Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 11:35 (GMT +7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
Thứ 6, 23/08/2024 | 08:14:03 [GMT +7] A A
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là giải pháp hàng đầu để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác này.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số tiếp tục là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất đạo đức, có năng lực tổ chức và thực hiện giải quyết tốt các yêu cầu chức danh và vị trí việc làm, các vấn đề trong thực tiễn đặt ra.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU (ngày 10/4/2023) về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2023-2025; lãnh đạo, chỉ đạo phân công các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án, quy chế về tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC của tỉnh trên cơ sở bám sát quy định của trung ương, của tỉnh và nhu cầu của các cơ quan, đơn vị. Trong đó tập trung mở các lớp đào tạo lý luận chính trị; bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ một số lĩnh vực tỉnh cần…
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã mở 933 lớp đào tạo, bồi dưỡng; trong đó có 41 lớp đào tạo lý luận chính trị (3,4%), 892 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (95,6%). Tổng số 92.000 lượt CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (cử đi đào tạo là 5.692 lượt; cử đi bồi dưỡng trên 86.400 lượt); trong đó trên 5.400 lượt CBCC cấp tỉnh, gần 41.000 lượt CBCC cấp huyện, 46.000 lượt CBCC cấp xã.
Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của CBCC và hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị cho gần 5.700 lượt CBCC, chiếm 6,2%; bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng cho khoảng 24.500 lượt, chiếm 26,6%; bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn thể chính trị cho 24.200 lượt, chiếm 26,3%; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước cho trên 1.000 lượt, chiếm 1,1%; bồi dưỡng ngoại ngữ cho gần 600 lượt; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho trên 21.300 lượt, chiếm 23,2%; bồi dưỡng quốc phòng an ninh cho gần 14.700 lượt, chiếm 15,95%.
Chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được đổi mới và nâng lên. Các trường đã kết hợp giữa học tập với khảo sát thực tế, bổ sung kiến thức mới, nội dung giảng dạy, học tập đảm bảo khoa học, hợp lý. Đặc biệt là mời các giảng viên, báo cáo viên là giáo sư, tiến sĩ, giảng viên cao cấp thuộc các trường đại học, các học viện uy tín và các đồng chí lãnh đạo tỉnh để trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học viên; giảng viên là người nước ngoài đối với lĩnh vực du lịch, kinh tế biển được thực hiện thường xuyên hơn. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá quá trình học tập của học viên được tăng cường theo quy chế đánh giá của tỉnh, của Trung ương.
Tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các quy định của trung ương, của tỉnh và thẩm quyền thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, nền nếp. Cùng với đó, quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đồng bộ, hiện đại phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; chế độ, chính sách đối với các giảng viên, báo cáo viên thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ, động viên các giảng viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ, hoạt động nghề nghiệp. Đội ngũ CBCCVC từng bước chuẩn hóa trình độ. 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trình độ trung cấp lí luận chính trị trở lên; 100% CBCC là lãnh đạo, quản lý và nguồn quy hoạch có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, đạt tiêu chuẩn theo quy định đối với từng loại chức danh, từng ngạch, và từng chức danh nghề nghiệp.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, những cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng đã được nâng cao về trình độ lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; có khả năng tiếp thu và vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế từng bước được nâng lên. Qua thực tiễn, những cán bộ có năng lực, tâm huyết, được đào tạo, bồi dưỡng đã giúp đưa chất lượng, hiệu quả, xử lý, giải quyết công việc cao hơn.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()