Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:57 (GMT +7)
Xuất khẩu cá tra vẫn còn khó khăn
Thứ 6, 17/12/2021 | 15:20:52 [GMT +7] A A
Mặc dù đã rất nỗ lực, song các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn, khiến xuất khẩu mặt hàng chủ lực này sang nhiều thị trường tiềm năng vẫn chưa thể phục hồi.
Thị trường ASEAN đang phục hồi
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2021, tổng trị giá XK cá tra sang thị trường ASEAN đạt 94,2 triệu USD, giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 cho tới nay, XK cá tra sang một số thị trường tiềm năng trong khu vực vẫn chưa thể phục hồi.
10 tháng đầu năm nay, trị giá XK cá tra sang thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN là Thái Lan vẫn giảm 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 43,6 triệu USD (chiếm 46,2% trị giá của toàn khối), tiếp đó là thị trường Singapore, Malaysia và Philipines.
Trước đại dịch, Singapore, Malaysia là hai thị trường mới nổi và hấp dẫn thu hút nhiều doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam khi nhu cầu nhập khẩu, tiêu thụ ổn định và tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu, năm 2020, hai đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 khiến hoạt động giao thương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mới đây, những nỗ lực chuyển đổi từ "zero Covid" sang "sống chung với Covid", các nước này cũng đang thận trọng mở cửa lại kinh tế trong bối cảnh cả thế giới đang lo lắng về biến thể Omicron. Các chuyên gia kinh tế lạc quan dự báo rằng, kể từ đầu năm 2022, Singapore là quốc gia có tốc độ phục hồi và ổn định nhanh nhất khu vực và là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thúc đẩy XK sang thị trường này.
Tính đến hết tháng 10/2021, trị giá XK cá tra sang Singapore đạt 20,6 triệu USD, giảm 29,4%; XK sang Malaysia đạt 15,2 triệu USD, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi một số nước nhập khẩu lớn cá tra trong khu vực giảm thì Philippines và Indonesia là hai thị trường đáng chú ý trong năm nay. 10 tháng năm nay, XK cá tra sang Philippines tăng 33,3%, đạt 14 triệu USD; XK cá tra sang Indonesia cũng đang trăng trưởng nhanh chóng.
Vừa sản xuất, vừa lo dịch
Tính đến hết tháng 10/2021, tổng trị giá XK cá tra Việt Nam đạt 1,21 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra chế biến XK giảm hơn 50%. Riêng tháng 10/2021, trị giá XK cá tra chỉ đạt 136,7 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, nhiều thị trường tiềm năng vẫn giảm sâu. Chẳng hạn, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông giảm tới 27,6%, chỉ đạt 310,2 triệu USD trong 10 tháng. Riêng tháng 10, trị giá XK cá tra sang thị trường này giảm rất mạnh tới gần 61%, đạt 31,35 triệu USD, thấp hơn trị giá XK cá tra sang Mỹ hơn 10 triệu USD.
Mặc dù sụt giảm về trị giá nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cho tới nay, Trung Quốc - Hồng Kông vẫn đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
Với tình hình kiểm soát gắt gao thực phẩm, thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc như hiện tại, dự báo chắc chắn từ nay tới cuối năm nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc, trong đó có cá tra sẽ còn giảm tới hai con số so với năm ngoái.
Trong bức tranh XK cá tra năm nay, Mỹ là mảng sáng nhất. riêng tháng 10, trị giá XK cá tra sang thị trường Mỹ tăng gần gấp đôi so với tháng trước.
Tháng 10/2021, trị giá XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 42 triệu USD, mức cao nhất trong top 10 thị trường XK cá tra lớn nhất, tăng gần gấp 2 so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2021, tổng trị giá XK cá tra sang thị trường này đạt 289,6 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của bà Tạ Hà, nếu tốc độ tăng trưởng XK cá tra sang thị trường Mỹ trong quý 4 được giữ vững, nhiều khả năng Mỹ trở về vị trí là thị trường XK cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay.
Cho tới nay, các doanh nghiệp XK cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Điều này khiến cho toàn bộ tâm sức của các nhà máy tập trung cho phòng chống dịch bệnh, ổn định sản xuất. Các chi phí sản xuất tăng cao, cước phí vận chuyển tăng kéo theo giá XK cũng buộc phải điều chỉnh. Do đó, để gia tăng XK, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm soát được dịch bệnh để tiếp tục quay trở lại tăng cường XK sang các thị trường lân cận nhu cầu đang phục hồi.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()