Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:11 (GMT +7)
Xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm
Thứ 7, 14/08/2021 | 15:00:42 [GMT +7] A A
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và đồng hành cùng hội viên nông dân xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.
Mở rộng vùng sản xuất
Được sự tư vấn, hướng dẫn của HND TX Đông Triều, từ năm 2018 gia đình ông Nguyễn Xuân Long (thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX Đông Triều) đã mạnh dạn áp dụng quy trình VietGAP cho hơn 1ha trồng cây na dai. Với quy trình này, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được giảm thiểu, thay thế bằng các loại phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhờ đó, tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo vệ sức khỏe, môi trường; năng suất, giá thành sản phẩm tăng. Người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm an toàn so với phương pháp chăm sóc truyền thống trước kia. Hiện hơn 1ha trồng na theo quy trình VietGAP của gia đình ông cho sản lượng trung bình gần 16 tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Thìn, Phó Chủ tịch HND TX Đông Triều: Để nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho quả na, HND thị xã cùng cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tích cực vận động, khuyến khích, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị theo quy trình VietGAP. Điều này cũng mang lại lợi thế lớn cho thương hiệu na dai Đông Triều khi giá thành cao hơn hẳn so với cây na được trồng theo phương pháp truyền thống, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. Đến nay, toàn thị xã có khoảng 350ha (gần 1/2 diện tích na) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể.
Tại huyện Bình Liêu, cây dong riềng được đánh giá là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao, giảm nghèo hiệu quả cho nông dân địa phương. Thực hiện Đề án phát triển sản xuất của huyện, hằng năm HND huyện phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Đồng thời, hỗ trợ giống, máy móc, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích nông hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn để tạo đầu ra bền vững. Huyện đã hình thành được một số vùng trồng dong riềng với gần 120ha tại các xã Húc Động, Lục Hồn, Đồng Tâm, Vô Ngại...
Dưới sự hướng dẫn, vận động của HND các cấp, nhiều nông sản khác trong tỉnh, như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, hải sản Vân Đồn, vải Phương Nam, ổi Hoành Bồ... đã hình thành được các vùng sản xuất lớn, quy mô tập trung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với gần 5.000ha. Tiêu biểu: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX Quảng Yên; vùng trồng hoa tại TP Hạ Long; vùng chăn nuôi lợn Móng Cái; vùng nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn...
Đồng hành cùng hội viên
Để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh theo hướng an toàn, bền vững, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết để nâng cao sản phẩm; áp dụng KHCN vào quy trình chăm sóc, chế biến để nâng cao năng suất. Các cấp HND đẩy mạnh hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên.
Xác định mở rộng mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên là hướng đi hiệu quả nhằm phát triển sản phẩm chủ lực này cũng như tăng thu nhập cho nông dân, HND huyện Tiên Yên thường xuyên mở các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn cho hội viên. Ông Lý Văn Giểng, Chủ tịch HND huyện Tiên Yên, cho biết: Bên cạnh tập huấn kỹ thuật cho hội viên, HND huyện tích cực nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân" để nâng cao hiệu quả trong phát triển sản xuất; liên kết với các đơn vị sản xuất giống để cung cấp gà giống chất lượng cho các hộ nuôi. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, kết nối đầu ra bền vững cho các sản phẩm của gà Tiên Yên.
Các cấp HND duy trì kênh tạo vốn để hỗ trợ kịp thời cho hội viên phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua HND các cấp đạt trên 1.000 tỷ đồng với trên 22.600 hộ vay. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, kết hợp với quỹ hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ mở rộng phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.
Trong chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), các cấp HND đã thể hiện vai trò hướng dẫn, tư vấn xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nhiều nông sản. Qua đó, giúp các hộ sản xuất, kinh doanh khai thác được thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()