Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:42 (GMT +7)
Xây dựng thể chế hành chính trong đặc khu kinh tế Vân Đồn
Thứ 6, 21/03/2014 | 08:52:58 [GMT +7] A A
Sau một thời gian dài nghiên cứu, đánh giá, đến nay, Dự thảo về hệ thống chính trị và xây dựng tổ chức chính quyền của Đặc khu kinh tế Vân Đồn đã và đang từng bước được hoàn thiện. Trên cơ sở các luận chứng, luận cứ khoa học, các cơ quan chuyên môn đã phác thảo ra một số phương án về xây dựng hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền trong Đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đi khảo sát thực địa tại khu kinh tế Vân Đồn (ngày 19-10-2013). Trong ảnh: Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ giới thiệu với đồng chí Lê Hồng Anh về dự án sân bay Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Giang |
Phương án thứ nhất là không tổ chức HĐND Đặc khu: Hệ thống chính trị có: Đảng bộ Đặc khu, cơ quan quản lý nhà nước là UBND Đặc khu, thực hiện hai cấp hành chính; MTTQ và các đoàn thể; các cơ quan nội chính, tư pháp và ngành dọc khác. Áp dụng nền hành chính thông thoáng, hiện đại; bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Nhất thể hoá chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND Đặc khu. Về tổ chức Đảng thì hoạt động và hệ thống tổ chức Đảng trong Đặc khu như quy định của điều lệ Đảng. Đảng bộ Đặc khu trực thuộc Đảng bộ tỉnh; BCH Đảng bộ Đặc khu gồm từ 15 đến 21 uỷ viên, BTV Đặc khu từ 5-7 uỷ viên; Bí thư Đặc khu uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND Đặc khu, có 2 đồng chí Phó Bí thư Đặc khu. Dưới Đảng bộ Đặc khu thành lập chi, đảng bộ ở các phường và các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Đảng bộ Đặc khu. Trong các đảng bộ cơ sở có các chi bộ trực thuộc; Bí thư Đảng uỷ phường đồng thời là Chủ tịch UBND phường. Cơ cấu BCH Đảng bộ Đặc khu gồm: UBND Đặc khu, Tổ đại biểu HĐND, một số cơ quan thuộc Đặc khu, các đoàn thể chính trị - xã hội, một số phường. Về tổ chức hành chính thì cơ quan quản lý Đặc khu kinh tế Vân Đồn là UBND Đặc khu, được tổ chức 2 cấp theo mô hình chính quyền đô thị không có HĐND. Dưới UBND Đặc khu có UBND các phường. Tổ chức lại các cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Về bộ máy hành chính của Đặc khu thì UBND Đặc khu quản lý, điều hành các mặt hoạt động của Đặc khu, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng. Cơ cấu UBND Đặc khu gồm 7 thành viên: Chủ tịch UBND Đặc khu; 2 Phó Chủ tịch UBND Đặc khu; 4 Uỷ viên UBND. Đứng đầu UBND là Chủ tịch UBND Đặc khu do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm; Phó Chủ tịch UBND Đặc khu và Chủ tịch UBND phường do Chủ tịch UBND Đặc khu bổ nhiệm. Cơ quan giúp việc cho UBND Đặc khu có nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức các cơ quan tham mưu của cấp uỷ với cơ quan chuyên môn của chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó thì UBND Đặc khu có 10 cơ quan là: Văn phòng; Ban Tổ chức và quản lý nguồn nhân lực; Ban Kinh tế tổng hợp; Ban Phát triển hạ tầng; Ban Tài nguyên - Môi trường; Ban Văn hoá và Chính sách xã hội; Ban Kiểm tra - Pháp chế; Ban Tuyên truyền - Vận động; Trung tâm dịch vụ hành chính công và Ban xúc tiến đầu tư (IPA). Trong các ban không có phòng và không còn chế độ công chức suốt đời thay vào đó là thuê chuyên gia và ký hợp đồng làm việc với công chức (trừ một số vị trí do bầu cử hoặc chỉ định) và thuê người nước ngoài làm tư vấn, quản lý điều hành trên một số lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế trên cơ sở thoả thuận mức lương và công việc được giao. Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của UBND Đặc khu cũng được xây dựng chi tiết, cụ thể.
Về chức năng, UBND Đặc khu sẽ tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển Đặc khu; tổ chức thực hiện phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, đối ngoại trên địa bàn Đặc khu; quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn Đặc khu; phối hợp với UBND các địa phương thuộc tỉnh và các cơ quan liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương; thực hiện công tác tổ chức cán bộ; cung ứng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND Đặc khu được quy định trong Luật Đặc khu kinh tế Vân Đồn và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội trên địa bàn Đặc khu.
UBND Đặc khu được giao một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trong lĩnh vực hành chính và KT-XH và được quy định trong Luật Đặc khu Kinh tế Vân Đồn, theo hướng: Thẩm quyền được Chính phủ phân cấp, giao quyền. Chính phủ rà soát để giao một số quyền cho UBND Đặc khu thực hiện. Cụ thể là, trong lĩnh vực hành chính có quyền quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND Đặc khu; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND Đặc khu; xây dựng chính sách tiền lương bổ sung theo hướng tự chủ. Được ban hành một số chính sách trên một số lĩnh vực như: Chính sách ưu đãi đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, y tế chất lượng cao và kinh tế biển; được bổ sung thêm danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, các loại hình dịch vụ đặc biệt trên địa bàn Đặc khu nhằm bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đặc khu; ban hành chính sách đối với người lao động làm việc tại Đặc khu... Cùng với đó, phương án này cũng xác định rõ nhiều chức năng, nhiệm vụ khác của Chủ tịch UBND Đặc khu kinh tế Vân Đồn về lĩnh vực hành chính, kinh tế, đầu tư phát triển, xây dựng...
Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đã xây dựng Phương án 2 cho hệ thống chính trị trong Đặc khu kinh tế Vân Đồn. Phương án này gọi là phương án so sánh (có tổ chức HĐND Khu). Về hệ thống chính trị theo phương án này có: Đảng bộ Đặc khu, HĐND Đặc khu, UBND Đặc khu kinh tế, thực hiện hai cấp hành chính; MTTQ và các đoàn thể; các cơ quan nội chính, tư pháp và ngành dọc khác. Nhất thể hoá chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND Đặc khu. Về tổ chức bộ máy chính quyền thì chính quyền Đặc khu kinh tế Vân Đồn có 2 cấp hoàn chỉnh gồm có HĐND và UBND Đặc khu. HĐND Đặc khu gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Thường trực, do nhân dân địa phương bầu ra, HĐND tỉnh phê chuẩn các đại biểu HĐND Đặc khu. Đứng đầu HĐND là Chủ tịch HĐND Đặc khu (do đồng chí Phó Bí thư Đặc khu đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ và Chủ tịch HĐND). HĐND có 2 Ban giúp việc là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. Thường trực HĐND Đặc khu gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND Đặc khu và Uỷ viên Thường trực HĐND. HĐND Đặc khu thực hiện chức năng, quyền hạn của mình theo quy định chung. Về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của UBND Đặc khu, Chủ tịch UBND Đặc khu cơ bản theo phương án 1.
Cùng với việc xây dựng 2 phương án trên về thể chế hành chính trong Đặc khu kinh tế Vân Đồn, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đã và đang tiếp tục rà soát, đánh giá, phân tích mặt mạnh, điểm yếu của từng mô hình, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành trung ương để lựa chọn, hoàn thiện phương án tối ưu nhất, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Quang Minh
Một số mục tiêu phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 * Về kinh tế - Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 12-13%/năm, giai đoạn 2011-2015 đạt 9,5-10,5%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 14-15%/năm; giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6,7%/năm. - Cơ cấu GDP năm 2015, dịch vụ chiếm 45,0-45,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 49,0-49,5%; nông nghiệp chiếm 5,0-5,5%. Năm 2020, dịch vụ chiếm 51-52%; công nghiệp và xây dựng chiếm 45-46%; nông nghiệp chiếm 3-4%; đến năm 2030, dịch vụ chiếm khoảng 51%; công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 46%; nông nghiệp chiếm khoảng 3%. - GDP bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2015 đạt 3.600 - 4.000 USD; năm 2020 đạt 8.000 - 8.500 USD; năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD. - Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân 11-12%/năm. - Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân trên 10%/năm. - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 580.000 - 600.000 tỷ đồng. * Về xã hội - Tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,11%/năm giai đoạn 2011-2015 và 0,96%/năm giai đoạn 2016-2020. - Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong lực lượng lao động đạt 73% năm 2015 và 89% năm 2020. - Tỷ lệ thất nghiệp thành thị sẽ được duy trì ở mức dưới 4,3%. - Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia mới) giảm 1,1%/năm giai đoạn 2011-2015 và 0,7%/năm giai đoạn 2016-2020. - Triển khai có trọng tâm “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới. - Tuổi thọ trung bình sẽ tăng lên 74 tuổi vào năm 2015 và 76 tuổi vào năm 2020. - Duy trì kết quả tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95% đến năm 2015 và trên 98% năm 2020. - Tỷ lệ số xã có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đạt 100% từ năm 2015; tỷ lệ người có bảo hiểm y tế đạt trên 80% năm 2015 và trên 90% đến năm 2020. - Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,5 vào năm 2015 và 12,0 năm 2020. Tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân đạt 2,2 năm 2015 và 2,5 năm 2020. - Cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH. Xây dựng nền móng cho một xã hội học tập trong tỉnh. (Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030) |
Liên kết website
Ý kiến ()