Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:01 (GMT +7)
Xây dựng đời sống văn hóa ở xã Đồn Đạc
Chủ nhật, 18/12/2022 | 12:36:03 [GMT +7] A A
Đồn Đạc là xã đông đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Chẽ, trong đó người Dao đông nhất, chiếm 72%. Bà con ở Đồn Đạc không chỉ giữ gìn mà còn biết phát huy tốt những nét văn hoá truyền thống của cha ông.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, cho biết: Bà con ở xã bây giờ rất quan tâm tới việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình, ai cũng có ý thức và coi đó là niềm tự hào. Như Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc vừa qua, tổ chức ở thôn nào là gần như cả thôn ấy mặc sắc phục dân tộc mình đến dự. Buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri vừa qua tại xã, bà con các thôn cũng đều mặc sắc phục dân tộc mình đi đón và nghe đại biểu Quốc hội nói chuyện.
Xã Đồn Đạc đã thành lập CLB Văn nghệ và gìn giữ nét đẹp trang phục Dao Thanh Phán huyện Ba Chẽ từ năm 2019, có 23 thành viên đại diện cho người Dao toàn huyện và hoạt động chính tại Nhà văn hóa thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên lớn tuổi hoặc am hiểu nhiều văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Phán truyền dạy cho những thành viên khác về truyền thống này. Chị Triệu Kim Thành, Chủ nhiệm CLB, cho hay: “Bà con rất ủng hộ hoạt động của CLB. Ban đầu, chúng tôi đề ra kế hoạch chỉ hoạt động 1 lần/tuần, thế nhưng bà con hưởng ứng nhiệt tình quá nên có tuần chúng tôi hoạt động suốt. Bà con đến đây học hát, học thêu thùa mà nhiều người còn coi đây là nơi vui chơi, gặp gỡ, trò chuyện hàng ngày.
Trong CLB có ông Triệu Thanh Xuân, thôn Nà Bắp được nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2019, sau khi CLB thành lập được 2 tháng. Ông Xuân là thầy giáo trực tiếp dạy hát Páo dung trong CLB. Ông còn là người có công lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của người Dao Thanh Phán. Ông Xuân đã học được nghề bốc thuốc Nam gia truyền, chữ Nôm Dao, học hát Páo dung, lễ cấp sắc từ ông bà nội và các cụ cao niên trong thôn, xã. Ông Xuân có tất cả các bộ sách chữ Nôm Dao Thanh Phán và các đồ vật như trống, chiêng, tranh, kèn chuông... để phục vụ lễ cấp sắc. Ông đã sưu tầm và soạn dịch lời Việt nhiều bài hát Páo dung để phục vụ việc truyền dạy, ông còn tự sáng tác hàng chục bài hát đối phục vụ cho các lễ cưới, lễ cấp sắc.
Đến nay, ông Xuân đã truyền dạy cách viết chữ Nôm Dao, hát Páo dung, dạy cách làm lễ cấp sắc cho hàng trăm người, chủ yếu cho người ở các thôn của xã Đồn Đạc và huyện Ba Chẽ. Học trò ông có cả người đến từ huyện Hoành Bồ và TP Cẩm Phả. Nguyện vọng của ông chỉ muốn truyền cho nhiều người, cho con cháu những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc, vì càng nhiều người biết thì việc bảo tồn càng có hiệu quả.
Năm 2020, xã Đồn Đạc lại có thêm CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán, gồm 14 thành viên. Nhiều thành viên của CLB đã cất công lên tận tỉnh Hà Giang để học lại nghi lễ nhảy lửa và các điệu múa rùa, múa vật chày về phát triển ở huyện và để truyền lại cho con cháu mai sau. Từ năm 2020 đến nay, các nghi lễ nhảy lửa, múa rùa và múa vật chày giống như linh hồn của các lễ hội ở Ba Chẽ, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách và nhân dân về tham gia lễ hội.
Đồn Đạc là một trong những xã đi đầu trong việc xây dựng các tuyến đường hoa. Các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã đã phát động trồng cây trên các trục đường xã, các nhà văn hóa tổng số trên 1.000 cây, trồng hoa ven đường trên 4km, gồm hoa chuỗi ngọc, hoa hồng, hoa chiều tím là các giống hoa thích hợp với thổ nhưỡng địa phương. Con đường hoa rực rỡ sắc màu đã thay thế cho nhiều con đường đầy cỏ dại năm xưa. Hoa ngày càng xanh tốt hơn từ bàn tay chăm sóc của bà con, từ đó cũng nâng cao rõ rệt ý thức về bảo vệ môi trường của người dân, họ phấn khởi hơn khi tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” hay thực hiện nếp sống gọn gàng, văn minh ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()