Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:05 (GMT +7)
Xuất khẩu gạo liên tục đón nhận tin vui
Thứ 6, 11/11/2022 | 14:36:33 [GMT +7] A A
Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng cao, giá gạo xuất khẩu cũng vượt giá gạo của Thái Lan… xuất khẩu gạo đã và đang đón nhận nhiều tin vui. Dự báo, năm nay sẽ lại là một năm đạt kỷ lục của gạo Việt.
Tin vui cho xuất khẩu gạo
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo uy tín của Việt Nam, thời gian qua, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã liên tục trúng các gói thầu xuất khẩu gạo. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, các đơn hàng liên tục được ký mới và gần đây, công ty vừa trúng gói thầu xuất khẩu 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với giá trị hơn 9 triệu USD, dự kiến sẽ xuất khẩu vào đầu năm 2023. Đây không phải lần đầu Trung An trúng thầu gạo sang Hàn Quốc và các lô gạo này đều có giá trị tương đối cao.
Không riêng gì Trung An mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều đang gặp rất nhiều thuận lợi. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so tháng 9/2022. Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta.
Kết thúc 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, đem về 3 tỷ USD. Điều đáng nói, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện đứng đầu thế giới, đang bỏ cách xa Thái Lan (nước có giá gạo bình quân cao thứ 2) là 23 USD/tấn…
Trong đó, chỉ riêng 2 thị trường Philippines và Trung Quốc đã chiếm đến 57,47% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 2,739 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 45,02%, trị giá 1,266 tỷ USD, tăng 30,84% về khối lượng và tăng 18,39% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 757.575 tấn, chiếm tỷ lệ 12,45%, trị giá 382.676.125 USD
Xuất khẩu sang các thị trường khó tính cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Trong 10 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Hoa Kỳ tăng 84,8%; sang thị trường EU tăng 82,2%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau gần 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU.
Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như: ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng. EU cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế suất ưu đãi 0% sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU mới đạt gần 38.000 tấn. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn.
Cũng theo các chuyên gia, kể từ tháng 10/2022, thị trường gạo thế giới đã có những diễn biến bất ngờ khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).
Trong bối cảnh nhu cầu gạo toàn cầu đang tăng cao, động thái này của Ấn Độ đã góp phần giúp mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho gạo Việt Nam. Đồng thời, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu cũng là động lực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Giá xuất khẩu kỷ lục
Không những đạt lượng xuất khẩu cao, giá trị xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng vượt trội. Theo số liệu Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48-51 USD/tấn và Thái Lan 18-23 USD/tấn.
Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty trách nhiệm hữu hạn Vrice, cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao, hiện gạo 5% tấm đang ở mức 440-450 USD/tấn. Nguyên nhân tăng giá là do nhu cầu nhập khẩu quốc tế những tháng cuối năm tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa.
Những năm gần đây, đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Việc gạo Việt Nam bán cao hơn gạo Thái là chuyện đã dần trở nên bình thường. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.
VFA cho biết phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 là những giống không có một nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được. Đây là những giống lúa cho phân khúc gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của Thái Lan, Campuchia…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đưa ra dự báo, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, Việt Nam đủ lượng 6,5-6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt khoảng 3,2-3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, từ kết quả 10 tháng đã xuất khẩu hơn 6 triệu tấn, với 2 tháng còn lại của năm thì tối thiểu mỗi tháng sẽ xuất đi 600 nghìn tấn, thì ước tính cả năm nay sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo. Đây tiếp tục là kết quả khả quan cho gạo Việt Nam, vượt trội so với con số năm 2021 (xuất khẩu 6,2 triệu tấn tương đương 3,3 tỷ USD).
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()