Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:43 (GMT +7)
Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều
Thứ 6, 18/09/2015 | 05:17:10 [GMT +7] A A
Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, nếu như trước đây, chuẩn nghèo được xác định dựa theo thu nhập thì nay (cụ thể là từ năm 2015) chuẩn nghèo mới sẽ là đa chiều bởi có thêm 10 chỉ số đo lường mức thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
10 chỉ số này được xây dựng rất cụ thể như sau: Trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; loại hố xí/nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Và ngưỡng thiếu hụt đa chiều được xác định là nếu các hộ gia đình thiếu nhiều hơn mức độ này thì bị coi là thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt trở lên.
Đáng chú ý, trong Đề án nói trên còn có nội dung về xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; xây dựng mức sống tối thiểu để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân, trước mắt áp dụng chuẩn nghèo chính sách để phân loại cho đối tượng nghèo, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, hộ có mức sống dưới trung bình được chỉ rất rõ. Ví dụ như, hộ chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm: Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo. Thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều định kỳ, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách vĩ mô, để từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư.
Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp hơn.
Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 chính là nhằm từng bước để mọi người dân bảo đảm được mức sống tối thiểu và tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản đồng thời phù hợp với xu hướng chung của quốc tế, có thể so sánh được với quốc tế và khu vực. Chuẩn nghèo mới sẽ không chỉ tác động đến người nghèo mà sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, khu vực. Đây sẽ là một “bước ngoặt” lớn trong việc thay đổi chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Lê[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()