Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 04:28 (GMT +7)
Xây dựng phim trường tại KDT Yên Tử: Khó tìm địa điểm
Thứ 3, 28/05/2013 | 07:49:30 [GMT +7] A A
Việc Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa (Hà Nội) tìm đến và đặt vấn đề đầu tư phim trường tại KDT Yên Tử (TP Uông Bí) là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy nơi này với các giá trị cả về lịch sử văn hoá và cảnh quan thiên nhiên đã bắt đầu được các nhà đầu tư ngoại tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, tìm được địa điểm phù hợp thoả mãn cả yêu cầu giữ gìn, phát huy giá trị di tích và đòi hỏi của nhà đầu tư về xây dựng phim trường tại đây quả là không dễ...
Độc đáo và... lạ
Đúng là ý tưởng đầu tư xây dựng Khu văn hoá nhà Trần kết hợp Trường quay phim lịch sử - cổ trang Việt Nam không chỉ tại Yên Tử mà ngay ở Quảng Ninh và cả Việt Nam đều rất mới lạ. Thực tế, lâu nay các nhà làm phim ở nước ta vẫn sử dụng bối cảnh thực chứ chưa dựng một phim trường quy mô để làm phim cổ trang bao giờ(!?). Lạ, lại đầu tư ở Yên Tử, một trong 3 di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh, hiện nằm trong quần thể di sản đang đề nghị lập hồ sơ công nhận là Di sản văn hoá thế giới, nên dù là “sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo” thì cũng không thiếu ý kiến lo ngại rằng dự án liệu có phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị Yên Tử.
Xây dựng phim trường phải đảm bảo góp phần tôn vinh các giá trị của Yên Tử. Trong ảnh: Vườn tháp Yên Tử. |
Tuy vậy, Quảng Ninh vẫn nồng nhiệt đón nhận dự án mới mẻ này. Sau khi nghe chủ đầu tư báo cáo ý tưởng dự án nói trên vào đầu tháng 4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao ý tưởng và đồng ý chủ trương để Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa nghiên cứu dự án này, với mục tiêu tái tạo công viên văn hoá nhà Trần, tôn vinh một triều đại phong kiến vang danh trong lịch sử Việt Nam; giáo dục, quảng bá lịch sử, văn hoá Việt Nam với du khách đến Yên Tử, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đồng thời, tạo một trường quay phim lịch sử - cổ trang Việt Nam là điểm tham quan du lịch, góp phần làm phong phú các hoạt động du lịch tại Yên Tử...
Chỉ có điều, việc tìm vị trí xây dựng phim trường là không dễ. Công ty Việt Nam Tinh Hoa rất thực tế trong việc “kén” địa điểm. Theo đó, khu đất phải có diện tích lớn, khoảng 15ha, thuận tiện về giao thông, phù hợp với quy hoạch chung của khu vực, kết nối với các cụm di tích thời Trần khác của địa phương để phát huy ý nghĩa “công viên văn hoá nhà Trần”... Đặc biệt, khu đất lựa chọn phải có cảnh quan gần gũi với thiên nhiên, xung quanh không có các công trình hiện đại (hiện tại và tương lai) như nhà cao tầng, cột điện, cột phát sóng... làm ảnh hưởng đến bối cảnh khi dựng phim cổ trang.
Vướng về địa điểm
Theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ trì tổ chức kiểm tra thực địa không chỉ tại Uông Bí mà còn mở rộng ra Quảng Yên, Đông Triều, nơi có hai KDT liên quan mật thiết tới nhà Trần ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở cả 3 địa phương đều quay lại xuất phát là địa điểm mà nhà đầu tư đề xuất ban đầu. Ở Quảng Yên cả 3 vị trí đề xuất (gồm núi Vũ Tướng và núi Na, đảo Hoàng Tân và vị trí giáp sông, gần KDT Bạch Đằng) đều khá bất cập vì diện tích nhỏ, nằm gần và sát khu dân cư hiện trạng có mật độ xây dựng cao, thậm chí có điểm thuộc đất quốc phòng. Còn tại Đông Triều, trong 3 địa điểm đề xuất (gồm tại khu vực đền An Sinh, cánh đồng trước cửa đền Sinh và khu vực giáp hồ Trại Lốc, xã An Sinh) chỉ có khu vực giáp hồ Trại Lốc là phù hợp hơn cả với vị trí đắc địa, cảnh quan đẹp với đồi núi, mặt nước... Vị trí này cũng có một số hạn chế về diện tích và không gian như xung quanh có tuyến đường dây tải điện cao thế, ảnh hưởng đến góc nhìn và góc đặt máy quay; đất hiện trạng đã giao cho người dân canh tác... Nhưng rõ ràng, những vấn đề này đều có thể giải quyết nếu có sự quyết tâm của chủ đầu tư và địa phương.
Còn tại Uông Bí, vị trí Bãi Nẫu (khoảnh 1, tiểu khu 32, xã Thượng Yên Công) xem ra vẫn được cả địa phương và nhà đầu tư “tâm đắc” hơn cả. Nguyện vọng ban đầu và cả sau này của nhà đầu tư là kiên định xây dựng công trình tại đây. Khu vực này là một thung lũng nằm biệt lập, giữa là bãi cỏ, cây bụi có diện tích lớn, được bao bọc xung quanh là rừng cây xanh, thuận lợi cho việc đầu tư phim trường; hơn nữa lại khá gần với trung tâm lễ hội Yên Tử (khoảng 700m), chỉ cách đường du lịch đi vào Yên Tử theo đường chim bay là 450m, thuận lợi cho đấu nối hạ tầng kỹ thuật và kết nối với các cụm di tích lân cận. Tuy nhiên, những hạn chế của nó cũng không ít. Thứ nhất là danh mục dự án thành phần trong quy hoạch KDT Yên Tử hiện chưa có quy hoạch phim trường. Đây cũng là đất rừng đặc dụng nằm trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh; nằm trong khu vực bảo vệ riêng biệt (khu vực II), vùng đệm bảo vệ cảnh quan và rừng quốc gia Yên Tử. Do vậy, muốn xây dựng phim trường tại đây phải được sự chấp thuận của Bộ VH,TT&DL, phải bổ sung dự án phim trường vào danh mục dự án nằm trong Đề án nói trên, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và quyết định hiện hành về bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và rừng quốc gia...
Với thực tế này, ý kiến của các đơn vị liên quan hầu hết không đồng thuận về việc xây dựng phim trường tại Bãi Nẫu (Yên Tử). Cùng với đó là ý kiến về việc xây dựng công trình tại đây chưa có đánh giá của các nhà khoa học xem có chồng chéo, lấn lướt các di tích đã có và cả việc mở rộng, phát triển Yên Tử theo đề án đã phê duyệt... Rồi sự e ngại về quy mô các công trình của dự án sẽ lấn át các chùa chiền, am tháp của Yên Tử, có tác dụng ngược trong tôn vinh Yên Tử; tổng mức đầu tư mà Tinh Hoa đề xuất thấp (150 tỷ đồng), không phù hợp với quy mô dự án v.v..
Dù vậy, một lần nữa, Quảng Ninh lại mở cửa, tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư. “Phải có giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư, cái gì chưa có cần bổ sung, cần tìm một vị trí giáp với Yên Tử chẳng hạn...” - đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tại cuộc họp triển khai quy hoạch tổng thể các KDT trọng điểm của tỉnh vào giữa tháng 5 vừa qua. Hy vọng, trong thời gian tới đây, việc tìm kiếm một vị trí thích hợp cho xây dựng phim trường tại Quảng Ninh sẽ sớm khả thi, vừa tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo không phương hại đến các giá trị của non thiêng Yên Tử.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()