Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:08 (GMT +7)
Xây dựng đời sống văn hóa ở xã Hà Lâu
Chủ nhật, 25/12/2022 | 11:43:05 [GMT +7] A A
Hà Lâu có 99% dân tộc thiểu số và một thời từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên. Tuy nhiên, ngay khi cuộc sống còn khó khăn nhất, người dân Hà Lâu cũng đã biết giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc mình.
Người Dao ở Hà Lâu là dân tộc đông nhất chiếm 70% toàn xã. Từ bao đời nay, bà con người Dao ở Hà Lâu từ thế hệ này đến thế hệ khác vẫn giữ được các giá trị truyền thống của cha ông họ từ hàng trăm năm qua như lễ cấp sắc, đám cưới mang tính đặc thù, sử dụng ngôn ngữ hàng ngày bằng tiếng Dao và tiếng phổ thông...
Thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu có 100% dân cư là người dân tộc Dao. Bà con trong thôn đều sống bằng nghề làm rừng, ruộng. Những khi nghỉ ngơi, các mẹ, các chị lại ngồi thêu thổ cẩm, dệt những tấm thắt lưng đặc trưng của người Dao. Những đứa trẻ khi đến tuổi trưởng thành trong thôn được làm Lễ cấp sắc, là nghi lễ bắt buộc với người đàn ông khi trưởng thành. Anh Sằn Chi Nàm, Bí thư, Trưởng thôn Khe Lẹ, cho hay: Bà con trong thôn vẫn duy trì lối sống, trang phục, đặc biệt là giữ gìn ngôn ngữ dân tộc Dao, múa hát bằng tiếng Dao. Các đám cưới Dao trong thôn đều thực hiện các nghi lễ Dao theo truyền thống.
Bao quanh khu dân cư thôn Khe Lẹ là các tuyến đường hoa, tranh tường, thôn xây dựng vườn rau hữu cơ làm mô hình vườn rau sạch mẫu của xã. Lãnh đạo huyện yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên giữ nguyên hiện trạng những cánh rừng nguyên sinh hiện có, tăng cường công tác quản lý, tập trung trồng mới các loại cây gỗ lớn. Xây dựng tạo dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp, quanh khu vực thôn Khe Lẹ, đồng nhất một số loại cây trồng, bổ sung trồng hoa, tạo đường đi cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Cầu treo qua sông ở thôn Bắc Lù là dấu ấn một thời giao thông khó khăn. Tuy khu vực cầu treo đã có cầu tràn đi lại thuận tiện, thế nhưng cầu treo vẫn được sử dụng những ngày mưa bão ngập nước. UBND xã đã giúp bà con khai thác cầu treo trở thành mô hình trải nghiệm cho du khách. Cầu được sơn mới, bà con trang trí các dây hoa sặc sỡ thêm lãng mạn. Nhiều du khách khi đến Hà Lâu thích đi trên những chiếc cầu treo lắc lẻo, từ đó phóng tầm mắt ra xa là con sông Hội Phố, nước chảy uốn quanh. Ven dòng sông là các bãi bồi về mùa đông - xuân, hoa lau nở ngập tràn, du khách có thể trải nghiệm chống mảng trên sông Hội Phố đoạn chảy qua thôn Bắc Lù, có sự tham gia của người dân địa phương và chỉ thực hiện những ngày dòng sông phẳng lặng.
Từ xa xưa, bà con Hà Lâu vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt chợ phiên. Đầu tháng 12 vừa qua, cùng với Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Dao, xã Hà Lâu còn tổ chức chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu năm 2022 nhằm phát triển chợ phiên Hà Lâu với quy mô rộng hơn và hoạt động thường xuyên hơn.
Chợ phiên không chỉ thu hút người Dao đến từ các thôn bản của Hà Lâu và các xã của huyện Tiên Yên, mà còn cả bà con các dân tộc đến từ huyện Bình Liêu và các huyện Đình Lập, Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn sang mua bán trao đổi hàng hóa. Ở đây ta có thể mua được những sản vật của núi rừng do chính người dân Hà Lâu và các vùng lân cận làm ra như mật ong rừng, bánh cốc mò, bánh lá gai, bánh chưng gù, cam quýt được trồng trên đồi…, hay gà đồi Tiên Yên vốn rất nổi tiếng. Đặc biệt trong chợ phiên Hà Lâu ta còn được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao, ngắm các cô gái Dao xúng xính trong trang phục rực rỡ, tạo nên nét đẹp không khí vui tươi cho ngày chợ. Ngày nay không chỉ phụ nữ tuổi cao, mà cả các chị em trẻ tuổi cũng rất thích mặc bộ trang phục truyền thống hàng ngày của dân tộc mình.
Ngày nay, tư tưởng các phụ huynh đã thay đổi nhiều giúp các trường học hàng năm gia tăng số học sinh giỏi. Năm học 2021-2022, Hà Lâu có 2 học sinh lớp 9 đạt giải thi cấp tỉnh, đó là giải nhì môn lịch sử và giải khuyến khích môn địa lý. Tuy con số chưa lớn nhưng đánh dấu sự chuyển biến tích cực của xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn một thời.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()