Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:24 (GMT +7)
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Yên: Động lực phát triển
Thứ 2, 10/05/2021 | 10:28:26 [GMT +7] A A
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, những năm qua TX Quảng Yên đã tập trung triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Mục tiêu là gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa, các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Yên với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”.
Quảng Yên xác định rõ truyền thống lịch sử - văn hóa sẵn có là một trong những thế mạnh của địa phương và cũng coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Những năm qua, thị xã chú trọng tập trung nguồn lực từng bước xây dựng, phát triển văn hóa bền vững trên địa bàn.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Quảng Yên hiện còn lưu giữ hơn 200 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có di tích lịch sử Bạch Đằng là Di tích đặc biệt Quốc gia, 38 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh. Trong các di tích đình, chùa, đền, miếu có trên 10.000 hiện vật có giá trị văn hóa. Cùng với đó là những di sản văn hóa phi vật thể mang đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Theo bà Vũ Thị Thanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã, những di sản văn hóa Quảng Yên lưu giữ được là tài sản vô giá trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giáo dục truyền thống xây dựng con người mới cũng như phát triển kinh tế du lịch địa phương. Bởi vậy, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể trên địa bàn đã được thị xã đặc biệt quan tâm.
Các lễ hội trên địa bàn TX Quảng Yên được quản lý, tổ chức đảm bảo trang trọng, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Trong ảnh: Lê hội Bạch Đằng (tháng 4/2021). Ảnh: Phan Hằng |
Gần 3 năm qua, thị xã có 20 di tích được tu bổ, nâng cấp, như: Khu trung tâm di tích lịch sử Bạch Đằng, miếu Tiên Công, đình Phong Cốc, chùa Quỳnh Biểu, Văn chỉ Khê Chanh, Nhà thờ họ Lê... với tổng kinh phí 641 tỷ đồng. Thị xã lập hồ sơ bổ sung danh mục di tích cấp tỉnh đối với Nhà máy kẽm thuộc phường Quảng Yên và lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Cụm di tích Đền Trần Hưng Đạo - Miếu Phạm Tử Nghi (xã Liên Vị). Đồng thời, lập hồ sơ đề nghị đưa lễ hội Tiên Công là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính Chiến thắng Bạch Đằng 1288 (cấp quốc gia). Bên cạnh đó, địa phương cũng tiến hành kiểm kê các di tích văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Đến nay, đã kiểm kê được 5.886 di sản văn hoá phi vật thể với 1.625 hồ sơ, và 4.214 hiện vật di sản văn hoá vật thể với 319 hồ sơ, trong đó kiểm kê được 487 cổ vật.
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội, giữ gìn các giá trị văn hóa địa phương cũng được quan tâm triển khai. 100% lễ hội đều xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Ngoài phần lễ trang trọng, phần hội có nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi truyền thống, như: Cờ người, đánh đu, tổ tôm điếm, đua thuyền chải... Các lễ hội hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hấp dẫn, đảm bảo tiêu chí về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Đến nay, hoạt động lễ hội ở Quảng Yên đã trở thành nếp sinh hoạt văn hoá lành mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá của di tích, mà còn thu hút đông đảo du khách đến với Quảng Yên tham gia lễ hội và du lịch.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh
Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, TX Quảng Yên chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có chiều sâu, thực chất. Trong đó, việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được xem là một trong những giải pháp trọng tâm, xuyên suốt.
100% xã, phường đã tổ chức họp dân để đăng ký xây dựng từ đầu năm; tổ chức đánh giá kết quả đạt được vào tháng 11 hằng năm về thực hiện phong trào đảm bảo chất lượng và ngày càng đi vào thực tế đời sống người dân. Với 5 tiêu chí của phong trào xây dựng thôn văn hóa, khu phố văn hóa đã được các xã, phường triển khai cụ thể tới từng thôn xóm, khu phố để nhân dân biết và tham gia hưởng ứng. Một số xã, phường đã tích cực triển khai xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, như: Yên Giang, Quảng Yên, Tiền An, Tân An, Yên Hải…
Người dân khu 2, phường Yên Giang, TX Quảng Yên trang trí nhà văn hóa chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. |
Đối với các cơ quan, đơn vị cũng đã từng bước xây dựng môi trường văn hóa văn minh nơi công sở, điển hình là việc ban hành quy chế dân chủ cơ sở, quy chế làm việc, quy chế tiếp công dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm; công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, giải quyết các thủ tục hành chính và đơn thư nhanh chóng, kịp thời. Trụ sở làm việc của các cơ quan đảm bảo vệ sinh, gọn gàng, ngăn nắp, khoa học; giao tiếp và ứng xử của các cán bộ, công chức, viên chức có thái độ nhã nhặn, lịch sự, không hách dịch, cửa quyền và chấp hành tốt lề lối làm việc...
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình cũng đạt được kết quả tốt. Chất lượng gia đình văn hóa hằng năm ở các xã phường được nâng lên. Nếu như năm 2000, có 17.157 gia đình văn hóa chiếm tỷ lệ 63,3% tổng số hộ của thị xã thì đến năm 2020 ước khoảng 34.962 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 92% tổng số hộ gia đình trên địa bàn.
Phải khẳng định rằng, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở TX Quảng Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực qua từng năm; góp phần làm diện mạo đời sống văn hóa địa phương có thêm nhiều khởi sắc. Đây chắc chắn sẽ là nền tảng vững, “vừa là mục tiêu, vừa là động lực” thúc đẩy nền KT-XH địa phương phát triển một cách bền vững.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()