Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:35 (GMT +7)
Xây dựng, phát triển văn hóa Quảng Ninh
Chủ nhật, 01/05/2022 | 08:20:18 [GMT +7] A A
Cùng với tập trung các giải pháp tăng trưởng KT-XH và hội nhập quốc tế, Quảng Ninh luôn chú trọng gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp, chủ động làm giàu thêm bản sắc văn hóa. Đây được coi là “sức mạnh mềm” góp phần quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh, tạo dựng môi trường xã hội văn minh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Đầu tư có trọng tâm
Văn hóa Quảng Ninh phong phú, giàu bản sắc, bởi có sự tổng hòa các phong tục, tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng, kinh nghiệm lao động của 22 dân tộc, sinh sống theo cộng đồng dân cư phân bổ khắp địa bàn rộng lớn, có cả biển đảo, núi rừng, biên giới... đồng thời, trải qua các thời kỳ văn hóa cổ, các triều đại phong kiến, kháng chiến cách mạng, sự hình thành và phát triển của ngành than và giai cấp thợ mỏ...
Nguồn vốn, tài nguyên văn hóa đã hình thành nên đặc trưng con người Quảng Ninh với những phẩm chất tốt đẹp, qua các thế hệ luôn kiên cường trước thử thách của tự nhiên, dũng cảm bảo vệ vững chắc vùng biên cương, biển đảo của Tổ quốc, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước.
Xác định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện, những năm qua Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nỗ lực trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Nổi bật phải nói tới việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (gọi tắt là Nghị quyết 11).
Từ nghị quyết này, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã có sự phối hợp, thống nhất hành động một cách quyết liệt, chặt chẽ, nhằm giữ gìn và phát huy bền vững giá trị truyền thống, đầu tư có trọng tâm để phát triển văn hóa trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Trong đó bao gồm những giải pháp rất khoa học, toàn diện trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có; chủ động khắc phục những hạn chế được nhìn nhận cụ thể như: Hiệu quả khai thác nguồn lực văn hóa chưa cao, một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một trong thế hệ trẻ, môi trường văn hóa có mặt bị ảnh hưởng do hội nhập thiếu chọn lọc, tác động đến đạo đức, lối sống con người...
Sau hơn 3 năm thực hiện, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh nhìn chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. 20/20 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã xây dựng đề án, nghị quyết riêng, nhằm đưa việc thực hiện Nghị quyết 11 thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong đó đều chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương, đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu.
Một số địa phương đã triển khai xây dựng những thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” về bản sắc văn hóa truyền thống, tiêu biểu như mô hình Trung tâm bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long), bản văn hóa dân tộc Tày xã Lục Hồn, dân tộc Sán Chay xã Húc Động (huyện Bình Liêu)... Hệ thống 613 di tích lịch sử, văn hóa, 361 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh cũng đang được quan tâm đầu tư phục dựng, bảo vệ, tôn tạo hằng năm. Trong đó có 4 di tích đặc biệt cấp Quốc gia, 54 di tích cấp Quốc gia, 6 lễ hội nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Giá trị văn hóa mới cũng được quan tâm bồi đắp thông qua việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh, Bộ tiêu chí người Quảng Ninh, những quy ước, hương ước được xây dựng tại các khu dân cư; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” với sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể... Ngành GD&ĐT cũng chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục về giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử cho học sinh các bậc học.
Quảng Ninh đã dành nguồn lực thỏa đáng, huy động các nguồn kinh phí để xây dựng nhiều thiết chế văn hóa từ cấp tỉnh tới cơ sở, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, nâng cao thể chất của người dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của các địa phương.
Những mục tiêu mới
Tháng 8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11, xác định xây dựng văn hóa tiếp tục là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tình hình mới. Đây cũng là định hướng đã nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể, tỉnh xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong 3 khâu đột phá, “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Những mục tiêu mà tỉnh đề ra trong giai đoạn mới cũng được xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lộ trình cụ thể. Bao gồm: Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; bảo vệ, tôn tạo các di tích, danh thắng lịch sử, văn hóa; khôi phục các nghề truyền thống, các di sản văn hóa của cộng đồng người DTTS đang có nguy cơ mai một...
Quảng Ninh cũng xác định phát triển văn hoá phải đồng bộ với phát triển KT-XH, bằng việc tập trung xây dựng chiến lược cụ thể về phát triển công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực điện ảnh, trình diễn nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, mỹ thuật, triển lãm, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí... Các thế mạnh về cảnh quan, lễ hội phong tục truyền thống, ẩm thực vùng miền trong tỉnh cũng được bảo tồn, phát huy, gắn với thúc đẩy ngành du lịch nhờ thế mạnh của truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Yêu cầu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền cũng được lồng ghép trong Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển để phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống.
Việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được đưa vào mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cụ thể, thông qua việc từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp, tích cực nhân lên nét đẹp văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp... với ý thức thượng tôn pháp luật, hướng đến xây dựng Quảng Ninh có nền hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()