Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:32 (GMT +7)
Xử trí khi bị say nắng ngày hè
Thứ 5, 24/06/2021 | 08:40:45 [GMT +7] A A
Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đến 40 độ như hiện nay.
Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà còn có khả năng dẫn đến đột quỵ nếu không xử trí kịp thời.
Biểu hiện say nắng nặng ngay từ đầu
Say nắng: Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.
Say nóng: Là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.
Biểu hiện khi bị say nắng, say nóng
Khi thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể làm thân nhiệt tăng cao đến 40 độ. Khi đó bệnh nhân có biểu hiện ban đầu là mặt đỏ bừng, da nóng khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói. Nặng hơn thì xuất hiện chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh.
Tình trạng này còn đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, rối loạn mỡ máu...
Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê.
Ai dễ bị say nắng say nóng?
Trẻ em hoặc người già vì khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng; Sự thiếu thích nghi với khí hậu; Tập luyện và làm việc trong môi trường nắng nóng; Mặc quần áo không phù hợp (quá dày, không thấm nước, hấp thụ nhiệt...); Không uống đủ nước, môi trường quá nóng; Đang dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi: lợi tiểu, chẹn beta, kháng cholinergic, ethanol, kháng histamin; Một số tình trạng bệnh lý, sốt, rối loạn nội tiết tố, béo phì,...
Khi bị say nắng (sốc nhiệt) cần phải làm gì?
Việc sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị và di chứng sau này.
Ngay khi thấy có một người nghi ngờ say nắng (biểu hiện đỏ da mặt, da nóng bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói) thì phải khẩn trương cấp cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh. Không dùng hạ sốt trong trường hợp này vì thuốc hạ sốt không có giá trị.
Trước tiên phải nhanh chóng đưa bệnh nhân vào trong bóng râm mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát ở vùng cổ, nách, bẹn, lau người bệnh nhân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt. Có thể dùng vòi nước mát hay chậu nước mát xối lên người, đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người sốc nhiệt do nắng nóng. Nếu bệnh nhân còn phản xạ nuốt thì cho bệnh nhân uống bù nước, lưu ý không cho uống đồ ngọt, đồ có chứa cafein, có cồn vì càng làm tăng cơn khát. Không cho bệnh nhân uống nước lạnh đồng thời gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi gặp bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, cần phải cấp cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()