Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:04 (GMT +7)
Xử lý sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Thứ 6, 30/07/2021 | 08:42:07 [GMT +7] A A
Sốc phản vệ là phản ứng rất hiếm xảy ra sau khi sử dụng bất kỳ loại vắc-xin nào, kể cả vắc-xin phòng Covid-19. Các dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được cảnh báo, như: Mề đay, khó thở, tức ngực, thở rít, đau bụng hoặc nôn, tụt huyết áp, rối loạn ý thức... Điều vô cùng quan trọng là phải cấp cứu ngay, kể cả trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị phản vệ.
Chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh đúng đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thứ VII của Quảng Ninh. Tại khu vực tiêm, mọi quy định phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc; người đến tiêm được nhân viên y tế hướng dẫn, tư vấn, khám sàng lọc, kiểm tra sức khoẻ cẩn thận, chu đáo. Tại đây, các thành viên trong tổ cấp cứu xử trí những phản ứng nặng sau tiêm luôn trong tư thế sẵn sàng, cũng như chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Để công tác tiêm diễn ra khoa học, an toàn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập 40 đội tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và 10 tổ cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm. Cũng giống như các loại thuốc khác, vắc-xin phòng Covid-19 có những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm. Do đó, công tác thường trực cấp cứu sau tiêm chủng được Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và ngành Y tế tỉnh nói chung hết sức chú trọng.
Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Ngoài tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế làm công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại đơn vị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn tập huấn cho nhân viên y tế tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều lớp tập huấn được triển khai theo hình thức diễn tập với những tình huống cụ thể, nhất là đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Bệnh viện còn cung cấp số điện thoại của các bác sĩ có kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu, để người tiêm có thể gọi điện tư vấn, trao đổi về các biểu hiện sức khoẻ sau tiêm, từ đó có được những hướng dẫn và xử lý các tình huống một cách chính xác, kịp thời.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong số những người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, khoảng 30-40% có phản ứng thông thường sau tiêm, chưa gặp tình trạng người sau tiêm bị biến chứng nặng...
Từ ngày 24/3, Quảng Ninh triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi đầu tiên. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người được tiêm, các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các đơn vị liên quan, tổ chức tập huấn triển khai tiêm chủng các loại vắc-xin; rà soát, lập danh sách đối tượng cần tiêm; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất cho tiêm phòng. Đồng thời, bố trí khu vực tiêm chủng đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế... Đến nay, nhân viên y tế tham gia tiêm vắc-xin đều nắm chắc thông tin, quy định về tiêm vắc-xin phòng Covid-19; quy trình trước, trong và sau tiêm chủng, cũng như khám sàng lọc, các chỉ định tiêm vắc-xin, liều lượng, lịch tiêm, bảo quản; theo dõi, xử lý phản ứng sau tiêm...
Với hơn 500 đội tiêm và 40 tổ cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm được thành lập, ngành y tế Quảng Ninh đang tiếp tục đào tạo, tập huấn để thành lập thêm 40 đội xử lý tai biến. Mỗi đội tiêm có bác sĩ khám sàng lọc, điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, bác sĩ và điều dưỡng theo dõi sau tiêm, cùng với nhân viên hành chính. Mỗi tổ cấp cứu có 1 bác sĩ hồi sức tích cực/hồi sức cấp cứu và 2 điều dưỡng hồi sức tích cực/hồi sức cấp cứu đã được tập huấn về cấp cứu phản vệ.
Đặc biệt, mỗi tổ cấp cứu được trang bị 1 bình oxy dung tích 20 lít; 2 dây thở oxy gọng mũi; 1 bóp bóng Ambu; 1 bộ đèn đặt nội khí quản và ống nội khí quản các cỡ; 3 hộp thuốc cấp cứu phản vệ; 5 chai dịch truyền NaCl 0,9%; Adrenalin 1mg/1ml x 5 ống, để sẵn ở mỗi bàn tiêm, khi xảy ra sốc phản vệ sẽ tiến hành tiêm ngay; hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ ban hành theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế và 1 xe cứu thương vận chuyển cấp cứu.
Hiện Quảng Ninh đang trong giai đoạn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 quy mô lớn. Tính đến ngày 27/7/2021, toàn tỉnh đã tiêm cho hơn 118.000 người, trong đó có trên 111.000 người tiêm mũi 1; hơn 7.000 người tiêm đủ 2 mũi. Công tác tiêm chủng được đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Tỉnh quyết tâm triển khai tích cực các đợt tiêm với tiêu chí an toàn, nhanh chóng, hiệu quả; vắc-xin về đến đâu triển khai tiêm đến đấy. Do đó, chuẩn bị tốt về nguồn lực, nhất là thành lập các tổ cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm góp phần đảm bảo công tác thường trực cấp cứu; hỗ trợ tích cực cho các điểm tiêm chủng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()