Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 11:52 (GMT +7)
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Chủ nhật, 15/10/2023 | 10:23:51 [GMT +7] A A
Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực, sức mạnh cho sự phát triển của doanh nghiệp và đáp ứng sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, cùng với những đóng góp về mặt kinh tế, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu Quảng Ninh. Qua đó tạo nên “sức mạnh mềm” góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh tiêu biểu cả nước về mọi mặt, tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Điểm sáng ngành Than
Trải qua chặng đường 35 năm hình thành và phát triển, Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin đã trở thành một trong những đơn vị điểm sáng của ngành Than trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động. Xác định đội ngũ CBCNLĐ là vốn quý của doanh nghiệp, trong những năm qua, Công ty đã dành nhiều nguồn lực quan tâm, chăm lo, xây dựng đội ngũ công nhân mỏ trở thành tập thể đoàn kết, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần cù, trung thực, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, góp phần xây dựng nên nền tảng văn hóa, làm động lực phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin khai thác 1,4 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 1,65 triệu tấn than sạch với mức doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng, các chỉ tiêu trên đều vượt so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, sản lượng khai thác than 9 tháng năm 2023 đã bằng số thực hiện cả năm 2022.
Không chỉ Công ty CP Than Núi Béo mà các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đều tích cực thi đua trong lao động, sản xuất kinh doanh, xây dựng đơn vị trở thành doanh nghệp giỏi, doanh nghiệp văn hóa.
Đồng chí Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có trên 77.000 lao động, với khoảng 23.000 đảng viên. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là nền tảng quan trọng để ngành Than bứt phá, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Minh chứng là trong gần 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ngành Than đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2022 là năm thực hiện các chỉ tiêu như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động... tốt nhất từ trước đến nay, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, những năm qua, từ Tập đoàn, Đảng ủy Than Quảng Ninh đến các đơn vị cơ sở đã tập trung nghiên cứu, tổ chức xây dựng các nội dung và tiêu chí để phấn đấu trở thành đơn vị đạt danh hiệu “Doanh nghiệp giỏi”, “Doanh nghiệp văn hóa”. Đến nay, nhiều đơn vị đã áp dụng phương pháp quản lý mới, tiên tiến và hiện đại. Trong môi trường mỏ nhưng các đơn vị đều xây dựng nhà làm việc khang trang, phòng ban làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, người lao động có phong cách giao tiếp lịch sự, thân thiện, làm việc khoa học. Cơ quan, đơn vị có quy định về tiếp khách, hội họp, có chính sách thu hút và chăm sóc khách hàng, thu hút và bồi dưỡng nhân tài cùng các quy ước khác, tạo nên nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, trong làm việc nơi hầm lò và dưới lòng moong sâu, đó chính là văn hóa người thợ mỏ.
Đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh
Hiện nay, Quảng Ninh có trên 17.590 doanh nghiệp. Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý trực tiếp và phối hợp quản lý 265.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn.
Đồng chí Tô Xuân Thao, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: Kiên định, thống nhất với quan điểm “Văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển KT-XH, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh”, thời gian qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xác định xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần tập trung vào các nội dung: Nâng cao nhận thức sâu rộng về vai trò văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ công nhân lao động. Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp gắn với bản sắc văn hóa của tỉnh Quảng Ninh và truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của đội ngũ công nhân Vùng mỏ, làm lành mạnh đội ngũ công nhân lao động với tinh thần "thượng tôn pháp luật". Đồng thời, không ngừng chăm lo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể lực, trí lực của người lao động, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất và xây dựng văn hóa tại doanh nghiệp.
Theo đó, bám sát mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU vào chương trình công tác trọng tâm hằng năm, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại đơn vị và nguyện vọng của CNVCLĐ. Trong đó, tập trung tuyên truyền nội dung xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện; vận động, hướng dẫn CNVCLĐ thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, cơ quan, đơn vị; xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”; tham gia xây dựng, thực hiện văn hóa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như tuyên truyền phòng chống tội phạm, TNXH, ma túy, mại dâm; phòng chống HIV/AIDS... tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao gắn với đầu tư, trang sắm thiết chế văn hóa ở cơ sở phục vụ công nhân lao động. Các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức định kỳ, thường xuyên nhân dịp các ngày lễ đã tạo không khí giao lưu, đoàn kết vui tươi, sôi nổi, cổ vũ người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất.
Cùng với đó, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, doanh nghiệp văn hóa đã được UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh, tuyên dương công nhân trực tiếp có thành tích nổi bật trong lao động sản xuất; tổ chức phát động, triển khai phong trào “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa”. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 533 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu được công nhận danh hiệu “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa”, 218 công nhân tiên tiến tiêu biểu được tuyên dương cấp tỉnh; 14.827 công nhân tiên tiến tiêu biểu được các địa phương, doanh nghiệp tuyên dương, khen thưởng. Qua đó, không ngừng lan tỏa, truyền cảm hứng, khơi dậy ý chí phấn đấu, đóng góp nhiều hơn của đội ngũ người lao động vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: “Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa doanh nghiệp” Tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp đến đội ngũ người lao động về xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là nhiệm vụ cần thiết, cần được duy trì thường xuyên. Từ đây, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, hình thành cho người lao động về thực hiện văn hóa doanh nghiêp, về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống. Cùng với đó, ở góc độ doanh nghiệp cần tiếp tục làm tốt công tác quan tâm, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của người lao động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết các vấn đề từ sớm, từ xa, từ trong nội bộ từng đơn vị để mỗi người lao động thật sự coi doanh nghiệp là “ngôi nhà thứ 2” của mình. Từ đó, tăng cường đoàn kết, gắn bó, cổ vũ ý chí và khát vọng vươn lên của người lao động, chung sức, đồng lòng vì sự phát triển chung của mỗi đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. |
Bà Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc Trai Hạ Long: “Lấy chất lượng phục vụ khách hàng làm trung tâm” Trên cơ sở kế thừa công nghệ tiên tiến của các chuyên gia Nhật Bản, chúng tôi hiện là đơn vị duy nhất xây dựng thành công quy trình khép kín từ sinh sản nhân tạo con giống, nuôi trai thương phẩm, gia công chế tác và kinh doanh ngọc trai. Sản phẩm ngọc trai của Công ty trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo của Vịnh Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh, cơ sở sản xuất của chúng tôi còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm, mua sắm ngọc trai. Do đó, chúng tôi luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó lấy chất lượng phục vụ khách hàng làm trung tâm. Và để làm được điều đó, chúng tôi luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên ở tất cả các bộ phận về việc tư vấn, chăm sóc cho tới tiếp đón đảm bảo phục vụ khách hàng hài lòng từ thái độ, ứng xử đến kiến thức chuyên môn về sản phẩm. Qua đó, tạo nên một doanh nghiệp không chỉ có những sản phẩm tốt mà còn định vị giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. |
Ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp SIC: “Xây dựng theo hệ thống tiêu chí chuẩn, có chương trình cụ thể để phấn đấu thực hiện” Cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh được xây dựng kế hoạch, xác định những mục tiêu cụ thể, rõ ràng để thực hiện thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng cần được quan tâm, thực hiện bài bản như vậy. Theo tôi, các doanh nghiệp cần căn cứ theo các quy định, dựa trên các tiêu chí chuẩn của các phong trào, cuộc vận động về xây dựng doanh nghiệp giỏi, doanh nghiệp văn hóa, từ đây đề ra chương trình, giải pháp cụ thể đối với đơn vị của mình để phấn đấu thực hiện. Khác với chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh có thời hạn theo năm thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần được thực hiện lâu dài, thường xuyên, tạo thành nếp nghĩ, cách làm của mỗi doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần thường xuyên xem xét lại những điểm mạnh, điểm yếu khi đánh giá về văn hóa doanh nghiệp để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp. |
Chị Nguyễn Thị Minh Hằng, nhân viên Công ty TNHH Kiến trúc và nội thất HL Design (TP Hạ Long): “Không chỉ người đứng đầu doanh nghiệp mà tất cả người lao động đều cần tích cực tham gia” Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đều rất quan trọng nhằm góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiệm vụ đó đòi hỏi sự tham gia và đóng góp của tất cả mọi người, từ các cấp lãnh đạo, quản lý đến đội ngũ công nhân viên, người lao động. Là một nhân viên, tôi thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc góp phần xây dựng văn hóa của đơn vị. Theo tôi, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được bắt đầu từ việc mỗi người lao động tuân thủ nghiêm quy tắc và quy định công ty, làm tốt nhiệm vụ được giao, chủ động sáng tạo, đề xuất ý tưởng mới, góp phần tích cực vào kết quả sản xuất và kinh doanh chung. Cùng với đó, tích cực xây dựng tinh thần gắn bó, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc, cuộc sống... tạo nên một tập thể doanh nghiệp đoàn kết. |
Nguyễn Dung
- TP Hạ Long: Gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân
- Gặp gỡ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua địa bàn TP Móng Cái
- Đồng hành cùng doanh nghiệp
- Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng trở lại
- Hoạt động của nhiều doanh nghiệp: Ấm dần theo đơn hàng
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
- Nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
- Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Liên kết website
Ý kiến ()