Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 23:55 (GMT +7)
Xây dựng thương hiệu cho nông sản - cách làm mới trong thương mại điện tử
Thứ 4, 11/12/2024 | 09:58:14 [GMT +7] A A
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là cách thức hiệu quả được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất làm để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Gần 10.000 sản phẩm OCOP được "lên sàn"
Khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử đã trở thành hướng đi tất yếu giúp người nông dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm bớt sự phụ thuộc vào các kênh phân phối truyền thống. Trong đó, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được ưu tiên đưa lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử nhằm tạo dựng thương hiệu nông sản gắn với địa phương.
Hiện cả nước đã có 14.085 sản phảm OCOP đạt 3 sao trở lên. Mỗi sản phẩm OCOP đều mang các giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền. Để được công nhận OCOP, sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn theo quy định. Đây chính là thế mạnh, khẳng định chất lượng vượt trội, tính tiêu biểu và mang đậm bản sắc địa phương của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm đại trà. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP thông qua sàn thương mại điện tử là một trong những hướng đi hiệu quả để nông sản của các địa phương nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng nhận diện, tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước, mở cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo thống kê, Buudien.vn (tên gọi mới của Postmart.vn) của Bưu điện Việt Nam hiện vẫn đang là sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản, đặc sản phổ biến nhất. Năm 2024, sàn Buudien.vn đã đưa khoảng 3.600 sản phẩm OCOP lên sàn, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên sàn lên gần 10.000 sản phẩm, đạt hơn 70% sản lượng OCOP quốc gia. Số giao dịch phát sinh đạt hơn 15.000 giao dịch với giá trị đạt trên 4,8 tỷ đồng.
Tận dụng lợi thế mạng lưới bưu chính trải rộng đến tận cấp xã, phường, Bưu điện Việt Nam triển khai “xuống vườn hiểu nông sản”. Từ quy trình gieo trồng, loại đất, phân bón, cách chăm sóc, thu hoạch và đặc tính của sản phẩm, nhân viên Bưu điện đều được “mắt thấy tai nghe” tại vườn, tại cơ sở sản xuất. Từ đó, không chỉ tư vấn người dân về cách thức đóng gói sao cho phù hợp nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nguyên vẹn cả về hình thức lẫn chất lượng mà còn trực tiếp hỗ trợ từng người nông dân cách thức chụp ảnh sản phẩm, đăng ký tài khoản, thiết lập gian hàng và đăng bán sản phẩm trên sàn. Quan trọng hơn cả, hiểu rõ nông sản để xây dựng câu chuyện thương hiệu cho mỗi sản phẩm và truyền tải đúng giá trị của nông sản cũng như bản sắc của địa phương.
Xây dựng các câu chuyện thương hiệu cho nông sản Việt
Tiếp nối nhưng giá trị của Postmart.vn, giữa tháng 12/2024 tới đây, Bưu điện Việt Nam sẽ chính thức đưa vào triển khai nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao - nongsan.buudien.vn. Trong đó, tập trung vào xây dựng các câu chuyện thương hiệu mang đậm giá trị bản sắc của những sản phẩm nông nghiệp.
Đơn cử, tỉnh Sóc Trăng nổi tiếng với sản phẩm Gạo thơm ST25 trứ danh, gắn liền với câu chuyện về vùng đất phù sa màu mỡ của Đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt không đâu có được. Song để làm ra hạt gạo thực sự chất lượng, những người nông dân nơi đây đã bỏ không ít công sức từ tuyển chọn giống lúa, lai tạo, ghép giống, gieo mạ, gặt, phơi, sàng sẩy,… Gạo ST25 trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, ngay cả chữ “ST” cũng là viết tắt của Sóc Trăng, giúp định vị thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhắc đến gạo ST25 là nhớ đến Sóc Trăng.
Mỗi sản phẩm nông sản trên sàn đều mang trong mình câu chuyện về nơi mà sản phẩm đó được nuôi trồng và sản xuất. Thông qua mỗi câu chuyện, người tiêu dùng không chỉ hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quy trình sản xuất mà còn kết nối họ với những giá trị “nảy sinh” từ tình cảm, tâm huyết, công sức của chính người nông dân “một nắng hai sương” tạo ra sản phẩm. Đây cũng chính là những giá trị mà nongsan.buudien.vn và Bưu điện Việt Nam đang hướng đến.
Việc nhấn mạnh đặc điểm vùng miền không chỉ tạo dựng giá trị văn hóa mà còn giúp sản phẩm ghi điểm trong lòng khách hàng. Những người tiêu dùng yêu thích sự nguyên bản, chất lượng từ thiên nhiên và quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sẽ cảm thấy tự hào khi sở hữu sản phẩm mang đậm dấu ấn của nơi sản xuất.
Một yếu tố nữa giúp tạo nên câu chuyện thương hiệu cho nông sản trên nền tảng nongsan.buudien.vn chính là làm nổi bật tính hữu hạn của sản phẩm, tức là sự khan hiếm và độc đáo của nó. Chẳng hạn, Cam Cao Phong chính vụ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Đây là thời điểm sản phẩm “đẹp nhất” cả về hình thức lẫn chất lượng và cũng mang lại giá trị cao nhất. Tính mùa vụ này vừa mang đến cho người tiêu dùng những trái cam chất lượng nhất mà còn khiến họ cảm nhận được sự đặc biệt khi có thể thưởng thức một thứ quả đặc sản vào đúng chính vụ. Tính hữu hạn này cũng giúp xây dựng một câu chuyện về sự chăm sóc tỉ mỉ trong sản xuất và sự độc đáo không thể thay thế của sản phẩm.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản trên các sàn thương mại điện tử không chỉ chú trọng vào câu chuyện sản phẩm mà còn phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố bao bì. Bao bì chính là “mặt tiền” của sản phẩm, là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm của người tiêu dùng. Trên các sàn thương mại điện tử, nơi người tiêu dùng không thể trực tiếp sờ, ngửi hay cảm nhận sản phẩm, bao bì đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng sự tin tưởng và ấn tượng ban đầu. Bao bì không chỉ cần bảo vệ sản phẩm mà còn phải truyền tải thông điệp về chất lượng và bản sắc của sản phẩm. Một bao bì đẹp mắt, sáng tạo và phù hợp sẽ tạo ra cảm giác hấp dẫn và đáng tin cậy, giúp khách hàng dễ dàng quyết định mua sản phẩm.
Theo đại diện Trung tâm Kinh doanh nông sản và thương mại điện tử, Bưu điện Việt Nam - đơn vị vận hành nền tảng nongsan.buudien.vn: Hiện nay các hộ sản xuất nông nghiệp hay các hợp tác xã dường như đang dồn sức vào nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa thực sự chú ý đến mẫu mã và bao bì sản phẩm, cũng như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Ngay cả những logo, thông tin trên bao bì cũng đơn giản, thiếu sáng tạo, chưa thực sự phù hợp. Điều này cũng sẽ khiến cho các sản phẩm mất dần ưu thế so với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập hoặc các sản phẩm của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
“Thực tế, nông sản Việt Nam rất phù hợp để làm quà biếu, tặng, đặc biệt là các sản phẩm OCOP hoặc là đặc sản vùng miền. Mỗi sản phẩm trên nongsan.buudien.vn không đơn thuần một nông sản, đặc sản OCOP, có chất lượng vượt trội mà sẽ trở thành một món quà tặng thực sự giá trị và ý nghĩa, thể hiện được tâm ý, sự trân trọng của người tặng. Bởi vậy, chúng tôi chú trọng nhiều vào khâu thiết kế bao bì. Chất lượng bao bì được tổng hòa từ nhiều yếu tố: phù hợp với đặc tính sản phẩm; đảm bảo yếu tố thẩm mỹ; an toàn trong quá trình vận chuyển. Điều này giúp gia tăng sự hiện diện của nông sản trong thị trường quà tặng, mở rộng cơ hội tiêu thụ và khai thác tối đa giá trị của nông sản” - đại diện Trung tâm cho biết thêm.
Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản qua nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là đối với những nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản như nongsan.buudien.vn không chỉ tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp mà còn mở ra những tiềm năng phát triển lâu dài. Việc tận dụng các công cụ marketing sáng tạo, kết hợp với việc xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo và ứng dụng công nghệ hiện đại, sẽ giúp nông sản Việt Nam ngày càng khẳng định thương hiệu và vươn xa hơn. Điều này giúp nâng cao giá trị sản phẩm đồng thời góp phần tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức sản xuất, tiêu thụ và phát triển ngành nông sản Việt Nam trong tương lai.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()