đã phủ một màu xanh biếc, những dải rừng keo cao hàng chục mét, nhiều loài chim đã rủ nhau về sinh sống. Trên đường về, ngắm nhìn những vạt rừng xanh um hai bên đường, tôi mường tượng ra dáng dấp của một khu bảo tồn thiên nhiên hay khu sinh thái đang hiện hữu trên đỉnh Đèo Nai này.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()