Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:22 (GMT +7)
Hạ Long: Xây dựng môi trường giáo dục thông minh
Thứ 4, 11/05/2022 | 10:12:11 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, công cụ đắc lực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng giáo dục… Hiện ngành giáo dục Hạ Long tập trung xây dựng và triển khai nhiều giải pháp xây dựng môi trường giáo dục thông minh, nhất là trong bối cảnh thành phố đang thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Với trên 2.400 học sinh, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là trường có đông học sinh thứ 2 trên địa bàn TP Hạ Long. Để đáp ứng tốt nhất công tác quản lý, từ năm học 2017-2018, nhà trường đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý giáo dục, như: SMAS quản lý cơ sở dữ liệu nhà trường (quản lý hồ sơ, tuyển sinh, đánh giá xếp loại học sinh); Temis bồi dưỡng trực tuyến, đánh giá giáo viên... Trường cũng quán triệt toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động làm quen, sử dụng thành thạo mạng xã hội, email công vụ để kịp thời nhận nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu công việc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Tháng 1/2022, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản mạnh dạn lựa chọn phần mềm Office 365 vào công tác quản trị, cũng như giảng dạy của nhà trường. Toàn bộ hồ sơ, sổ sách liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đều chuyển sang định dạng kĩ thuật số và có thể lưu trữ tài liệu trên Cloud. Sử dụng phần mềm này giúp kiểm tra, đánh giá số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai dạy học trực tuyến.
Cô Vũ Thị Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A3, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, chia sẻ: Phần mềm này đã giúp khâu quản lý của giáo viên với học sinh có nhiều thuận lợi. Thời điểm học trực tuyến, giáo viên có thể biết rõ thời gian ra, vào lớp của học sinh, thống kê được lượng tương tác của học sinh. Khi chuyển sang học trực tiếp, phần mềm giúp củng cố kiến thức cho học sinh, tạo sự phấn khởi cho học sinh khi cập nhật được điểm số, phát huy tính chủ động trong lập nhóm, trao đổi kiến thức với nhau...
Luôn đóng vai trò tiên phong, năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng là đơn vị đầu tiên trong khối tiểu học của thành phố đưa việc tuyển sinh lên mạng. Thay vì phải đến trường nộp hồ sơ, giờ phụ huynh chỉ cần lên trang web của trường (https://tieuhoctranquoctoan.edu.vn/) và thực hiện theo hướng dẫn là có thể nộp hồ sơ một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Với mục tiêu tạo ra đội ngũ giáo viên, học sinh đáp ứng được phần nào yêu cầu đòi hỏi trong việc tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành những công dân số, công dân toàn cầu trong tương lai, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hạ Long đã đưa các thiết bị thông minh vào dạy học, như: Màn hình tương tác kèm phần mềm; bảng trượt gắn tường kèm giá treo; máy tính xách tay; phần mềm quản lý phòng học... Từ những thiết bị thông minh, thay vì những bài giảng khô khan, giáo viên đã đưa những bài giảng đa phương tiện (văn bản, hình ảnh, âm thanh, đối chiếu kết quả, làm bài trực tiếp...) vào các tiết học. Đồng thời đưa một loạt phần mềm hiện đại nhất trong giáo dục vào triển khai như Violet (phần mềm soạn giáo án điện tử); ActivInspire (phần mềm soạn thảo và thiết kế bài giảng); Aicbook (sách giáo khoa điện tử)...
Học sinh khi được trực tiếp tham gia vào bài giảng, tương tác trên màn hình đa phương tiện đã hứng thú, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo qua những bài tập mở tự trình bày trên bảng. Vũ Thị Tú Uyên, học sinh lớp 9C Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long) cho biết: Với các thiết bị, phần mềm mới, chúng em là người đóng vai trò chính trong các tiết học và giáo viên chỉ là người hỗ trợ và hướng dẫn. Việc học sinh có thể tự mình điều khiển bảng điện tử để làm bài tập thực hiện, tự kiểm tra kết quả, cũng như khả năng ngôn ngữ của mình, đã giúp chúng em chủ động hơn và hứng thú hơn trong tiết học.
Có thể thấy, sau một thời gian đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đa phần cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các trường trên địa bàn TP Hạ Long đều cho rằng, chuyển đổi số giúp hoạt động học tập trở nên thú vị hơn so với cách đào tạo truyền thống. Khi xây dựng các phương pháp và công cụ mới đã giúp giáo viên khơi dậy ý thức học tập và truyền cảm hứng để các em đạt được nhiều thành tựu hơn. Đối với công tác quản trị, chuyển đổi số đã giúp nhà trường khai thác được tối đa năng lực làm việc và dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhân viên, giáo viên cũng có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác.
Những giải pháp trên đã cho thấy sự chủ động, quyết tâm cao của ngành giáo dục TP Hạ Long, đưa ngành giáo dục trở thành ngành tiên phong của thành phố trong thực hiện chuyển đổi số.
Duy Hoàng
Liên kết website
Ý kiến ()