Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 15:16 (GMT +7)
Xuân khơi nguồn cho sáng tác của các hoạ sĩ
Chủ nhật, 07/02/2021 | 16:48:07 [GMT +7] A A
Mùa xuân thường khơi gợi cảm xúc tươi mới với mỗi người, trong đó có các hoạ sĩ Quảng Ninh. Sáng tác của họ có lẽ chưa tạo nên hẳn một dòng tranh xuân, nhưng nhiều tác phẩm thú vị đã ra đời từ cảm hứng mùa xuân.
Tranh vẽ trâu của hoạ sĩ Nghiêm Vinh. |
Hoạ sĩ Vũ Quý, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Ninh, chia sẻ: "Mùa xuân gợi cảm xúc cho hoạ sĩ làm mới mình, nên các hoạ sĩ thường hay có các chuyến đi thực tế, có khi do Hội, Chi hội tổ chức, cũng có khi là do một số anh em tự tổ chức.
Đi thực tế, ngắm nhìn sự chuyển động của thiên nhiên, màu sắc là cái cớ thôi, quan trọng là khi ra với thiên nhiên, nó tác động vào cảm xúc rất mạnh. Vùng mà ta đi qua chưa chắc đã vẽ về nó, mà quan trọng là sự thay đổi cảm xúc trong mình, từ đó bật ra nhiều cái tứ. Ngay cả màu sắc cũng do cảm xúc, tâm trạng tác động. Mùa xuân đi thực tế, cảm xúc mạnh hơn, màu sắc cũng khác, chứ ở nhà mà bịa ra vẽ, có thể màu cũng tươi nhưng không bằng..."
Như vậy, mùa xuân thực tế chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các hoạ sĩ, dù là về đề tài hay là về hoà sắc trong tranh. Qua tìm hiểu cho thấy, tranh xuân của các hoạ sĩ Quảng Ninh thường thiên về phong cảnh nhiều hơn, gắn với những biến đổi của tự nhiên.
Một hoạ sĩ của làng tranh Yên Hưng là Đào Thế Am cũng hay vẽ đề tài mùa xuân, bộc bạch: “Mùa nào tôi vẽ hoa cỏ mùa đó, như mùa hè thì vẽ hoa sen, mùa xuân vẽ hoa đào, hoa mai, mùa thu vẽ hoa cúc… gắn với đời sống thực. Mùa xuân ánh nắng dịu nhẹ vừa phải, tiết trời ấm áp, trong lành hơn, cây cối từ mùa đông đen trụi, xám xịt giờ bắt đầu đâm chồi, nảy lộc rất tươi mới nên dễ tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ nói chung, hoạ sĩ nói riêng.
Tranh Cánh đồng hoa Quảng La (ảnh trên) và Bản Lác vào xuân (ảnh dưới) của hoạ sĩ Đào Thế Am. |
Với riêng tôi, tôi hay vẽ các loài hoa mùa xuân rồi vẽ phong cảnh các vùng dân tộc miền núi phía Bắc. Mùa xuân ở khu vực Tây Bắc rất đẹp, có hoa mơ, mận, đào nở, đặc biệt hoà quyện với phục trang rực rỡ của các dân tộc thiểu số… tạo đề tài cho các hoạ sĩ sáng tác. Tôi vẽ cả bằng chất liệu bột màu, sơn dầu rồi vẽ lụa. Gam màu trong tranh mùa xuân thường trong trẻo, tươi tắn hơn."
Cùng với cảnh sắc mùa xuân, hoạ sĩ Đào Thế Am còn vẽ về những con giống của năm. Anh cho biết, anh từng vẽ một số tranh về mèo, năm nay là năm Tân Sửu, anh đã phác thảo khoảng hơn chục bức tranh vẽ chơi về con trâu, tới đây mới hoàn thiện.
Cùng lựa chọn vẽ về những con giống của năm, hoạ sĩ Nghiêm Vinh bảo: “Đơn giản thôi, tôi không vẽ phong cảnh như thường ngày vì trời mùa xuân còn ỉu. Nhiều năm nay, cứ vào dịp cuối năm, năm con giáp nào tôi cũng vẽ, như năm ngoái vẽ chuột, năm nay vẽ trâu, thường để chơi là chính”.
Một tác phẩm tranh Tết của hoạ sĩ Nghiêm Vinh. |
Ông chia sẻ rằng, các bức vẽ con giống của mình thường gắn với cảnh sinh hoạt, vẽ theo lối tranh dân gian, vui mắt, đa số na ná tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh bờ hồ vẽ phong cảnh. Ngoài vẽ con giống ra, ông còn vẽ cuốn thư, vẽ chữ, câu đối, đại tự làm thành những bộ tranh tết… Bố cục tranh rất thoải mái, đầu tiên là vẽ chơi, sau cũng có người thích thì đặt hàng.
Có lẽ hoạ sĩ Nghiêm Vinh cũng là người vẽ tranh Tết, tranh xuân lâu năm ở Quảng Ninh, đặc biệt vẽ tranh không chỉ để chơi mà còn để kiếm tiền. Theo như ông kể thì ngày trước gia đình còn nghèo nên ông nghĩ nhiều cách kiếm tiền từ nghề vẽ của mình.
Ông nhớ lại bảo: "Xưa vẽ nhiều, cứ Tết là vẽ tranh trên giấy khổ nhỏ để bán, treo Tết, nhu cầu của người dùng ngày ấy cũng lớn, có khi vẽ không xuể, kiếm tiền tiêu Tết thoải mái từ bán tranh. Nay nhiều dòng tranh không còn thịnh hành nữa, tôi lại làm theo xu hướng bây giờ, tranh gắn với chữ, bố cục mới nhưng màu sắc, đường nét đơn giản, vẽ nét là chính chứ không cầu kỳ theo kiểu tranh nghệ thuật. Nhà cửa bây giờ đã khác xưa nên mọi người dùng tranh hiện đại nhiều, nhất là ở đô thị nên mình vẽ trang trí cho nhà chơi là chính. Vì vậy, có khi tôi vẽ khổ to, bằng cả tấm lớn, chơi Tết xong rồi bỏ, hoặc cũng có khi tranh để ở vị trí không cần thay thế thì để cả năm cũng được…"
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()