Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 10:21 (GMT +7)
Phấn đấu đến tháng 8/2023 xử lý dứt điểm các cơ sở không bảo đảm PCCC
Thứ 2, 11/10/2021 | 10:36:16 [GMT +7] A A
Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND "Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực". Quy định này nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Ngô Hải Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh (ảnh) về nội dung này.
- Đồng chí có thể cho biết mục đích của việc ban hành quy định này?
+ Những năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều quy định về công tác PCCC để nâng cao an toàn PCCC trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc. Bởi nhiều cơ sở đã tồn tại từ trước năm 2001, không đảm bảo yêu cầu PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ; nhưng không thể bổ sung cầu thang thoát nạn hay làm buồng thang kín do không thể thay đổi kiến trúc, kết cấu. Quỹ đất không còn để bố trí đường giao thông phục vụ chữa cháy và bảo đảm khoảng cách PCCC giữa các công trình… Do đó, cần thiết phải có các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Căn cứ các quy định của Luật PCCC, Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 630/QĐ-TTg (ngày 11/5/2020) của Thủ tướng Chính phủ, thực tiễn công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu Công an tỉnh báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý thống nhất hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và xử lý, cũng như đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc khắc phục, bảo đảm các điều kiện PCCC của công trình.
- Vậy thực trạng các cơ sở này hiện như thế nào, thưa đồng chí?
+ Hiện toàn tỉnh có 52 công trình được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực, đến thời điểm hiện tại không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC. Trong đó có 1 bệnh viện, 8 trụ sở làm việc, 6 công trình công nghiệp, 2 trường học, 17 chợ và 18 nhà nghỉ tư nhân.
Quá trình kiểm tra, rà soát cho thấy, có 2 nhóm tồn tại. Một là nhóm có thể khắc phục theo quy chuẩn hiện hành. Chúng tôi đã tổng hợp được 318 nội dung tồn tại liên quan đến hệ thống kỹ thuật của công trình (hệ thống điện, chống sét, báo cháy, chữa cháy...) có thể cải tạo khắc phục do không ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu và quy hoạch mặt bằng của công trình. Đối với nhóm này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo quy chuẩn hiện hành.
Nhóm thứ hai là nhóm tồn tại không thể khắc phục, do liên quan đến kiến trúc, kết cấu hoặc mặt bằng của công trình (một công trình có thể có nhiều tồn tại): Không bảo đảm có đường giao thông tiếp cận phục vụ chữa cháy (21 công trình); không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC (22 công trình); không bảo đảm về cầu thang thoát nạn (18 công trình). Với những tồn tại nêu trên, trong Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND đã ban hành hướng dẫn các giải pháp khắc phục. Chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để hướng dẫn các cơ sở thực hiện.
- Theo quy định này, việc xử lý các cơ sở này được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
+ Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND đã quy định rõ, trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh phải thực hiện bảo đảm an toàn PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Cơ sở không thể khắc phục được điều kiện an toàn PCCC thì phải thay đổi tính chất hoạt động phù hợp với điều kiện an toàn PCCC của công trình; trường hợp không khắc phục, không chuyển đổi tính chất sử dụng thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Với mục tiêu giảm tối đa nguy cơ, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy nổ gây ra, đơn vị đã thành lập nhiều tổ công tác, tới từng cơ sở, hướng dẫn các đơn vị khắc phục các tồn tại về PCCC, phấn đấu đến tháng 8/2023 sẽ xử lý dứt điểm, chấm dứt tình trạng các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC do hoạt động trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Từ đó, góp phần loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ, bảo vệ an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
- Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()