Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:07 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Thứ 7, 04/03/2023 | 06:30:47 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đang phấn đấu xây dựng khu vực nông thôn hướng tới tiêu chuẩn đô thị văn minh, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh và nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Để sớm hoàn thành mục tiêu trên, đội ngũ nông dân Quảng Ninh đã đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp, từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Nhận thấy trà hoa vàng là một loại dược liệu quý, cho sản lượng, giá bán ổn định, mang lại thu nhập cao cho người trồng, từ năm 2014 đến nay, ông Lê Mạnh Quy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa (huyện Hải Hà) đã chuyển đổi 5ha đất vườn của gia đình để trồng trà hoa vàng với số lượng hơn 10.000 cây.
Quyết tâm chinh phục loài cây quý này, ông Quy đã đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cũng như chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Nhờ đó, vườn trà hoa vàng của ông Quy sinh trưởng rất tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Với gần 80% cây trà đã cho thu hoạch, mỗi năm Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa cung ứng ra thị trường gần 1 tấn hoa khô, tương đương gần 5 tấn hoa tươi. Với giá bán bình quân khoảng 9 triệu đồng/kg hoa khô, mỗi năm doanh nghiệp này thu được hơn 7 tỷ đồng từ cây trà hoa vàng. Hiện nay, khu nhà xưởng của ông Quy luôn có 12 công nhân làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người.
Cùng với việc bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng, ông Quy còn có ý tưởng xây dựng vườn trà nhà mình và của xã Quảng Minh thành điểm du lịch tham quan. Du khách khi đến tham quan vườn trà sẽ được thưởng thức trà, đi dạo ngắm hoa, chụp ảnh kỷ niệm.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty CP Nhật Long (TP Hạ Long) là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm và các loại cá thương phẩm có quy mô lớn.
Với quyết tâm làm chủ công nghệ nuôi tôm, công ty đã đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, thiết bị và áp dụng quy trình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn vào sản xuất. Mặt khác, để bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản và phát triển bền vững, trong quá trình nuôi tôm, công ty đã sử dụng nhiều loại chế phẩm sinh học nên đã giảm thiểu được những rủi ro, nâng cao tỷ lệ sống cho tôm, dễ kiểm soát dịch bệnh.
Với diện tích nuôi trồng gần 100ha, trong đó có 20ha nuôi tôm, mỗi năm Công ty CP Nhật Long cung ứng ra thị trường từ 500 đến 650 tấn tôm, doanh thu đạt từ 70 đến 85 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động địa phương.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, mỗi năm Quảng Ninh có khoảng 60.000 hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở các cấp. Riêng năm 2022, đã có gần 50.000 hội viên nông dân đạt danh hiệu này. Ở họ đều có điểm chung là tinh thần sáng tạo, dám đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, cũng như chủ động nắm bắt các cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự đồng hành, hỗ trợ sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp cũng là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người nông dân kiên định, thành công với con đường đã chọn.
Thực tế cho thấy các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của hộ nông dân đã thúc đẩy, lan tỏa khí thế thi đua vượt khó, làm giàu của nhiều hội viên, nông dân toàn tỉnh. Từ đó, tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, là tiền đề phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các cây trồng chủ lực, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Đặc biệt, thông qua phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, người nông dân đã góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm, Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030" và gần đây nhất là Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển với những tiềm năng, lợi thế về đất đai, ngư trường rộng lớn. Với những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình sản xuất, kinh doanh cùng sự sáng tạo, cần cù, chịu khó, trong thời gian tới, nông dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục thành công trên con đường đã chọn, trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân chuyên nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()