Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu khoai lang đạt 2,1 triệu USD, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài khoai lang, ớt cũng là mặt hàng ghi nhận kim ngạch tăng 6 lần so cùng kỳ, đạt 23 triệu USD.
Các nhà vườn trồng ớt và khoai lang ở Gia Lai cho biết vụ năm nay, thu 200-300 triệu đồng một ha ớt và khoai lang - mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Giá thu mua khoai lang và ớt trong dân tăng gấp đôi cùng kỳ 2022, dao động 18.000-22.000 đồng một kg khoai; ớt 25.000-55.000 đồng một kg, tùy mua buôn hay lẻ.
Lý do kim ngạch khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, do hai nước đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật với sản phẩm khoai lang vào tháng 4 năm nay, mở đường cho mặt hành này xuất chính ngạch vào Trung Quốc.
Với ớt, tháng 3/2022, Trung Quốc cấp phép cho một số công ty xuất chính ngạch trở lại sau gần hai năm ngừng vì vi phạm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện 14 loại nông sản, trong đó 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) và 5 sản phẩm khác gồm tổ yến, khoai lang, thạch đen, vải đem lại doanh thu tỷ USD. Dưa hấu là loại trái cây tiếp theo sẽ được nhập chính ngạch vào Trung Quốc, theo Nghị định thư ký giữa hai nước nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình mới đây.
Ba năm qua, Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản, nên sản lượng các mặt hàng này xuất sang Trung Quốc tăng vọt. 10 tháng, Trung Quốc chi hơn 3,2 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, đưa kim ngạch nhập nông sản lên con số kỷ lục, trên 7,5 tỷ USD. Tính chung nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần tại nước này.
Hiện xuất khẩu khoai lang và ớt chiếm 86% tổng giá trị kim ngạch rau củ sang Trung Quốc.
Để xuất khẩu ớt, khoai lang bền vững sang nước này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) lưu ý doanh nghiệp cần tuân thủ điều kiện về mã vùng trồng, cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc công nhận. Doanh nghiệp cũng cần xử lý kiểm dịch thực vật tại các đơn vị đủ điều kiện thực hiện.
Ý kiến ()