Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:30 (GMT +7)
Quyết tâm về đích nông thôn mới năm 2022: Xây nền vững chắc
Thứ 4, 03/08/2022 | 10:02:21 [GMT +7] A A
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, tỉnh đã và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả chương trình. Tỉnh quyết tâm hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới nông thôn văn minh, nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có.
Cùng vào cuộc
Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy thường xuyên họp nghe và cho ý kiến chỉ đạo đối với tiến độ thực hiện chương trình gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình năm 2022, giám sát thực hiện chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo; thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND; trong đó, bổ sung danh mục đối với 3 dự án đầu tư trường THPT đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh trên địa bàn huyện Bình Liêu (2 trường) và huyện Ba Chẽ, dự kiến khởi công trong quý III/2022.
UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo, làm việc với các địa phương trong kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao cấp huyện năm 2022; đề xuất Tỉnh ủy phân công các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy chỉ đạo, đôn đốc các địa phương…
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã quan tâm bố trí ngân sách thực hiện chương trình xây dựng NTM bằng nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, tỉnh đã phân bổ 400 tỷ đồng chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, để xây dựng mới 15 công trình.
Tỉnh cũng phân bổ 500 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho 7 địa phương để đầu tư xây dựng 83 hạng mục công trình nhằm hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM: Bổ sung cơ sở vật chất Trường THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Trường THPT Quan Lạn và Trường TH&THCS xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn); hệ thống trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười, phục vụ nước sinh hoạt các xã Đồn Đạc, Nam Sơn và CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ…
Bên cạnh nguồn lực từ tỉnh; MTTQ các cấp, hội, đoàn thể đã vận động và tiếp nhận hỗ trợ xây dựng NTM từ các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân với tổng số tiền 13,1 tỷ đồng, 1.000 tấn xi măng, 24.000 viên ngói, 200.000 viên gạch...
Với quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, đến nay huyện Tiên Yên đạt 3/9 tiêu chí, 21/38 chỉ tiêu; huyện Đầm Hà đạt 5/9 tiêu chí, 27/38 chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Đối với các địa phương phấn đấu về đích NTM trong năm nay: Bình quân các xã NTM của TP Hạ Long đạt 16/19 tiêu chí, 53/57 chỉ tiêu; huyện Vân Đồn đạt 18/19 tiêu chí, 55/57 chỉ tiêu; huyện Bình Liêu đạt 14,3/19 tiêu chí, 45/50 chỉ tiêu; huyện Ba Chẽ đạt 16,14/19 tiêu chí, 51,57/57 chỉ tiêu.
Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2022.
Xây dựng NTM bền vững
Để đảm bảo hoàn thành xây dựng NTM, tỉnh yêu cầu các xã đã công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2016-2020, rà soát đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu, đảm bảo đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đối với 98 xã đạt chuẩn NTM, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 22 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến hết năm 2022 có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
TP Hạ Long, các huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao; các huyện Tiên Yên, Đầm Hà đảm bảo đúng lộ trình. Các địa phương cần tập trung đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí: Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tỷ lệ hài lòng của người dân; tỷ lệ cây xanh đô thị; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp, công khai, minh bạch, hiệu quả hoàn thành các tiêu chí xóa nhà tạm, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đầu tư hệ thống xử lý nước sinh hoạt...; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tiến độ giải ngân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
Các sở, ngành khẩn trương hoàn thiện 5 đề án: Đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025; Đề án về phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; Đề án cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Đề án khôi phục bảo tồn 4 làng dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh, trong đó có địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, đồng bộ các tiêu chí, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, khác biệt của từng vùng, địa phương.
Cụ thể, phát triển khu vực phía Tây theo hướng đô thị hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa và kiến trúc truyền thống khu vực nông thôn kết hợp du lịch nông thôn, văn hóa tâm linh; khu vực miền núi theo hướng khai thác lợi thế kinh tế rừng, kinh tế biển bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Khu vực phía Đông theo hướng kết hợp chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển, biên mậu, hình thành trung tâm logistics; khu vực biển đảo theo hướng phát triển kinh tế biển, hình thành trung tâm nuôi biển, trung tâm nghề cá lớn gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()