Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:26 (GMT +7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Thứ 5, 08/08/2024 | 05:29:07 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 177 xã, phường, thị trấn; trong đó có 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi. Để thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự… vùng DTTS trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS.
Trước hết, để tạo nguồn đội ngũ cán bộ người DTTS, tỉnh chú trọng công tác giáo dục, đào tạo ở vùng này. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, UBND tỉnh còn ban hành quyết định phê duyệt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2023, trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tích hợp Đề án phát triển trường PTDT nội trú chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định các nhiệm vụ tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Chú trọng thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%, đến năm 2030 đạt 50%.
Đến nay, cả 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi đều đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học mức độ 3. 100% học sinh vùng đồng bào DTTS được tư vấn, định hướng nghề nghiệp trước các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ học sinh sau THCS được phân luồng vừa học nghề vừa học văn hóa đạt khoảng 25%.
Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện chính sách ưu tiên người DTTS dự tuyển vào công chức hoặc viên chức công tác ở vùng DTTS, như: Miễn phần thi ngoại ngữ (vòng 1) kỳ thi tuyển chính sách; cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2 kỳ thi tuyển hoặc xét tuyển.
Hằng năm, tỉnh còn quan tâm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC là người DTTS. Nhiều nhất là năm 2021, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt CBCCVC người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành...
Tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, nghị định của Trung ương về phát triển nguồn nhân lực các DTTS, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 142 CBCC người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, tỉnh, chiếm 6,58% tổng số CBCC cấp huyện, tỉnh; có 610 CBCC người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã, chiếm 17,5% tổng số CBCC cấp xã. Số viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan, đơn vị sự nghiệp là 2.947 người, chiếm 10,9% tổng số viên chức toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với CBCCVC giai đoạn 2018-2025. Từ năm 2019 đến hết năm 2023, tỉnh đã tổ chức 11 lớp bồi dưỡng cho 570 lượt CBCCVC người DTTS trên địa bàn tỉnh.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Học viện Dân tộc tổ chức 8 lớp bồi dưỡng đối tượng 4, với 230 học viên, tổ chức 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng viên, báo cáo viên giảng dạy kiến thức dân tộc cho 60 học viên; phối hợp cùng Trường Đại học Hạ Long ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với CBCCVC Quảng Ninh năm 2023, qua đó các địa phương đã đăng ký bồi dưỡng cho 453 học viên.
Từ năm 2021 đến nay, các ngành, đơn vị, địa phương cũng chủ động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 881 lượt người thuộc vùng DTTS, miền núi, hải đảo. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức 4 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 4 với hơn 300 học viên là các chiến sĩ, sĩ quan LLVT công tác trên địa bàn vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Đối với ngành y tế, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, tỉnh đã chỉ đạo cử cán bộ, nhân viên y tế (điều dưỡng, kỹ thuật y, hộ sinh...) đi đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng, đại học để chuẩn hóa trình độ theo quy định của Bộ Y tế. Từ năm 2021 đến nay, ngành đã cử 415 người đi đào tạo đại học và sau đại học, trong đó có một số người thuộc các xã vùng DTTS, miền núi, hải đảo. Ngành tiếp tục nghiên cứu, dự thảo Đề án thu hút bác sĩ về làm việc tại tỉnh, đặc biệt chú trọng thu hút bác sĩ về công tác ở vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Bên cạnh đó, tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng khuyến khích đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố, người có uy tín vùng DTTS thông qua việc thăm hỏi, hỗ trợ, tuyên dương...
Sự chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ vùng DTTS góp phần tạo sự đoàn kết, bảo vệ trật tự an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; góp phần đưa kinh tế - xã hội vùng DTTS ngày càng phát triển.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()