Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 10:09 (GMT +7)
Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Thứ 5, 09/05/2024 | 14:20:31 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, ngành chăn nuôi của tỉnh chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp (58%) với hai vật nuôi chủ lực là lợn và gia cầm. Hết quý I/2024, tổng đàn trâu đạt 25.515 con (tăng 3,4% so với cùng kỳ, đạt gần 98% so với kế hoạch); đàn bò đạt gần 30.000 con (tăng 3,3% so với cùng kỳ, tăng 4,4% so với kế hoạch), đàn lợn đạt trên 271.000 con (tăng 1,2% so với cùng kỳ, đạt 91% so với kế hoạch); đàn gia cầm đạt trên 5 triệu con (tăng 8,8% so với cùng kỳ, tăng 13% so với kế hoạch). Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 24.000 tấn (tăng 3,2% so với cùng kỳ, tăng 0,5% so với kế hoạch quý I/2024).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ngành chăn nuôi vẫn chưa có sản phẩm nào được xuất khẩu. Nguyên nhân là do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung còn phổ biến. Trong gần 40.000 hộ chăn nuôi thì có tới trên 90% là chăn nuôi nhỏ lẻ; hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ. Các cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường trong chăn nuôi...
Do đó, số cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh còn khá thấp, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, cơ sở sản xuất giống. Tính đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Còn trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) mới thực hiện thẩm định và cấp giấp chứng nhận được một vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh cúm gia cầm tại xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà). Trong quý I/2024, Chi cục hoàn thành việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật cho Công ty TNHH Việt Úc.
Không riêng tỉnh Quảng Ninh mà trên cả nước hiện cũng có khá ít những cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được cấp giấy chứng nhận, dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ, giá bán động vật, sản phẩm động vật trong nước còn ở mức thấp, người chăn nuôi đối diện với nhiều khó khăn, thách thức
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, nâng cao giá trị gia tăng, tháng 9/2023, Bộ NN&PTNT và Chính quyền Nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp”, tiếp đó tháng 12/2023, Bộ đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký “Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vắc-xin”.
Để triển khai kịp thời các bản ghi nhớ và xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh, quý I/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức họp với các địa phương để thống nhất lựa chọn, đăng ký xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc. Trước mắt, đăng ký xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho Công ty TNHH Phú Lâm (cơ sở chăn nuôi bò lớn nhất toàn tỉnh với trên 2.000 con bò nuôi thịt) và Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh (cơ sở có tổng đàn lợn 48.000 con và 126.000 con gia cầm). Đây đều là những cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn Global G.A.P (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững). Các đơn vị này đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu cách ly, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu xử lý chất thải được đầu tư các bể chứa và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Ngày 16/4/2024, đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành khảo sát thực tế tại 2 cơ sở nói trên và đều đánh giá cao việc các công ty đầu tư công nghệ để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Hiện Chi cục đang phối hợp chặt chẽ với 2 công ty để hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng hồ sơ đăng ký cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời triển khai Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 4/12/2023 của UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng 15 vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp xã. Ngoài ra, qua khảo sát, đánh giá, Chi cục nhận thấy có rất nhiều cơ sở chăn nuôi lớn hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Khi đảm bảo an toàn dịch bệnh, chi phí chăn nuôi sẽ thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, không phải tốn nhiều chi phí phát sinh để phòng bệnh, chữa bệnh cho vật nuôi, để tiêu hủy…. Tuy nhiên, ban đầu để hình thành nên vùng an toàn dịch bệnh sẽ khá khó khăn và cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, kết nối những cơ sở này với nhau vào trong một sân chơi, tuân thủ chung quy định.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()